VNTB – Ngấm đòn

VNTB – Ngấm đòn

Hiền Lương

(VNTB) – Người nghèo đã thật sự ngấm đòn sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo quá dài cho đến tận hôm nay vì đại dịch đến từ con virus Vũ Hán/ Corona, mà có người gọi ngắn gọn là ‘cúm Tàu’.

Để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19, theo tin tức báo chí cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; trợ cấp người lao động… Tuy nhiên, sự hỗ trợ này rất có thể không đủ để đến được với các thành phần ‘kinh tế vỉa hè’, bao gồm các hộ kinh doanh và người buôn bán tự do – những nhóm đối tượng được xác định là ‘không có nhiều sức chịu đựng’ nếu dịch kéo dài.

Quan sát đời sống kinh tế từ các hoạt động mua bán ở vỉa hè Sài Gòn, dễ nhận ra các biện pháp hành chính chống dịch đã buộc người ta phải đóng cửa hàng quán, thậm chí dừng luôn cả các hình thức phục vụ di động. Họ là nhóm được đánh giá yếu nhất về khả năng kháng cự với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cộng đồng kinh doanh.

Gọi là ‘yếu nhất’, vì mọi thu nhập của họ đến từ việc buôn bán hàng ngày, nhất là với những người di cư từ các địa bàn nông thôn vào đô thị. Khả năng tích lũy nguồn lực để chống chịu với sự ngưng trệ của nền kinh tế, là yếu hơn so với các chủ thể kinh doanh khác.

Mà chẳng cần viện dẫn lý thuyết vĩ mô về nền kinh tế vỉa hè.

Sáng chủ nhật của ngày Phục sinh 12 tháng 4, trời Sài Gòn nắng nhưng không nóng như trước, một tài xế GrabBike ngồi xổm dưới bóng râm xem điện thoại.

Tôi hỏi anh sao không vào quán cà phê đối diện ngồi cho mát. Anh lắc đầu bảo, anh thường ngồi quán cà phê vỉa hè của bà Tư nhưng giờ bà Tư không dọn hàng nên anh ngồi tạm đây. “Cà phê đá của bà Tư chỉ 9.000 đồng/ly, ngồi có khách gọi, gởi lại lát về uống tiếp. Dạo này dịch bệnh, khách vắng, từ sáng giờ tôi mới chạy được một cuốc 22.000 đồng. Ngồi đây lát có khách chạy luôn”. Gương mặt khắc khổ của anh xạm lại dù cái nắng của Sài Gòn những ngày trung tuần tháng 4 dịu nhiều lắm rồi.

Hồi chưa xảy ra đại dịch cúm Tàu, hàng ngày ở Sài Gòn phải đến hàng chục ngàn người bán hàng rong ra khỏi nhà trọ để mưu sinh trên các nẻo đường. Họ luôn là những gương mặt xuất hiện trong những thống kê gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong nhiều năm qua: những người di trú và người lao động không chính thức.

Rất nhiều người là nông dân từ các vùng nông thôn di cư vào thành thị. Những người này sẽ không thể có nguồn thu nhập thay thế để trang trải cho các nhu cầu sống tối thiểu như: thuê nhà, thực phẩm, y tế, hay học hành của con cái họ. Những bức bách về kinh tế có thể lại trở thành nguyên nhân cho các vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, căng thẳng hay mâu thuẫn xã hội.

Thước đo về năng lực của chính quyền đang nhiều cơ hội thể hiện qua những tình huống như hiện tại, kể cả khi dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)