Hoài Nguyễn
(VNTB) – Đại sứ quán Nga tại Bangkok cảnh báo người Thái Lan “không tình nguyện sang Ukraine chiến đấu chống quân Nga”.
Liên bang Nga ngại “liên quân”?
Báo Bangkok Post hôm 6-3 cho hay, Đại sứ quán Nga tại Bangkok cảnh báo người Thái Lan “không tình nguyện sang Ukraine chiến đấu chống quân Nga”.
Sứ quán Nga viết rằng Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt khuyên người nước ngoài “không nên tham gia các chiến dịch quân sự như vậy”, và rằng “lính đánh thuê không đủ tiêu chuẩn là chiến binh và không thể được cấp quy chế tù binh trong trường hợp bị bắt”. (Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-nga-thua-nhan-dang-chien-tranh-voi-ukraina)
Trước đó, Reuters cho hay, một trang web ở Thái lập danh sách “hơn 2.000 người Thái quan tâm đến việc tình nguyện chiến đấu cho Ukraine”. Chanaphong, cựu binh không quân nói thế này: “Tôi đã từng đấu tranh đòi dân chủ cho nước mình, nên tôi thấu hiểu nỗi khổ của Ukraine đang bị một quân đội lớn và bạo chúa xâm chiếm. Tôi muốn giúp đỡ Ukraine…”.
Công dân Việt tham chiến ủng hộ Nga tức khắc sẽ bị ở tù!
Giả dụ nếu công dân của Việt Nam đến số 6 Lê Hồng Phong, Hà Nội (Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam) để ghi danh tình nguyện tham gia của chiến vệ quốc của Ukraine, liệu họ có vi phạm pháp luật nào của Việt Nam?
Câu trả lời nhanh ở đây là “Không”. Còn nếu ghi danh tình nguyện tham gia quân đội Nga trong cuộc chiến Nga – Ukraine, thì công dân Việt đó có thể bị bắt giữ hình sự khẩn cấp ngay khi vừa rời tòa Đại sứ quán liên bang Nga ở số 191 đường La Thành, Hà Nội.
Bộ luật hình sự hiện hành, ở Chương XXVI về “Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh”, có hai điều liên quan đến câu trả lời “Không” ở trên:
“Điều 424. Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê
Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 425. Tội làm lính đánh thuê
Người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm”.
Trước hết, tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng lính đánh thuê là tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, đặc biệt là tội phạm có tính chất quốc tể, có thể mang tính chất xuyên quốc gia, xâm hại đến nền chính trị an ninh khu vực cũng như an ninh trên toàn thế giới.
Các chủ thể là người phạm tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng lính đánh thuê thường thực hiện tội phạm với quy mô lớn và có sự chuẩn bị lâu dài, nên có thể gây ra hậu quả nguy hại rất lớn cho toàn xã hội.
Mặt khách quan của tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê thể hiện ở hành vi tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê của các chủ thể có nhu cầu.
Tuyển mộ lính đánh thuê là tập hợp lính đánh thuê dưới bất kỳ hình thức nào cụ thể như thông qua hình thức thuê tiền hoặc hiện vật hay các lợi ích khác. Các chủ thể là người được tuyển mộ có thể là công dân nước tuyển mộ, hay có thể là công dân nước ngoài được tuyển mộ để đi sang nước khác.
Việc các chủ thể thực hiện huấn luyện lính đánh thuê là huấn luyện về chính trị, quân sự, về thủ đoạn, phương pháp tiến hành chiến tranh, đàn áp, khủng bố, cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật quân sự. Thời hạn huấn luyện lính đánh thuê dài hay ngắn không ảnh hưởng tới vấn đề định tội đối với tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê.
Sử dụng lính đánh thuê là điều động, chỉ huy lính đánh thuê tham gia chiến tranh, đàn áp khủng bố các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hay độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một nước bạn của Việt Nam.
Các hành vi được nêu cụ thể bên trên chỉ bị coi là tội phạm quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 khi chúng được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ những viện dẫn pháp lý như trên cho thấy có sự rành mạch rõ ràng: nếu công dân Việt Nam sang Ukraine để giúp quốc gia này bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thì đó là quyền công dân không chịu sự điều chỉnh nào của pháp luật hình sự. Thế nhưng trường hợp khi công dân Việt Nam sang Nga để góp mặt cùng quân đội liên bang Nga tham gia vào những giao tranh ở Ukraine, thì vi phạm Điều 424 và 425 của Bộ luật hình sự 2015, có thể bị án tù đến 15 năm.
Lính đánh thuê thường là cựu binh thiện chiến
Còn chuyện gọi là “tù binh chiến tranh” như kiểu hăm he từ phía Nga, thì điều đó thực tế chỉ là đòn gió hù dọa, bởi “Công ước Genève về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh” không có điều khoản mang tính loại trừ nào như phía Nga được ra hiện nay về “tù binh chiến tranh”.
Nói ngắn gọn, Công ước Geneva về tù binh là Thỏa thuận quốc tế giữa 60 nước về đối xử nhân đạo đối với tù bình ký tại Geneva ngày 12-8-1949 có 6 phần, 143 điều. Theo đó, tù binh chiến tranh là những quân nhân bị bắt khi tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến giữa các bên. Một số người lính hoặc dân theo một tổ chức, hoặc nhóm chống đối sự chiếm đóng bằng vũ lực không có đồng phục, phù hiệu, biên chế cụ thể, còn gọi là các du kích vẫn được hưởng quy chế đối xử nhân đạo như là tù binh và hàng binh chiến tranh khi bị bắt hoặc đầu hàng lực lượng chiếm đóng.
Các nước ký kết công ước cam kết: tù bình được nới nhẹ khỏi những điều kiện ngặt nghèo của cuộc sống bị giam giữ, tập trung, được chăm sóc về ăn ở, chữa bệnh, được trao đổi thư từ, cầu nguyện, làm lễ theo nghi thức tôn giáo của họ. Khi phạm tội, phạm kỷ luật được xét xử theo nguyên tắc pháp lý chung.
Việt Nam gia nhập công ước này vào ngày 5-6-1957.
Nói thêm, đối với những người muốn tuyển lính đánh thuê thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm ở nước ngoài, thì Colombia là lựa chọn phổ biến.
Gần 60 năm nội chiến đã biến đất nước Nam Mỹ này trở thành thao trường tôi luyện các binh sĩ và sau khi xuất ngũ, họ trở thành nguồn nhân lực cho các công ty an ninh tư nhân. Binh sĩ thuộc các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ Colombia có thể nghỉ hưu từ khi ngoài 40 tuổi, khiến nhiều người chỉ có lương hưu khiêm tốn và không biết phải làm gì tiếp theo.
“Việc tuyển mộ binh sĩ Colombia đến những nơi khác trên thế giới làm lính đánh thuê là vấn đề đã tồn tại từ lâu, vì không có luật nào cấm làm vậy”, tư lệnh lực lượng vũ trang Colombia, tướng Luis Fernando Navarro, nói. “Chẳng hạn, có một số lượng đáng kể cựu binh Colombia ở Dubai”.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là khách hàng quan trọng của các cựu binh Colombia. UAE đã thuê họ đến chiến đấu với phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, sát cánh cùng với các chiến binh được tuyển từ Panama, El Salvador và Chile, theo Sean McFate, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Giả dụ như mai này ở chiến trường Ukraine người ta lại thấy nhưng binh sĩ Colombia góp mặt dưới màu cờ xanh – vàng, thì đó cũng là đúng luật chơi mà phía Nga không thể lại cứ la làng với đủ loại hù dọa.
Cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố thành lập Quân đoàn Quốc tế Lãnh thổ, một đơn vị bán quân sự do nhà nước hậu thuẫn dành cho các chiến binh nước ngoài tham gia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 16.000 tình nguyện viên nước ngoài đang tới Ukraine để chiến đấu và một số trong số này đã có mặt ở Ukraine.
Theo The New York Times thì một viên chức quốc phòng tại Đại sứ quán Ukraine ở Mỹ đã nhận được hơn 3.000 đơn đăng ký của các công dân Mỹ muốn tham gia chiến đấu ở Ukraine. Cũng theo The New York Times đưa tin, Đại sứ quán Ukraine tại Pháp tích cực chiêu mộ các cựu binh sĩ tham gia cuộc chiến, tạo một trang Facebook với thông tin và thủ tục giấy tờ mà người tham gia cần điền vào…