Hiền Nghi (VNTB) Một trong những phát ngôn đáng chú ý trong tuần vừa qua đến từ ĐBQH Trần Du Lịch, khi ông khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm trước cử tri và lần này tôi bấm nút.” Bấm nút để thông qua chủ trương đầu tư dự án Long Thành nhằm hiện thực giấc mơ một sân bay tầm cỡ quốc tế.
“Chịu trách nhiệm và không cần phải bàn”
Đứng ra chịu trách nhiệm bấm nút, đó là hành vi đáng trân trọng, ít nhất ông Trần Du Lịch cũng biết được mình đang là người đại biểu của nhân dân.
Nhưng thưa ông ĐB Trần Du Lịch, nhân dân cũng muốn biết, ông chịu trách nhiệm như thế nào? Nếu như, sau khi hoàn thành, dự án Long Thành không đáp ứng được các lợi ích kinh tế đề ra (nhu cầu trung chuyển hành khách thấp hơn dự báo, sức cạnh tranh về mặt trung chuyển với sân bay Singapore, Hồng Công, Thái Lan thấp hơn so với dự tính)? Và kể cả khi dự án mất khả năng trả được nợ?
Và nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh nợ công (điều này là có khả năng, trong bối cảnh Việt Nam luôn trong tình trạng bội chi ngân sách, Chính phủ phải xin nới trần bội chi, nợ công của Việt Nam đang ở mức báo động đỏ), thì lúc đó, thưa ông, ông sẽ chịu trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân như thế nào? Ông sẽ bán hết tài sản trả nợ công, đi tù đến hết đời để chịu trách nhiệm hay sao, thưa ông?
Ngày 25/6 sắp tới đây, các vị ĐBQH sẽ bấm nút “thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành”. |
Đó chắc hẳn không phải là câu hỏi dễ tìm thấy câu trả lời, bởi cái thời điểm sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng cũng chính là thời điểm mà ông đã hết còn tại vị với tư cách là một người đại biểu, một nghị sĩ chính trường.
Cái giấc mơ về một sân bay tầm cỡ ai mà không muốn, thưa ông, nhất là nó là đầu tư về hạ tầng cơ sở nhằm thu hút đầu tư bên ngoài vào (FDI). Nhưng thực tế, nó cần phải thực hiện trong một môi trường đảm bảo. Bởi vì sao? Bởi vì đó là con số 15,8 tỷ USD, và là gánh nợ mà thế hệ người Việt Nam phải nai lưng ra trả nợ.
Môi trường đảm bảo là sao thưa ông? Có nhẽ, chính ông đã có câu trả lời khi phát ngôn rằng: “Vấn đề là chống được thất thoát, đội giá là dân ủng hộ chứ không ai chống. Người ta chỉ tâm lý lo phết phảy của dự án.”
Liệu rằng, cái niềm tin mà ông đặt ra trong vay vốn, kiểm soát nguồn vốn đầu tư tránh không bị “phếch phảy” trong cái môi trường, thể chế mà “phảy phếch” là công đoạn quen thuộc, luôn luôn hiện hữu có quá… mộng mơ?
Bởi chính ông đã nhiều lần đăng đàn, lên án nạn tham nhũng vặt đến tham nhũng to qua các dự án đầu tư công, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA – nhiều như tằm ăn dâu.
Cũng bởi, như chính ông đã biết, nền chính trị và kinh tế nước ta đang bị bao vây, thao túng bởi “thế lực thù địch” bao gồm lợi ích nhóm, nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Và một lần nữa, thưa ông, nếu xảy ra thất thoát, đội vốn, ông sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước nhân dân, trước cử tri, bởi chính ông đã “bấm nút” và tạo điều kiện cho sự thất thoát, đội vốn đó?
Trách nhiệm, nếu chỉ là lời nói, và không đi kèm biện pháp, nó chỉ là thứ chịu trách nhiệm bằng sự vô trách nhiệm.
“Canh bạc của Đảng”
Ông nói, “Nhưng chúng ta cũng không để những suy nghĩ mang tính tâm lý mà ảnh hưởng đến sự phát triển của một vùng kinh tế trọng điểm.”
Vậy hóa ra, đó là canh bạc của chính ông, của chính những người như ông, với cái niềm tin vĩ đại vào việc chống được “phếch phải” dự án 15,8 tỉ USD đã được ông áp đặt lên đầu các cử tri, nhân dân, và “cấm được cãi”?
“Canh bạc của Đảng” mà nhân dân không hề có tiếng nói, cuối cùng họ nai lưng ra, thậm chí “bán vợ, đợ con” để chi tiền cho sự “đồng thuận bấm nút” của những ĐBQH và lớn giọng “chịu trách nhiệm.”
Nếu thực sự có trách nhiệm như là một ĐBQH và tôn trọng quyền làm chủ của người dân, thì một dự án khổng lồ như thế này cần phải trưng cầu dân ý, hoặc ít nhất lấy ý kiến nhân dân, vì nó liên quan trực tiếp đến đồng thuế của chúng tôi và con cháu chúng tôi.
Thế nhưng, đó chỉ là một ước mơ xa vời, bởi “Cần có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không phải bàn nữa,” và cái cách chịu trách nhiệm trên lời nói của ĐB Trần Du Lịch và nhiều những đại biểu khác “thúc giục xây sân bay Long Thành” trong phiên họp Quốc Hội ngày 4/6/2016 khiến người dân run sợ, bởi người dân đã chứng kiến không ít đại dự án được thông qua bằng sự “thúc giục” và quyết tâm chính trị, sau cùng là “lỗ theo kế hoạch.”
Và như thế, ĐBQH có thể “thở phào vì thấy các ý kiến đều ủng hộ chủ trương xây dựng Dự án,” như cách ĐBQH Trần Du Lịch trần tình, có lẽ bởi một phần, nó là sự ủng hộ mang tính trách nhiệm tập thể, và gánh nặng tài chính lại một lần nữa được đẩy sang vai Nhân dân.
“Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Dân trắng tay”
Thái độ quay ngắt 180 độ trên báo chí, truyền thông, cũng như thái độ của các vị ĐBQH về dự án Long Thành gần đây (từ ý kiến, bất đồng chuyển sang đồng thuận, thúc giục), khiến người dân nghĩ ngay đến phát biểu “chỉ đạo” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó dành hẳn một phần riêng để “Trung ương tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khoá XI (tháng 12-2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.”
Nếu thái độ và trách nhiệm bấm nút mà các vị ĐBQH xuất phát từ chính sự chỉ đạo của Trung ương, thì một lần nữa, nhân dân lại bị gạt ra khỏi sự quyết định liên quan đến chính số phận của họ. Nó cho thấy, câu nói châm biếm đặc tả về chế độ chính trị của Việt Nam mà đến nay vẫn còn đúng, đó là: “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, Công an còng tay, Tội phạm bắt tay, Báo chí chùn tay, Trí thức phẩy tay, Quan chức đầy tay, Dân … trắng tay.”
Và câu chuyện ĐBQH “chịu trách nhiệm” bấm nút thông qua chủ trương Long Thành cũng sẽ không khác gì câu chuyện nhiều ĐBQH bấm nút thông qua BHXH 2014, trong đó có Điều 60 gây bức xúc dư luận. Sau đó, khi gặp phải sự phản đối từ công nhân, họ mới “có lỗi” khi bấm nút và đề nghị Quốc Hội sửa lại: “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ,” Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) cho biết.