VNTB – Ngày hoà bình đầu tiên

VNTB – Ngày hoà bình đầu tiên

Thu Trang

 

(VNTB) – Cơn gió ngày hoà bình đầu tiên nghe tanh nồng mùi xác chết và khói súng…

 

Với tuổi thơ huyền ảo của tôi, bảy ngày tản cư qua nhà ông Tám Ri- phải, chỉ bảy ngày thôi nhưng là những ngày quyến rũ và ám ảnh nhất trong đời.

Hàng dừa lao xao gió đón gia đình tôi tản cư qua cù lao Cỏ trong nắng chiều rạng rỡ. Tôi hân hoan nhảy chân sáo trên con đường đầy cỏ dại dẫn vào nhà ông Tám Ri. Với tuổi thơ huyền ảo của tôi, bảy ngày tản cư qua nhà ông Tám Ri- phải, chỉ bảy ngày thôi nhưng là những ngày quyến rũ và ám ảnh nhất trong đời.

Những ngày thoi thóp của chiến tranh bao giờ cũng bắt đầu bằng loạt súng rộ lên phía đầu cầu.

Cây cầu gần trăm năm tuổi bắc qua con sông lớn có nhiều tên. Gọi là cầu xe lửa khi có những chuyến xe lửa dài ngoằng chạy qua. Gọi là cầu sắt bởi nó được làm bằng sắt. Gọi là cầu đen bởi nó được sơn màu đen. Gọi là cầu cỏ lác bởi hai bên thành cầu mọc vô số cỏ lác sau mùa chinh chiến không người duy tu bảo dưỡng.

Ngày tôi và anh Kẻng đặt chân sang cù lao Cỏ của ông Tám, cầu lại có thêm một cái tên: cầu súng. Tiếng súng đì đoàng rộ lên suốt ngày phía trên và phía dưới cầu. Nên tôi và Kẻng gọi nó là cầu súng.

Suốt ngày Kẻng trèo lên ngọn dừa báo tin cho tôi đang đứng dưới gốc dừa. Một nón sắt hai nón sắt ba nón sắt trong lô cốt chuẩn bị bắn, một hai ba. Đùng đùng đùng. Một dép râu hai dép râu ba dép râu đang bò dưới sàn cầu, chuẩn bị bắn, một hai ba, đùng đùng đùng… Ông Tám Ri cao to ở trần, vai u thịt bắp đỏ au, đứng sau tôi vừa khoèo tay gãi lưng vừa nhìn lên róng riết:

– Mẹ cha tụi bây, xuống không, lạc đạn chết cha hết bây giờ!

Dĩ nhiên là má tôi lôi Kẻng xuống và cho hai đứa một trận đòn nên thân.

Đêm ngủ, nghe tiếng bập bùng phía cầu, Kẻng khều chân tôi: “Bên dép râu đang bắn đó”. Tôi thều thào: “Sao biết?”. Kẻng liếng thoắng trong bóng đêm đầy muỗi vo ve: “Sao lại không biết, tiếng bùm bùm đục khan”.

Còn tiếng súng bên nón sắt, tôi thều thào hỏi tiếp. Kẻng rành rẽ: “Tiếng nghe chíu chíu như đạn sắp rớt trên đầu mình”.

Má đét cái bốp vào lưng Kẻng, ngủ đi, con nít con đứa mà nói chuyện xui không hà. Tất nhiên, tôi và Kẻng làm sao ngủ ngay được giữa một rừng tiếng súng đầy lo âu nhưng không kém phần mê hoặc. Chân Kẻng cứ quàng qua chân má khều chân tôi một cái khi có tiếng súng của bất cứ bên nào rộ lên. Tôi mơ màng đi vào giấc ngủ khi kịp nghĩ rằng, chắc hẳn ngày mai tiếng súng chíu chíu sẽ nhiều hơn tiếng bùm bùm.

Coi bắn súng, đoán tiếng súng chán, khi tiếng súng trở thành một món đương nhiên trong cuộc sống tạm bợ vài ngày của dân phố thị tôi, thì tôi và Kẻng thả ra đồng bắt cào cào châu chấu cho con sáo nhà ông Tám ăn.

Cánh đồng đầy những gốc rạ cao cao do gặt vội vàng trốn chiến tranh là cái tổ không bao giờ vơi bọn cào cào châu chấu. Con sáo lông đen mỏ vàng nhảy lung tung trong lồng giữa một bầy cào cào châu chấu, sáo luôn miệng hóng hớt: “Cám ơn mình mình ơi, cám ơn mình mình ơi”.

Một buổi chiều ngơi tiếng súng hiếm hoi, khi tôi đang bám tay vào thành lồng, cố dạy con sáo hát thì có tiếng ồm ồm sau lưng: “Nhà đâu hết rồi nhỏ?”. Giật mình quay lại, tôi thấy một ông trẻ nhưng có râu với vẻ hớt hải trong chiếc quần đùi và chiếc áo rằn ri vắt vai.

Tôi ấm ớ: “Con, con ở nhà ông Tám…”. Ông trẻ có râu bảo: “Không phải sợ gì cả, bây giờ ông Tám và mọi người ở đâu?”. Tôi lắc đầu: “Con không biết”. Ông khựng người một chút rồi vất áo chạy vụt ra đường làng. Với sự tò mò và luôn muốn khám phá, tôi xô chiếc lồng sáo ra và cũng chạy theo ông trẻ như bị nam châm hút.

Ra đến đầu cầu súng, tôi thấy mọi người bu đen bu đỏ, giữa đám đông có hai người mang dép râu nằm bất động, máu tràn lênh láng.

Ông trẻ nói với tôi đó là hai chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh để giữ cầu không cho phía bên kia giật sập nhằm giữ đường thông suốt cho đại quân tiến về Sài Gòn.

Sáng hôm sau, nhà ông Tám rước thầy cúng về tụng kinh cầu siêu cho hai người mang dép râu đã hy sinh. Tôi nghe người lớn thì thầm với nhau, một trong hai người là anh ruột của ông trẻ. Ông trẻ – cái ông có râu làm tôi khiếp sợ là con trai ông Tám, ông đi lính cho bên nón sắt, doanh trại bị quân giải phóng đánh tan tác nên thoát thân tìm về.

Trong lễ cầu siêu, mặc ai khóc, mặc ai xá lạy, ông cứ ngồi im trong góc nhà như pho tượng. Đến chiều, khi mọi việc tạm lắng, tôi rủ Kẻng ra sau vườn hái ổi thì thấy ông ngồi bên bờ ao ôm mặt khóc như một đứa trẻ.

Cuộc tranh chấp cây cầu giữa hai bên kết thúc, cầu vẫn vẹn nguyên, đại quân giải phóng tiến về Sài Gòn, chiến tranh bỏ chúng tôi lại sau lưng, cù lao Cỏ của ông Tám lại thênh thênh như chốn tiên bồng.

Tôi và Kẻng như vừa xem xong một bộ phim đầy khói lửa.

Chúng tôi lại tràn ra những cánh đồng quanh nhà ông Tám để thưởng thức thú quê. Kẻng ngồi chễm chệ trên lưng trâu nhà ông Tám nghe tiếng sáo diều vi vu giữa cánh đồng bao la bát ngát.

Tôi sung sướng ngồi “đánh đùng xa” bên bờ ruộng “chén” khoai lang nướng rơm thơm ngọt đến từng kẽ răng. Đêm về, hai đứa còn được theo ông Tám ra đồng đặt lợp bắt cá.

Sáng ngày thứ bảy ở nhà ông Tám, cả nhà bừng tỉnh khi trời còn mờ sương bởi tiếng loa xa gần của ban quân quản cù lao Cỏ. Ban quân quản thông báo quân giải phóng đã làm chủ toàn thành phố, kêu gọi ai về nhà nấy yên tâm làm ăn sinh sống.

Má đốt nhang, xì xụp lạy tạ ơn đất trời trước bàn thiên nhà ông Tám, vậy là hết chiến tranh rồi, không còn cảnh xáo thịt nồi da, không còn những đêm chui hầm trốn pháo kích sợ đến xanh xao đời.

Cả nhà tôi lại cụ bị gồng gánh, tay xách nách mang đi ngược con đường xe lửa thiên lý quay về trung tâm thành phố.

Anh Kẻng hân hoan nắm tay tôi, lôi tôi trượt dài trên những thanh sắt ngang của đường ray xe lửa. Đi được nửa đường, gia đình tôi cùng những người tản cư trở về chứng kiến một “đại tiệc chiến tranh”.

Người ta bảo trái pháo kích rơi khoảng xế chiều hôm qua, giấc ba bốn giờ gì đó. Hàng trăm xác người chết không toàn thây nằm dọc theo đường ray và hai bên lùm lùm những vạt cỏ cháy xác xơ.

Chị Tư tôi kêu rú lên khi đạp phải bàn tay người cong quíu những ngón tay. Má quẳng gióng gánh, ngồi thụp xuống mấy lần, tay vuốt ngực, miệng niệm phật a di đà.

Kẻng không còn hăng hái lôi tôi đi nữa, mà đã bước chậm lại, lùi ra phía sau nắm chặt bắp tay anh Ba. Tôi nhắm mắt bước cạnh Kẻng, mấy lần tởm lợm chực nôn khi gió thổi ngược thốc tháo.

Cơn gió ngày hoà bình đầu tiên nghe tanh nồng mùi xác chết và khói súng…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)