Anh Khoa dịch
(VNTB) – Ngoại trưởng Blinken nói rằng các nước không nên bị bắt buộc phải chọn bên nào vì Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh
Katrina Manson
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ tuyên bố rằng Mỹ đang tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc trong chuyến thăm tới London để thảo luận với các đối tác G7 (Nhóm bảy nước bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada, và Liên Minh Âu Châu) về cách ứng phó tốt nhất với những thách thức do Bắc Kinh đặt ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với biên tập viên Roula Khalaf của Tờ Financial Times cho chương trình The Global Boardroom (tạm dịch: Phòng Điều Hành Toàn Cầu), Ngoại trưởng (NT) Blinken nói rằng ông ấy chống lại việc “đặt tên cho hầu hết các mối quan hệ bao gồm cả mối quan hệ này, bởi vì nó phức tạp”.
Ông nói: “Những cuộc gặp gỡ này không phải là để khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh, mà là làm phần việc của chúng ta để đảm bảo rằng các nền dân chủ vững mạnh và đáp ứng nhu cầu của người dân,” ông nói, đề cập đến ý định tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh về dân chủ” ở Washington cuối năm.
Joe Biden, Tổng thống Hoa Kỳ, đã hứa sẽ “chiến thắng” trong thế kỷ 21 trong một cuộc cạnh tranh mà ông đã miêu tả như một “trận chiến” giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền, đồng thời chỉ ra các hoạt động của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là đang làm tổn hại trật tự quốc tế.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xấu đi dưới thời chính quyền Trump và hai nước này vẫn còn đối đầu về an ninh, nhân quyền, sở hữu trí tuệ và các quy luật quản lý thương mại. “Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia lựa chọn [giữa Mỹ và Trung Quốc],” NT Blinken nói thêm trong nhận xét tại sự kiện phát sóng trực tiếp của Tờ Financial Times vào thứ Ba sau khi các nước G7 mở đầu cuộc họp với một phiên họp về Trung Quốc.
Trước sự kiện này, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phiên họp nhóm G7 sáng thứ Ba nhằm mục đích là một diễn đàn để thảo luận về cách hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức chung từ vị thế vững mạnh.
NT Blinken cho biết Mỹ nhận ra rằng các nước có mối quan hệ phức tạp, bao gồm cả với Trung Quốc và Hoa Kỳ không tin rằng các mối quan hệ kinh tế của các nước khác với Bắc Kinh “cần phải cắt đứt hoặc chấm dứt”. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ muốn thúc đẩy và bảo vệ các quy tắc quản lý thương mại cơ bản, môi trường, sở hữu trí tuệ và công nghệ.
Tổng thống Biden đã khiến nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại ngạc nhiên khi có cách tiếp cận với Trung Quốc có nhiều điểm chung hơn là các điểm khác biệt với lập trường cứng rắn của cựu tổng thống Donald Trump.
Một khác biệt lớn là nỗ lực đáng kể trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm tạo ra nhiều sức mạnh hơn để đối phó với Bắc Kinh. Cách tiếp cận của ông đã được các đồng minh ở châu Á, như Nhật Bản và Australia, hoan nghênh.
Tuy nhiên, EU đang lo ngại về việc khối này đang bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết EU và Mỹ không nhất trí về mọi thứ và “hoàn toàn rõ ràng” rằng lợi ích của họ “không hoàn toàn giống nhau” khi nói đến Trung Quốc.
Nhóm G7, và năm nay Anh cũng đã mời Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brunei và Nam Phi tham dự với tư cách khách mời. Tổng thống Biden gần đây đã triệu tập cuộc họp cấp lãnh đạo đầu tiên của Nhóm Bộ tứ – một nhóm bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – như một phần của nỗ lực này nhằm làm việc với các đồng minh để chống lại Bắc Kinh.
Evan Medeiros, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, cho biết sự tham gia của một số thành viên nội các Biden với Nhóm G7 là một phần trong nỗ lực tập hợp các liên minh để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Ông cho biết Washington đang theo đuổi chiến lược đúng đắn khi nói rằng Mỹ không muốn chiến tranh lạnh và không muốn các nước chọn bên, nhưng ông nói thêm: “Thực tế là mọi quốc gia sẽ phải đưa ra lựa chọn khi nói đến Trung Quốc.”
Nhưng Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, nêu bật mối quan ngại của một số người rằng lập trường của Hoa Kỳ là “quá hung hăng và quá đối đầu”. “Tôi chắc chắn có ấn tượng rằng người Đức và một số người châu Âu khác thực sự khá không hài lòng về cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc,” bà nói.
Vào tháng 3, Mỹ, EU, Anh và Canada đã phối hợp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc về việc nước này đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực phía tây Tân Cương, gây ra các lệnh trừng phạt trả đũa từ Bắc Kinh.
Các quan chức chính quyền Biden bao gồm cả NT Blinken định hình tương lai mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc là “cạnh tranh, hợp tác và đối đầu”, tùy thuộc vào vấn đề được đề cập. Washington muốn hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề chính sách đối ngoại bao gồm Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực quân sự, công nghệ và kinh tế, đồng thời đẩy lùi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
NT Blinken nói rằng “một cuộc suy thoái dân chủ trên toàn thế giới” đã xảy ra trong 15 năm qua, nhưng thừa nhận Hoa Kỳ có những thách thức riêng “mà thế giới có thể nhìn thấy rõ ràng” khi nói đến dân chủ, trong một ám chỉ ít che đậy về cuộc bầu cử tổng thống bị tranh chấp các cuộc tấn công Capitol vào ngày 6 tháng Giêng vừa qua.
Nguồn: Financial Times