VNTB – Nghề làm móng tay ở Mỹ

VNTB – Nghề làm móng tay ở Mỹ

Phương Thảo

 

 

(VNTB) – Chỉ từ 20 người phụ nữ của 40 năm trước, giờ đây nghề nail đã mang lại công ăn việc làm cho hơn nửa triệu người ở Mỹ và hàng trăm ngàn Việt kiều ở khắp các châu lục, chưa kể đến những dịch vụ ăn theo khác.

 

Ngày bé theo mẹ đi chợ, tôi hay thấy các cô các dì xách theo một cái giỏ nhựa, trong đó có chứa những chai nước sơn đủ màu đi lòng vòng. Ai kêu thì cô sẽ tới kế bên, kéo ra một cái đòn nhỏ, ngồi xuống và bắt đầu chùi móng, cắt da và sơn màu sơn mới cho các cô các dì bán hàng. Sang hơn chút nữa thì có các cô kiêm nghề uốn tóc và làm móng. Nghĩ đến nghề này ai cũng cho là đơn giản và dễ kiếm tiền, không cần phải học nhiều. Điều này cũng đúng một phần nào, và điều đáng nói hơn đây là nghề đã giúp cho bao nhiêu gia đình Việt nam ở đất khách có được thu nhập để sinh sống, nuôi dạy con cái nên người và đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế các nước Âu Mỹ.

Khởi nghiệp

Bốn mươi năm trước khi hàng loạt người Việt bỏ chạy khỏi miền Nam Việt nam và đi tỵ nạn ở Mỹ, và nữ diễn viên Tippi Hedren một diễn viên Hollywood có chuyến viếng thăm một trại tỵ nạn ở California. Với mong muốn giúp cho các phụ nữ vốn là vợ của các quan chức và sỹ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa có được một nghề nghiệp ổn định, bà đã tổ chức các lớp học làm móng tay cho một nhóm nhỏ chừng 20 người ở gần Sacramento. Sau đó bà cũng là người đã giúp các phụ nữ này kiếm được việc làm ở vùng Nam California khi họ tốt nghiệp lớp học nghề.

Từ những người phụ nữ này, nghề móng tay đã trở nên thịnh hành trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, một ngành làm đẹp mang lại mỗi năm khoảng 8 tỷ đô la và việc làm cho rất nhiều người Việt ngay khi mới sang định cư ở Mỹ. Bất cứ nơi nào trên đất Mỹ cũng có thể tìm được một tiệm làm móng tay của người Việt. Thế cho nên hầu hết nhiều chị em phụ nữ và nam giới chọn học nghề làm móng tay ở Việt nam để khi sang đến Mỹ đã có thể đi làm ngay được.

Nhưng làm nghề nails có phải dễ dàng như thế?

Học nghề

Để hành nghề ở Mỹ một cách chính thức thì phải có bằng cấp. Có người chọn đi học toàn thời gian, nhưng cũng có người chọn đi làm ngay và sẽ đi thi sau khi có đủ giờ đăng ký học. Trường học cũng có đủ dạng từ trường của Mỹ đến trường của người Việt và giá cả vì vậy cũng khác nhau. Thời gian học ở trường sẽ có cả thực hành và lý thuyết, thời lượng khác nhau do tùy theo yêu cầu của từng tiểu bang ít nhất là 240 giờ hoặc lên đến 600 giờ để có thể lấy được giấy phép hành nghề.

Tuy nhiên phần lớn người Việt chọn cách vừa đi học vừa đi làm ở ngoài. Nói là đi học, thực chất là chỉ đóng tiền mua giờ học mà không cần phải đến lớp. Theo cách này thì vừa có tiền trang trải cho cuộc sống vừa có thể có được bằng. Kỳ thi phải trải qua thi lý thuyết và thi thực hành. Chương trình học và bài thi không chỉ chú trọng đến những việc đơn giản như là cắt da và sơn móng hay đắp móng mà cả về các căn bệnh của da, móng cũng như cách xử lý khi cần thiết, về an toàn, kỹ nghệ làm móng tay… Nếu học một cách nghiêm túc và đạt được giấy phép hành nghề theo tiêu chuẩn Mỹ không phải là một điều đơn giản.

 

Hành nghề

 

Các chủ tiệm móng tay thường kiêm luôn thợ làm móng tay. Thông thường thì nhiều người thợ sau một thời gian đi làm cho chủ và có tích góp đủ họ sẽ đứng ra mở tiệm riêng. Tiệm thường được mở ở trong các trung tâm thương mại hay các khu mua bán hoặc siêu thị đông người qua lại. Nếu mở trong các khu mua bán hay siêu thị thì thời gian mở cửa tiệm phải là 7 ngày trong tuần và kéo dài cho đến 9 – 10 giờ tối. Một người thợ trung bình sẽ đi làm 60 tiếng một tuần, nếu là chủ thì thời gian lại còn kéo dài nhiều hơn.

Thợ làm cho chủ thường được chia theo tỷ lệ 4-6, tức là 40% cho chủ và 60% cho thợ, ngoài ra thợ còn được hưởng thêm tiền thưởng của khách. Với cách làm này buộc thợ phải làm tốt và làm hài lòng khách để có được thu nhập tốt. Đây là lương cho các tháng mùa hè khi có lượng khách đông, vào các tháng ế thì chủ tiệm lại áp dụng trả lương theo cách thức “bao lương” tức phải trả một mức cố định cho mỗi tuần.

Tuy nhiên với số lượng tiệm mở ra ngày càng đông cũng như số người hành nghề càng tăng thì thu nhập lại giảm đi đáng kể. Hai mươi năm trước người ta phải trả 50 đô la cho một bộ móng thì giờ đây giá chỉ khoảng từ 20-30 đô la, có nơi chỉ còn có 10-15 đô la, nghề nails giờ lại trở thành một nghề mang tính cạnh tranh khốc liệt trong cộng đồng người Việt.

 

Cạnh tranh

 

Cách cạnh tranh thường thấy đó là giảm giá dịch vụ. Giảm giá không phải là một chiến lược tiếp thị và kinh doanh lâu dài nhưng lại được áp dụng rộng rãi. Việc giảm giá cũng đồng nghĩa với việc phải sử dụng các sản phẩm có chất lượng không phải là loại tốt nhất. Bên cạnh đó cũng có cả sự cạnh tranh giữa những người thợ với nhau khi ai cũng muốn có được nhiều khách mà nhất là các khách luôn hào phóng khi cho tiền tip. Nếu tìm trên youtube thì sẽ không thiếu các đoạn phim ngắn quay lại cảnh các người thợ đánh nhau hay nói nặng nhẹ nhau để dành khách.

 

Chủ tiệm cũng phải nhiều khó khăn khi kiếm thợ. Một điều phổ biến đối với các thợ làm móng tay là đi xuyên bang. Họ không ở một nơi cố định mà đi từ nơi này sang nơi khác để hành nghề, khi có một đề nghị hấp dẫn hơn thì họ sẵn sàng đi và chủ tiệm lại phải đăng báo để kiếm thợ thay thế. Cả thợ lẫn chủ thường chọn cách trả và nhận lương chỉ đóng thuế một phần. Điều này trước mắt sẽ có lợi cho cả đôi bên vì ai cũng không phải đóng thuế nhiều.

 

Làm móng có hai loại là chân tay nước hay là bột. Chân tay nước thì đơn giản hơn, chỉ cần sơn thật khéo, cắt da nhanh và biết vẽ hình là đã có thể hành nghề được. Làm chân tay nước sử dụng các loại sơn thông thường hay là sơn gel để sơn trực tiếp lên móng tự nhiên của khách. Một bộ móng tay nước vì vậy chỉ có giá chừng 10-12 đô la, nếu có vẽ hình trang trí thì tính thêm 5 đô la nữa. Làm chân thì phải có thêm bước massage chân, rửa chân, đánh đi chỗ chai rồi mới sơn được. Làm một bộ chân như vậy thường kéo dài từ 20-30 phút.

Làm móng bột khó hơn, vừa phải nhanh lại còn phải đẹp và chắc. Nếu không khéo thì sẽ làm cho khách đau tay hay là mau hỏng thì sẽ tự làm mất khách. Làm móng bột thì phải hít mùi các loại hóa chất khá nặng mùi và bụi khi mài dũa móng và bột. Đắp bột cũng có nhiều loại bột và các loại móng giả đi kèm theo. Ngoài ra còn có cả vẽ hay gắn đá trang trí theo yêu cầu. Ngoài óc sáng tạo người thợ còn phải thật khéo tay để làm thỏa mãn yêu cầu của khách khi họ đòi hỏi phải làm sao cho giống với một hình mẫu mà họ tìm được trên mạng.

 

Các dịch vụ “ăn theo”

 

Nghề làm móng tay ở Mỹ đã tạo ra thêm vô số việc làm cho những người khác tuy không gián tiếp đứng ra mở tiệm hay hành nghềto. Trước hết phải nói đến các nhà cung cấp nguyên vật liệu hay là các suppliers. Ngày cuối tuần các tiệm bán sỉ này rất đông chủ các tiệm nails đến mua nguyên liệu, và chỉ toàn là người Việt.

Theo sau là các nhà sản xuất ghế massage và ngâm chân, bàn ghế chuyên dụng. Các loại báo nails online và báo giấy cũng có đất phát triển và sống bằng các bài quảng cáo mua bán sản phẩm, sang nhượng tiệm hay tuyển dụng nhân viên.

Một nghề khác cũng dành cho nhiều người Việt trong nghề nails là mở trường và dạy nghề. 

Liên kết với một trường nào đó, đứng ra dạy học sinh mới từ Việt nam qua, sau đó hướng dẫn họ đi thi lấy bằng. Ngoài ra dạy làm móng tay, trường còn có thể dạy luôn cả các nghề làm đẹp khác như là làm tóc, chăm sóc da.

Bất cứ tiệm nail nào cũng sử dụng kềm Nghĩa, một thương hiệu Việt. Kềm cắt da, cắt móng, các cây sủi móng, đều được đặt mua từ Việt nam. Mỗi khi về thăm quê thì các chủ tiệm lại mang theo các cây kềm đã cùn về Việt nam để mài lại cho bén. 

Một nghề phụ ăn theo nghề nails khác là cho thuê mướn nhà. Các chủ nhà có phòng dư cũng có thể cho các thợ làm móng tay xuyên bang thuê một căn phòng với giá từ 300-400 đô la một tháng, nếu có được năm ba người thợ thuê nhà thì đã có được một khoản thu nhập kha khá. Nhiều người cũng đã chọn phương thức này để kinh doanh nhà ở bên cạnh kinh doanh tiệm làm móng tay chân.

Chỉ từ 20 người phụ nữ của 40 năm trước, giờ đây nghề nail đã mang lại công ăn việc làm cho hơn nửa triệu người ở Mỹ và hàng trăm ngàn Việt kiều ở khắp các châu lục, chưa kể đến những dịch vụ ăn theo khác. Nghề làm nails đã giúp cho thế hệ thứ hai được học hành đến nơi đến chốn trở thành những bác sỹ, kỹ sư, và nghề nails vẫn tiếp tục nuôi sống bao nhiêu gia đình và tạo công ăn việc làm cho những người mới nhập cư trên đất khách. Nhiều người cho rằng họ xấu hổ khi làm nghề này, và đây chỉ là nghề làm tạm, nhưng nếu nghĩ đến con số 8 tỷ đô la mang lại mỗi năm chỉ tính ở thị trường Mỹ thì đây là một điều đáng tự hào cho những người thợ nails Việt trên đất Mỹ và cả các đồng nghiệp khắp nơi.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)