VNTB – Nghề giám đốc bệnh viện rất dễ bị tù tội?

VNTB – Nghề giám đốc bệnh viện rất dễ bị tù tội?

Mai Lan (ghi)

 

(VNTB) – Những người tinh hoa làm nghề cứu người lại vào vòng lao lý, họ kết thúc sự nghiệp vào lúc tuổi đời và tuổi nghề đẹp nhất.

 

Vài tuần trước đây, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung – giám đốc điều hành bệnh viện JW Hàn Quốc tại Sài Gòn, cựu giám đốc điều hành của bệnh viện tư nhân An Sinh, trụ sở tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn – nói rằng ông thấy bất ngờ khi nhận tin một vị giáo sư tim mạch hàng đầu – giám đốc một bệnh viện lớn nhất Hà Nội cũng bị truy tố khi vừa hoàn thành xong nhiệm vụ chống dịch tại TP.HCM.

“Hiện nay, có rất nhiều bác sĩ, nhà quản lý giữ các vai trò, vị trí quan trọng trong các bệnh viện, trung tâm y tế… liên tiếp “mang còng tay” vì bị gọi tên trong hành lang pháp lý quản lý điều hành lĩnh vực y tế. Phải chăng nghề giám đốc bệnh viện luôn rình rập những nguy cơ tù tội?” – bác sĩ Tú Dung đặt câu hỏi.

Lo lắng này của bác sĩ Tú Dung cũng dễ hiểu khi sáng sớm ngày 8-11, báo chí đồng loạt đưa tin về giám đốc bệnh viện thành phố Thủ Đức xộ khám vì liên quan đến “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Chia sẻ lo âu, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, cựu tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống, biện giải rằng với một cơ chế bệnh viện tự chủ, công tư lẫn lộn, tự thu tự chi vô tội vạ, mỗi nơi một giá mà không có biện pháp chế tài như hiện nay, thì rất khó kiểm soát. Khi phát hiện ra thì rất nhiều nơi sai phạm, giám đốc vào tù và thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh.

“Với một suy nghĩ đi đâu làm gì cũng phải có quan hệ, cũng phải có quà tặng, phong bì nhất là trong các dịp lễ Tết thì công việc mới thuận lợi. Vậy tiền ấy ở đâu ra? Câu hỏi cũng là câu trả lời!” – bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nói. Và cùng với đó là một quy trình bổ nhiệm cán bộ vừa rối rắm, vừa lỏng lẻo như hiện nay để chọn được người tài đức thì ít, mà để rủi có vấn đề gì khi chọn sai thì không ai chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm này.

Càng nhiều cửa thì người chạy chức càng tốn nhiều tiền và sau này thu hồi vốn càng lớn. Mà chạy chức thành vấn nạn rồi, ai cũng biết và đến bây giờ ai cũng thấy đó là điều bình thường. Cũng có một số người không chạy vẫn được bổ nhiệm, nhưng nói ra điều này cũng chả ai tin.

“Tiêu cực không chỉ riêng ngành y mà ở tất cả các ngành. Vấn đề bây giờ phải giải quyết được cái gốc của vấn đề. Nếu không chặt được cái gốc, cái đẻ ra tiêu cực thì chặt được ngọn này thì nó mọc ra ngọn khác.  Bắt những giám đốc tiêu cực là chúng ta đang xử lý cái ngọn” – bác sĩ Trần Sĩ Tuấn ý kiến.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung đưa ra góc nhìn khác: “Tại sao tôi gọi là nghề giám đốc, chứ không phải là công việc của một bác sĩ có kinh nghiệm, có thâm niên, có yếu tố chính trị cơ cấu… để trở thành giám đốc”.

Trên thực tế thì quản lý là một nghề nghiệp đặc thù. Để trở thành một nhà quản trị thì phải được đào tạo bài bản, không phải chỉ cần có yếu tố chuyên môn giỏi nghề là có thể làm được. Một nhà quản trị ngoài yếu tố chuyên môn thì cần phải hiểu biết về luật, quản lý tài chính, kỹ năng của một người thích ứng…

Mà thích ứng cơ chế trong môi trường quản trị Việt Nam mới là yếu tố cốt lõi để thành công, nhưng cũng là cái bẫy của vòng lao lý.

Thật đau xót khi nhìn thấy những vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi phải mặc áo tù khi thiên chức của họ là khoác chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cứu người, nhưng những người tinh hoa làm nghề cứu người lại vào vòng lao lý, họ kết thúc sự nghiệp vào lúc tuổi đời và tuổi nghề đẹp nhất.

Công bằng mà nói, thì những vị bác sĩ này là những người rất tài năng, rất năng nổ và trải qua một hành trình cống hiến xứng đáng. Nhìn lại những thành quả hiện tại thì chúng ta cũng thấy rằng đó là một công trạng không hề nhỏ. Sẽ có nhiều lý lẽ, nhiều tranh luận, mà chẳng ai dám bảo rằng đây là cái nguyên nhân, đây là cội nguồn dẫn các bác sĩ tài ba ấy vào đường lao lý.

Nhưng có lẽ một trong những lý do quan trọng là cơ chế quản lý hiện nay tạo nên nhiều cạm bẫy cho giám đốc bệnh viện công: Một quy trình vận hành về nhân sự, chi phí tiền lương, mua trang thiết bị, thuốc điều trị, đầu tư xây dựng, mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn, hợp tác, liên kết đào tạo… còn rất nhiều bất cập, chưa nói là nhiều thứ quá lỗi thời, mà để phù hợp với sự phát triển và nhu cầu thực tế thì giám đốc phải vận dụng sự linh hoạt.

“Tôi được biết là rất nhiều giám đốc bệnh viện công muốn làm được việc, muốn phát triển bệnh viện kịp xu hướng thời đại, để không bị lạc hậu thì phải táo bạo, phải xé rào, hay gọi một cách mỹ miều hơn là vận dụng một cách linh hoạt trong các quy định cứng nhắc, nhập nhằng, chồng chéo, cơ chế xin cho, cơ chế tự chủ nửa vời.. Mà linh hoạt được nhìn nhận thì gọi là sáng tạo, nhìn góc cạnh khác thì ‘lươn lẹo’… thì chuyện trở thành anh hùng hay tội đồ chỉ là cái trở bàn tay!” – bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chua chát nhận xét.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)