Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Ngân sách năm nay gay rồi’: Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai !

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, một trong số ít quan chức có thông tin và có hơi hướng phản biện – bật ra: “Ngân sách năm gay rồi, dự báo năm sau sẽ tiếp tục gay thì ảnh hưởng thị trường tài chính của Việt Nam”.

Christine Lagarde: “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai”.
Cảm xúc trên được ông Thiên hé lộ tại Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/3/2016.
Còn ông Trương Văn Phước- Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – cũng phải thừa nhận việc cân đối ngân sách năm nay ngày càng khó khăn hơn. Trần nợ cộng gần như chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách là 5.7% đặt ra thách thức cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa,  dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế…
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng khá bi đát của nền kinh tế và ngân sách lộ ra. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2013 ở Nha Trang, ông Trần Đình Thiên cũng là quan chức nhà nước lần đầu tiên bi quan về tình trạng nợ xấu tràn ngập trong các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt là hệ thống ngân hàng. Một số chuyên gia phản biện đã tính toán tỷ lệ nợ xấu phải lên đến 10-15%. Nhưng vào thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình chỉ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu 3%. Chỉ đến cuối năm 2014, ông Bình mới lần đầu tiên thú nhận trước Ủy ban thường vụ quốc hội về con số nợ xấu lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng, tức tỷ lệ nợ xấu khoảng 15%.
Còn giờ đây, khi chính phủ bị coi là “điều hành quá yếu kém” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp trôi vào dĩ vãng, ngày càng nhiều quan chức và báo chí nhà nước mạnh miệng hơn. Nếu báo cáo trước đây của Thủ tướng Dũng chỉ thừa nhận nợ công vào khoảng 55% GDP, thì nay giới quan chức ngành kế hoạch và tài chính đang công nhận tỷ lệ này “chạm ngưỡng nguy hiểm”, cho dù trong thực tế tỷ lệ nợ công quốc gia đã vọt đến 98% GDP từ những năm 2011 – 2012.
Tuy không mô tả tình hình ngân sách 2016 bằng các số liệu chi tiết, nhưng ông Trần Đình Thiên đang như tiếp lửa cho lời phát lộ “Ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng” của ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư vào cuối năm 2015. Vào thời điểm đó, ngay một số quan chức cấp cao cũng phải thừa nhận “tình hình ngân sách là cực kỳ căng thẳng”. Sau đó, người ta chứng kiến phía chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính phải vay mượn khoảng 30,000 tỷ đồng từ Ngân hàng nhà nước “để cân đối khó khăn ngân sách”, còn Bộ tài chính phải thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng và cả những doanh nghiệp đầy màu mỡ như Vinamilk…
Bội chi ngân sách đã vượt trần nguy hiểm từ lâu. Vào năm 2013, bội chi ngân sách đã lên đến 6.3% GDP. Còn cuối năm 2015, để “lập thành tích chào mừng đại hội đảng 12”, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết bội chi ngân sách năm 2015 sẽ không vượt quá 5% GDP. Nhưng rốt cuộc, con số phải thừa nhận tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ quốc hội tháng 2/2016 là 5.7% GDP (thực tế còn có thể cao hơn).
Mới đây vào giữa tháng 3/2016, bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – đã đến làm việc tại Việt Nam. Tương tự kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim vào tháng 2/2016, IMF đã không hứa hẹn bất cứ khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo hà Nội. Thay  vào đó, IMF khuyến cáo: “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai”.
Có thể hiểu: nếu không cải cách và không cải cách một cách thực chất, sẽ không có tiền.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo