(VNTB) – Thêm một thông tư nhằm tăng tiền thuế cho nhà nước và tăng gánh nặng cho giáo viên, học sinh, phụ huynh
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức bắt đầu hiệu lực từ ngày 14/02. Điểm đặc biệt của thông tư này là cấm nhà trường và giáo viên thu tiền dạy thêm. Nếu các tổ chức hoặc cá nhân muốn dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tức là nếu giáo viên muốn thu tiền dạy thêm thì phải đóng thuế cho nhà nước.
Trước đây vẫn có tình trạng giáo viên mở các lớp học thêm để ép học sinh tới học để tăng thêm thu nhập. Dư luận đã nhiều lần lên án việc các giáo viên ưu ái thậm chí báo đề thi trước cho các em học sinh có học thêm, gây ra nhiều bất công cho các em khác. Cho nên thoạt nghe thông tư 29 này thì người dân dễ lầm tưởng rằng sẽ giúp giảm tải việc học thêm cho học sinh và giáo viên không dám mở các lớp học chui để thu tiền.
Nhưng thực tế vấn nạn dạy thêm không hoàn toàn là do giáo viên mà phải nói chính xác là do bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Thậm chí có thể nó là toàn bộ hệ thống chính trị của CSVN đã gây ra tình trạng này.
Chương trình giáo dục hiện nay rất nặng nề, cùng với đó là áp lực thi cử, điểm số. Không phải học sinh nào cũng có năng lực như nhau ở tất cả các môn học. Có em giỏi môn toán nhưng yếu môn văn, có em giỏi tự nhiên hơn xã hội, hoặc cũng có em chỉ giỏi các môn thể thao, nghệ thuật… Nhưng tất cả đều phải học giống nhau, tranh đua với nhau, từ thầy cô tới học sinh đều phải chạy theo thành tích. Để thúc đẩy những em học sinh có thành tích kém hơn các bạn khác thì thầy cô giáo phải mở các buổi phụ đạo, dạy thêm. Nếu không dạy thêm, dạy kèm thì các em học sinh sẽ không theo kịp các bạn khác, dẫn tới áp lực tâm lý…
Rất nhiều giáo viên phải dạy kèm để các em học tốt hơn, nhưng lại mang tiếng mở lớp dạy thêm, chịu nhiều áp lực xã hội. Nhưng chẳng lẽ bỏ thời gian, bỏ công sức ra dạy học mà không có thu nhập. Vậy giáo viên sống bằng gì khi mà lương giáo viên thì thấp, khối lượng công việc thì nhiều, trách nhiệm giảng dạy thì nặng nề, áp lực cao?
Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, Thông tư 29 này cho thấy sự gian trá, lưu manh của nhà nước cộng sản ở chỗ: không cấm giáo viên dạy thêm, mà CSVN yêu cầu giáo viên dạy thêm thì phải đóng thuế cho nhà nước. Trong hai điểm cần đọc kỹ dưới đây.
Thứ nhứt, “dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh”. Tức là trong khuôn viên nhà trường thì không được thu tiền dạy thêm, chứ không cấm dạy thêm. Vậy, nhà trường muốn đảm bảo thành tích thì sẽ yêu cầu giáo viên dạy thêm nhưng không thu phí. Đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ “dạy từ thiện”, vẫn phải tốn công sức, thời gian đi làm thêm mà không có thêm thu nhập.
Thứ hai là “tổ chức hoặc cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Nghĩa là giáo viên muốn dạy thêm có thu tiền thì phải xin giấy phép kinh doanh, tức phải thành lập doanh nghiệp giáo dục để nộp thuế cho nhà nước. Vậy là học sinh sẽ tốn thêm tiền để nộp cho giáo viên và một phần nộp thuế.
Như vậy, thoạt nhìn thì tưởng nhà nước muốn cấm dạy thêm, nhưng thực tế là CSVN muốn thu thêm một phần phí từ mồ hôi và nước mắt của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Những gánh nặng khác thì vẫn không đổi, vẫn là chương trình giáo dục nặng nề, áp lực thành tích, lương thấp, và giờ lại thêm một gánh nặng nữa về thuế. Và vẫn phải cùng nhau ca ngợi sự sáng suốt, tài tình của Đảng CSVN!
____________________
Tham khảo: