Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngành y tế tiếp tục khủng hoảng

Hiền Vương

(VNTB) – Nguồn tin từ Viện Pasteur Sài Gòn cho biết nguyên nhân viện hết tất cả các loại vắc xin là do gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.

Theo nội dung cập nhật đến ngày 20-6-2022 của Viện Pasteur Sài Gòn (http://tiemchung.pasteurhcm.gov.vn/Announcement/VaccinePrice) thì trong 19 loại vắc-xin thông thường, hiện chỉ còn loại vắc-xin “Viêm dạ dày ruột do vi-rút Rota”. Các vắc-xin phòng dại đều hết sạch.

Hiện thực trên gây sốc còn là vì ngày 24-6 tới đây sẽ là lễ Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập Viện Pasteur Sài Gòn, và sẽ có Hội nghị khoa học thường niên năm 2022 tổ chức nhân sự kiện này. (Tham khảo nội dung hội nghị tại http://www.pasteurhcm.gov.vn/news/chuong-trinh-hoi-nghi-khoa-hoc-nam-2022-2609.html).

Không những thiếu vắc-xin, thuốc điều trị, vật tư y tế cũng thiếu và tình trạng này diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy các địa phương và đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Thêm vào đó, việc thực hiện nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra còn do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Thực tế, trong số các nguyên nhân Bộ Y tế đưa ra, nổi bật và dễ dàng thấy nhất là cơ sở y tế và doanh nghiệp cung ứng đang sợ vì trong thủ tục đấu thầu, cơ chế, chính sách về giá, thủ tục thanh toán… còn nhiều điểm chưa hợp lý, phức tạp, khó khăn và khả năng đối mặt với bắt bớ hình sự về sau này từ những thực tế đang diễn ra bởi ‘thói quen’ lâu nay trong ký kết mua bán luôn có phần gọi là ‘hoa hồng’ công khai.

Không gỡ bỏ những nỗi sợ hãi này thì dù Bộ Y tế có ra lệnh thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật đi nữa thì cũng khó lòng phá băng thực trạng “sợ, thiếu” hiện nay.

Điều càng phức tạp hơn là không chỉ đả thông tư tưởng “sợ” trong ngành y mà cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế. Gỡ khó cho nội bộ ngành chưa xong, sao có thể trấn an cả doanh nghiệp ngoài ngành. Vì thế cần phải xem sự bất thường ở ngành y là vấn đề quốc gia, để tất cả các bộ ngành, Chính phủ, Quốc hội cùng tham gia tháo gỡ.

Tin tức trên báo chí cho thấy có thực tế là các giám đốc bệnh viện công luôn sống trong sự mâu thuẫn: nếu mạnh dạn đầu tư cho bệnh viện thì có thể đối diện với nguy cơ làm sai, còn chấp nhận “giậm chân tại chỗ” thì nhân viên không đủ sống và người bệnh không được thừa hưởng các tiện ích vốn có…

Vậy là chưa bao giờ nghề giám đốc bệnh viện lại đầy rẫy rủi ro như hiện nay, và không ít người đã tính đến chuyện rời ghế giám đốc để “bảo toàn sinh mạng chính trị”. Theo đó, một giám đốc bệnh viện hạng 1 tại TP.HCM thừa nhận tình hình hiện nay làm được gì cho người bệnh thì ông cố gắng làm, nhưng trên tinh thần “bảo vệ mình là chính”.

“Dù không có động cơ làm sai, nhưng với cơ chế chưa thực sự rõ ràng, nhiều quy định chồng chéo khiến việc quản trị bệnh viện có thể nay đúng, mai sai và có thể vướng vòng lao lý khi bị thanh tra”, vị này tâm sự thật lòng.

Khi việc sai phạm liên quan đến cán bộ ngành y ngày một nhiều, vị trí quản trị và điều hành bệnh viện trở thành “ghế nóng”. Một giám đốc bệnh viện lớn tại TP.HCM thậm chí còn được người thân trong gia đình gọi điện nhiều lần khuyên nhủ nên rút lui khỏi vị trí giám đốc.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học?

Trương Thế Tử

VNTB – Mùa Noel đó…

Do Van Tien

VNTB – 49 năm rồi mắt vẫn cay

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo