VNTB – Ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản khách hàng?

VNTB – Ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản khách hàng?

Hiền Vương

(VNTB) – Đang có thông tin tài khoản ngân hàng của một cá nhân, được cho là nơi quyên góp tiền “phúng điếu và chia sẻ” với gia đình ông Lê Đình Kình, người tử vong trong sự việc Đồng Tâm ngày 9-1, bị phong tỏa.

Liên quan vấn đề này, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Như chúng tôi đã công bố, các đối tượng trong vụ việc này đã khai nhận việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp để mua sắm vũ khí, vật liệu nổ, sản xuất vũ khí thô sơ và đã dùng để tấn công lại lực lượng chức năng. Những việc như vậy có dấu hiệu của khủng bố. Pháp luật Việt Nam và các nước đều rất nghiêm khắc với khủng bố, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như ngăn chặn, kiểm soát dòng tiền”.

Theo điểm c khoản 1 Điều 24 Luật An ninh quốc gia 2004, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia”.

Lưu ý, những nhận định của Trung tướng Lương Tam Quang đăng tải công khai trên báo chí với tư cách ông là Người Phát ngôn của Bộ Công an, cho thấy vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, và các khoản tiền nằm trong điều chỉnh này phải đến từ công việc của hành vi được cáo buộc là “khủng bố”.

Trong vụ án đã khởi tố được báo chí đăng liên quan đến sự kiện Đồng Tâm hôm 9-1, cho thấy ông Lê Đình Kình không bị khởi tố. Dòng tiền chuyển khoản về tài khoản “phúng điều và chia sẻ” với lễ tang ông Lê Đình Kình là có địa chỉ rõ ràng của người gửi, mục đích gửi vì tính nhân đạo cũng minh bạch. Cá nhân chủ tài khoản “phúng điều và chia sẻ” là công dân không phải trong thời gian chịu sự giới hạn nào của quyền dân sự.

Liên quan vấn đề như nhận định của Người Phát ngôn Bộ Công an, có thể thấy rằng ở đây có mối quan hệ giữa chủ tài khoản cá nhân với ngân hàng; giữa ngân hàng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi khách hàng khi có các yêu cầu giới hạn quyền này từ Bộ Công an.

Luật các Tổ chức tín dụng, có những điều khoản cụ thể như sau trong trường hợp ràng buộc các mối quan hệ nói trên:

“Điều 10. Bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây:

1. Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh;

2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi;

3. Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng;

4. Thông báo công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, các quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng;

5. Công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép ngừng giao dịch quá 01 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Điều 11. Trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây:

1. Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp;

2. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố;

3. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố;

4. Hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố”.

Như vậy, giả dụ có tình huống yêu cầu “kiểm soát dòng tiền” với nghi vấn là tài trợ khủng bố, thì ở đây việc thực hiện Điều 11.4 giữa ngân hàng với Bộ Công an, dẫn đến yêu cầu “phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng”, phải được tiến hành theo trình tự “của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Vậy thì, quy định của pháp luật trong trường hợp này ra sao?

Thông tư 23/2014/TT-NHNN (phiên bản sửa đổi, bổ sung), “Điều 17. Phong tỏa tài khoản thanh toán: 1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau: a) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; b) Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền;

c) Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản thanh toán; d) Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

2. Ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản, hoặc người giám hộ, hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán; số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.

3. Trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá với số tiền trên lệnh chuyển tiền bị sai sót, nhầm lẫn”.

Như vậy tình tiết vụ việc tài khoản “phúng điều và chia sẻ” kể trên, cho thấy thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 23/2014/TT-NHNN, Điều 17.2.

Tuy nhiên diễn biến vụ việc như bà Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook https://www.facebook.com/Melinh.liberty/posts/1244816752384791, thì “Vietcombank đã ngang nhiên phong toả tài khoản của tôi trong đó có 528,454,000₫ là số tiền phúng viếng của nhân dân tới cụ Lê Đình Kình người bị giết hại ở Đồng Tâm hôm 9/1. Sáng nay sau khi hết bị canh, tôi ra ngân hàng VCB ở Thái Thịnh để rút số tiền mọi người phúng điếu cụ Kình, thì nhân viên trả lời tài khoản của tôi đã bị phong toả, mà không có bất cứ lý do gì được đưa ra. Tôi sẽ mời luật sư, tiếp tục làm việc với VCB cho đến khi được giải quyết thoả đáng”.

Như vậy, nếu căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 24 Luật An ninh quốc gia 2004, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia”, thì phía Vietcombank phải có trách nhiệm chủ động gặp gỡ khách hàng Nguyễn Thúy Hạnh để thực hiện theo trình tự quy định của Điều 17.2, Thông tư 23/2014/TT-NHNN.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)