VNTB – Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: chỉ để tặng hoa và chúc mừng?!

VNTB – Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: chỉ để tặng hoa và chúc mừng?!

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Nhiều người nhầm tưởng và cũng cho rằng ngày 20-10 là ngày tôn vinh những người phụ nữ giống như ngày Quốc tế phụ nữ 08 tháng 3.

 

Luật sư người Nhật đang hành nghề tại Việt Nam, ông Hirota Fushihara, có nhận xét ở sự kiện thường niên có tên “Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10”: “Đã là ngày của nữ, thì nên phải sử dụng thời gian để trao đổi, tư duy lại về quyền và vai trò của nữ. Trong khi cũng có tổ chức phụ nữ, và rất nhiều người phụ nữ mang theo tư duy truyền thống và bảo thủ về nữ rồi áp đặt cho những người nữ còn lại. Chứ cứ dành thời gian để người Nam chạy đi chạy lại tặng hoa, tặng qùa, tổ chức bữa tiệc cho nữ cho vui cười làm gì. Thật là rách việc”.

Ngày phụ nữ Việt Nam là kỷ niệm mốc thành lập Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam, 20 tháng 10 năm 1930. Đây là tổ chức do đảng cộng sản Việt Nam phê duyệt thành lập, về sau đổi tên thành Hội Phụ nữ Việt Nam, là tổ chức có vai trò chính trị xã hội trong thời chiến cũng như thời bình.

Cũng giống nhiều Hội khác của đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam, ngày thành lập thường được tổ chức kỷ niệm long trọng ở các cấp từ trung ương tới địa phương, trong các cơ sở doanh nghiệp Nhà nước.

Việc tổ chức kỷ niệm và tuyên truyền rộng rãi trong một giai đoạn dài khiến ngày 20 tháng 10 ăn sâu vào trong đời sống xã hội. Nhiều người nhầm tưởng và cũng cho rằng đây là ngày tôn vinh những người phụ nữ giống như ngày Quốc tế phụ nữ 08 tháng 3.

Vào dịp này, phụ nữ Việt Nam được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng, thiệp và kèm theo những lời chúc mừng.

Chính lẽ ấy nên nhắc nhở của luật sư Hirota Fushihara, xem chừng rất có lý, khi nếu ai đó thắc mắc là mặc dù đây là tổ chức do đảng cộng sản Việt Nam phê duyệt thành lập, song cho đến nay vì sao vẫn chưa có bất kỳ một phụ nữ nào ngồi vào ghế Tổng bí thư đảng?

Vì sao là phụ nữ cần phải biết “đấu tranh” bảo vệ “nữ quyền”?

Nếu nhìn từ diễn biến vụ án bà Phạm Đoan Trang, có lẽ chủ nghĩa nữ quyền là một tập hợp các hệ tư tưởng và lý thuyết phức tạp, cốt lõi của nó là tìm cách đạt được các quyền bình đẳng về xã hội, chính trị và kinh tế cho phụ nữ và nam giới.

Nữ quyền đề cập đến một loạt các niềm tin, ý tưởng, phong trào và chương trình hành động. Nó đề cập đến bất kỳ hành động nào, đặc biệt là có tổ chức, nhằm thúc đẩy những thay đổi trong xã hội nhằm chấm dứt những khuôn mẫu khiến phụ nữ thiệt thòi.

Thế nhưng ở Việt Nam, về nữ quyền thì như đã nói ở trên, dường như vẫn chưa có bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Thực trạng bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nếu nhìn từ kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua cho thấy, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,8% (tăng 1,62%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17,4% tăng 2,41%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 15,73% và tăng 2,72% so với nhiệm kỳ trước.

Trong các cơ quan dân cử, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 29%; cấp huyện là 29,8%; cấp xã là 28,98%.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, “bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, xem ra hệ thống chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị – nói theo cách của tuyên giáo đảng, thì chưa toàn diện, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản và các giai đoạn. Nếu Nghị quyết số 11-NQ/TW đặt ra phấn đấu đến năm 2020 có 25% trở lên cán bộ nữ tham gia cấp ủy, thì Chỉ thị 35-CT/TW lại đặt ra “phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên”.

Câu hỏi đặt ra, đến năm 2030, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp có thể đạt 20-25% như Nghị quyết Trung ương 7 đã yêu cầu?

Có lẽ đây cũng là vấn đề của “nữ quyền” rất cần được quan tâm, mặc dù thể chế chính trị ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)