VNTB – Nghiên cứu lịch sử văn học: Có hay không ‘dòng văn học cách mạng miền nam’ trước 1975?

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Trong khi tiến hành công cuộc cải cách sắp tới, Bộ Giáo dục đang lâm vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Cả xã hội đang sục sôi bàn xác định vị trí môn Sử, còn nội dung môn Sử ấy ra sao thì chưa bàn tới. Môn Văn phức tạp hơn cũng chưa được bàn tới.

Ở đây chúng tôi xin bàn về mấy vấn đề lịch sử trong môn Văn, thường gọi “lịch sử văn học” (ngày xưa gọi là văn học sử). Văn và Sử cùng chung số phận bị chính trị hóa, bị cuốn theo tư duy chính trị, bị lãnh đạo thô bạo, giới nghiên cứu đã bàn nhiều rồi. Nhà thơ XD cũng viết “Được mùa chính trị mất muà văn chương” để khái quát bản chất của mối quan hệ chính trị – văn học. Giới lý luận bàn bạc đã thấu đáo nhưng vẫn…bó tay. Chúng tôi chỉ bàn một vấn đề thuộc phạm vi Văn học Việt Nam hiện đại.

Sẽ còn nhiều thách thức cho các nhà viết giáo trình văn học sử trong tương lai.

Có thể kể một ít vấn đề nổi cộm trong giai đoạn văn học hiện đại.

Như phong trào Nhân văn- Giai phẩm, giới nghiên cứu phải đánh giá phần đó như thế nào cho đúng lịch sử khách quan. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh của người nghiên cứu khi viết lịch sử văn học. Nhà nghiên cứu có dám thẳng thắn lên án những người chủ trương “đánh án”  nhằm tiêu diệt phong trào văn học đó và phê phán những kẻ a dua hay không. Đó là vấn đề.

Về phần Văn học miền Nam đích thực trước 1975. Có nên giữ tên gọi kiểu cũ “Văn học miền Nam vùng tạm bị chiếm” hoặc “Văn học miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy / dưới chế độ thực dân mới” hoặc khách quan hơn như “Văn học thành thị miền Nam trước 1975” (tuy vẫn còn dư 2 chữ “thành thị” rất khó nghe. Hồi đó cố ý đặt như vậy là có ý khoanh hẹp phạm vi ảnh hưởng văn học miền Nam, ý rằng nông thôn thì không có văn học ?!- vớ vẩn quá, hoặc ý rằng nông thôn thì đọc “văn học cách mạng” mà không biết đến văn học thành thị (!).  Nhân đây chúng tôi đề nghị gọi chính xác là “Văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975”. Được biết, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam đang cố gắng nghiên cứu giai đoạn này như một khát khao trả nợ lịch sử văn học dân tộc rất đáng trân trọng.

Trong bài này chủ yếu đề cập vấn đề xác định dòng “Văn học cách mạng miền Nam”. Từ lâu, các giáo trình văn học Việt Nam hiện đại ở đại học đều có chương “Văn học cách mạng miền Nam 1954- 1975” (viết tắt VHCMMN).

Dòng văn học đó giới thiệu tên tuổi và tác phẩm của các nhà thơ “cách mạng miền Nam”  tiêu biểu như Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn…, các nhà văn Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thi, Trần Đình Vân, Vũ Hạnh… Các tác giả trên đều được giới thiệu, học và đọc ở  môn Văn trường đại học và trung học phổ thông, đã khá quen biết với học sinh sinh viên nhiều thế hệ.

Trước 1975, khi tác phẩm của họ được giới thiệu, đăng trên báo, đọc trên đài, in sách ở miền Bắc đều kèm một câu ghi chú “Từ miền Nam gửi ra” ngay ở  bìa 1 hoặc bìa lót.

Các tác phẩm được xếp vào “dòng VHCMMN” còn gồm cả một số ít các cây bút “tại chỗ” như Giang Nam, Trần Quang Long…mờ nhạt hơn những cây bút “chi viện”.

Đến bây giờ, tên gọi dòng VHCMMN vẫn tồn tại trong các giáo trình văn đại học và sách phổ thông.  Cách gọi đó trái với tiêu chí của lịch sử văn học.

Căn cứ các nền văn học thế giới, chúng ta thấy một nền/dòng văn học “A” cần đảm bảo các tiêu chí sau:


5 tiêu chí của một dòng/nền văn học (ví dụ mang tên A):

Tác giả đương thời, sống trong lãnh thổ A.

Tác phẩm xuất bản trên lãnh thổ A.

Công chúng sống trên lãnh thổ A đương thời tiếp nhận tác phẩm

Ở đó (A) có sinh hoạt phê bình văn học.

Văn học vùng A hình thành một thi pháp đặc thù.

Theo quan điểm cổ truyền, văn học là sản phẩm của Thiên- Địa- Nhân. Quan điểm đó cũng tương đương với 5 tiêu chí hiện đại kể trên.

Áp 5 tiêu chí trên vào “Văn học CM miền Nam”, thấy rằng:

Các nhà văn nhà thơ sống chiến đấu ở các chiến trường miền Nam (tạm đúng tiêu chí),

Tác phẩm xuất bản ở miền Bắc (sai tiêu chí),

Công chúng miền Nam không biết gì về tác phẩm tác giả trên (sai tiêu chí),

Ở miền Nam cũng không có sinh hoạt phê bình về VHCMMN (sai tiêu chí),

Không hình thành một thi pháp riêng, chủ yếu vẫn theo thi pháp văn học miền Bắc / thi pháp văn học kháng Pháp, Mỹ (sai tiêu chí).

Căn cứ theo khảo sát nói trên, “dòng văn học CM miền Nam”  chỉ đạt 1/5 tiêu chí, vậy nó không tồn tại chính danh. Thực ra nó vẫn là “nền văn học miền Bắc nối dài”.

Mọi người đều biết rằng, hầu hết các tác giả VHCMMN thực chất là các nhà văn nhà thơ ở miền Bắc được phân công đi chiến trường miền Nam, gọi là đi công tác B. Các tác phẩm của họ từ miền Nam gửi ra, theo đường liên lạc Trường Sơn, tới Hà Nội thì lập tức được đăng tải trên báo chí và đài phát thanh, các nhà xuất bản ở Hà Nội cấp tốc in luôn, công chúng văn học miền Bắc tiếp nhận ngay, lại có sinh hoạt phê bình giới thiệu, ca ngợi, quảng bá lập tức. 

Trong khi đó, công chúng miền Nam không hề biết gì về các tác phẩm “văn học cách mạng miền Nam” ấy. Nói cách khác, tác phẩm không hề tác động đến công chúng văn học miền Nam. Mãi sau 1975 độc giả miền Nam mới biết dần dần, như là sự tiếp nhận một hàng hóa “ngoại nhập”, quá khứ dù chưa xa.

Vì sao giáo trình lịch sử văn học bấy lâu ngộ nhận?
Thời ấy, vì lợi ích tuyên truyền, người ta muốn chứng tỏ rằng ở miền Nam có các nhà văn sáng tác vì cách mạng. Thủ đoạn tuyên truyền này tương tự như thành lập “Hội văn nghệ Giải phóng”,  “Đài phát thanh Giải phóng”, “Thông tấn xã Giải phóng”.v.v… Nhưng bây giờ yêu cầu “tuyên truyền” không còn nữa, khoa văn học cần phải là chính mình. Sự lười biếng và sợ hãi theo quán tính khiến giới nghiên cứu văn học chưa thấy nhiệm vụ của mình, vẫn để tồn tại giáo trình cũ kỹ và lạc hậu. Trong đợt thay sách thay giáo trình sắp tới, những yêu cầu chính đáng kể trên cần được thực hiện.

(Cũng cần xét đến một “nhánh văn chương” của lính và thanh niên xung phong đi trên cung đường Trường Sơn ngẫu hứng cầm bút, đương nhiên cũng không thể ghép vào VHCMMN. Như các cây bút lính Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê…Những cây bút này hồi ấy chưa coi là nhà văn, chỉ mới là những cây bút nghiệp dư trong “phong trào quần chúng”, dù sao vẫn thuộc dòng văn học miền Bắc).

Tương tự vấn đề VHCMMN kể trên, còn 03 hiện tượng sau cần được nghiên cứu lại khi phân kỳ lịch sử văn học hiện đại:

Hiện tượng tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

Tập thơ “Từ ấy” từng được xếp vào giai đoạn “VH cách mạng 1930-45” cũng là sự xếp đặt gán ép. Thơ Tố Hữu, cũng như thơ của Sóng Hồng, Lê Đức Thọ…viết trong tù, cũng chỉ truyền miệng nhau trong một số nhà tù. Không đảm bảo đủ 5 tiêu chí. Sau Cách mạng tháng 8 mới được quảng bá tuyên truyền. Vậy đề nghị chuyển sang giai đoạn 1945- 1954.

Hiện tượng tập thơ “Nhật ký trong tù” của tác giả Hồ Chí Minh

viết năm 1942-1943 ở Trung Quốc, suốt giai đoạn ấy không ai biết tới, vì chưa xuất bản, đến năm 1960 mới được dịch và phát hành ở miền Bắc. Giáo trình văn học vẫn xếp Nhật ký trong tù vào giai đoạn “dòng văn học cách mạng 1930-1945” cùng với Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ tạo thành “Dòng văn học cách mạng 1930-1945” (?).
Không đảm bảo 5 tiêu chí.

Hiện tượng một số tác phẩm tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc viết bên Pháp đầu thế kỷ 20, xuất bản bên Pháp, có gửi về Việt Nam cho số rất ít người đọc biết tiếng Pháp (nền văn học Pháp cũng không xếp tác phẩm đó thuộc nền văn học Pháp), ở ta thì vẫn tính vào văn học Việt Nam giai đoạn Đầu thế kỷ đến 1930.

Xét theo 5 tiêu chí của nền văn học, giáo trình đại học gọi tên và phân kỳ cho ba hiện tượng trên như thế là cũng là gượng ép, phi khoa học. Những tồn tại trên cần phải được xem lại và sắp xếp đúng chỗ trong lịch sử văn học dân tộc.

Tóm lại, vào thời chiến tranh Việt Nam trước 1975, bộ máy tuyên truyền Hà Nội phát huy quyền lực chỉ đạo khoa văn học nhằm mục tiêu vụ lợi chính trị. Giới nghiên cứu văn học hồi ấy cũng chưa đủ tỉnh táo để nhận định giữa chính danh và bất chính danh, vả lại cũng không làm gì hơn được. Bây giờ quá khứ đã hoàn thành, giới nghiên cứu phải tôn trọng khoa học, phải điều chỉnh và nâng cao ý thức văn học, tôn trọng chân lý và lịch sử văn học.

GS.Nguyễn Đăng Mạnh là một trong các chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại, từng viết giáo trình đại học và sách phổ thông về giai đoạn “nhạy cảm” này. Hồi ấy ông không thể viết theo tiêu chí khoa học. Bởi vậy, sau khi nghỉ hưu, ông viết “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” và tung lên công luận những gì cần thiết. Trong đó ông viết lại những gì mà lúc trước không thể đưa vào giáo trình văn học (tham khảo văn bản ở đây *). Ngoài phần tự thuật, phần phê bình văn học, Hồi Ký còn vẽ những chân dung nhiuề cây bút từ nhỏ nhất như “thần đồng thơ đánh mất tuổi thơ” Trần Đăng Khoa đến cây bút chính trị Hồ Chí Minh đều xuất hiện trong Hồi ký NĐM. Đó là những nội dung không thể có mặt trong giáo trình chính thống trước đây.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)