VNTB – Ngục tối không giam cầm được ý chí tự do

VNTB – Ngục tối không giam cầm được ý chí tự do

(VNTB) – “Ngục tối không giam cầm được ý chí tự do…”. Đó đã là một phần ca từ trong nhạc phẩm mang tên “Thánh ca tự do” của tác giả Phạm Chí Dũng, người vừa vác trên vai mình gánh nặng mười lăm năm tù tội. Ông hoàn thành nhạc phẩm chỉ ít ngày trước lễ Giáng sinh trong tù ngục.

 

[ads_color_box color_background=”#e6e1e1″ color_text=”#444″]

Lời tòa soạn: Hộp thư của trang Việt Nam Thời Báo nhận được email của bạn đọc gửi từ Sài Gòn, với tự giới thiệu là bạn chung khối an ninh nội chính với nhà báo Phạm Chí Dũng, giai đoạn ông Trần Hoàng Thám là Trưởng Ban An ninh – Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Lá thư này ông chia sẻ khá nhiều câu chuyện trong giới xã hội dân sự, về tự do báo chí, và đặc biệt ông nhắc chừng việc tiết chế cảm xúc, để tránh việc mà giới thầy cãi vẫn lưu ý nhau là “cần luôn tránh làm xấu đi tình trạng của thân chủ”.

Rộng đường dư luận, xin trích đăng lá thư này, và thể theo yêu cầu của người viết, xin được ẩn danh tác giả email. Những tít phụ được ‘rút’ từ biên tập viên.

[/ads_color_box]

Thánh ca tự do

Luật sư Đặng Đình Mạnh đã kể một câu chuyện về thân chủ của ông là nhà báo Phạm Chí Dũng, như sau:

Ngục tối không giam cầm được ý chí tự do…”. Đó đã là một phần ca từ trong nhạc phẩm mang tên “Thánh ca tự do” của tác giả Phạm Chí Dũng, người vừa vác trên vai mình gánh nặng mười lăm năm tù tội. Ông hoàn thành nhạc phẩm chỉ ít ngày trước lễ Giáng sinh trong tù ngục.

Ông nói “Tôi chưa từng được ban các bí tích để trở thành một Ki-tô hữu, nhưng tôi biết họ hát thánh ca trong các buổi lễ cầu nguyện. Cho nên, tôi tự sáng tác và hát khi cầu nguyện với Thiên Chúa. Tôi cầu nguyện với Người hàng ngày cho đất nước, cho gia đình và cho những người mà tôi quý mến…”.

Thế nên, xem ra, mỗi bài báo của họ trước đây đều được hình thành trong khát vọng tự do, ắt hẳn, chúng đã trở nên những bài “Thánh ca tự do” viết tặng cho công chúng. Nay, ông viết bài “Thánh ca tự do” cho riêng mình, tại nơi, thay vì là tù ngục thì ông lại gọi là thánh đường “tu tập” mà Chúa đã “thu xếp” cho ông.

“Không thấy mà tin”, ông đã được trả công bội hậu bằng “phúc” bình an mỗi ngày trong nghịch cảnh. “Thánh ca tự do” đã thành lời kinh cầu. Bạn tù đã thành ca đoàn. Mười lăm năm tù giam đã thành khóa tu tập và tù ngục, đã trở thành thánh đường nơi ông hân hoan hành lễ.

Lúc này, bài “Thánh ca tự do” đang là nhạc lễ thánh ca cho riêng ông và bạn tù. Thế nhưng, có lẽ cũng sẽ là “Thánh ca tự do” cho công chúng, cho những ai mang ước vọng tự do. Sớm thôi, vì điều chẳng thể nào đảo ngược...”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh đã kể và đan xen vào đó xúc cảm của chính ông cho khát vọng tự do. Luật sư Đặng Đình Mạnh là một Ki-tô hữu.

Tôi thì ‘ngoại giáo’, và tôi biết anh Phạm Chí Dũng thi thoảng vẫn đến Thánh đường. Anh kể với tôi rằng, anh đến để cầu nguyện cho bà ngoại của anh… Tiếc là khi đó tôi đã không hỏi thêm nữa về người bà mà anh hết sức yêu thương này.

Biên tập viên báo chí có đồng nghĩa với quản trị viên trang web?

Sở dĩ tôi đặt câu hỏi đó vì trong một tuyên bố được đăng trên trang blog của đài Á Châu tự do – https://www.rfavietnam.com/node/6640, có viết rằng, “Ông Lê Hữu Minh Tuấn, Biên tập viên Vietnamthoibao.org, 11 năm tù và 3 năm quản chế”.

Tôi được đọc toàn bộ 12 trang cáo trạng số 543/CT-VKS-P1, ngày 10-11-2020 về vụ án của 3 thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, trong đó ở trang 2 ghi rằng anh Phạm Chí Dũng là người “quản trị, tiếp nhận và duyệt đăng thông tin bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên”.

Cũng ở trang 2 của cáo trạng, ghi rõ rằng “Lê Hữu Minh Tuấn trực tiếp quản trị, quản lý kỹ thuật và thực hiện đăng tải các thông tin, bài viết sau khi được Dũng duyệt”. Cuối trang 2 của cáo trạng, đã nhắc lại: Dũng chịu trách nhiệm duyệt nội dung trước khi đăng tải lên trang website, blogger “Việt Nam Thời Báo”.

Như vậy có thể thấy rằng ở trang Việt Nam Thời Báo, cáo trạng xác nhận việc biên tập nội dung bài viết chỉ là anh Phạm Chí Dũng. Việc quản trị, quản lý kỹ thuật trang web được giao cho Lê Hữu Minh Tuấn cùng một cộng sự nữa.

Vì sao anh Phạm Chí Dũng lại có vẻ ‘độc quyền’ trong yêu cầu ‘biên tập viên’?

Anh có lần kể với tôi rằng điều đó rút kinh nghiệm từ giai đoạn ban đầu, khi một fanpage của trang Việt Nam Thời Báo được giao quyền biên tập cho một thành viên của Hội, và thành viên này có tư tưởng ‘quá khích’, đi ngược lại với chủ trương phản biện ôn hòa của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Trong câu chuyện lần đó, anh còn cậy tôi nếu tiện, theo dõi giúp trên fanpage Việt Nam Thời Báo, có ai đó còm-men dung tục, đả kích cá nhân, phỉ báng ông Hồ Chí Minh, thì báo cho anh hay để anh ‘tháo’ xuống.

Tôi hiểu cái khó ở đây của anh Phạm Chí Dũng.

Người biên tập phải là người tâm lý và khéo léo, biết cư xử. Vì người biên tập là người trung gian giữa tác giả và độc giả nên người biên tập phải hiểu được tâm lý của cả đối tượng này. Hầu hết, những người viết văn, viết báo rất kỵ và không thích bài viết của mình bị sửa chữa quá nhiều. Đó là tính tự ái riêng của mỗi người. Người biên tập cần đặt mình vào vị trí của tác giả để hình dung cảm nhận của tác giả, từ đó người biên tập sẽ dễ dàng diễn đạt được ý tưởng của tác giả. Người biên tập cần cân bằng việc sửa chữa tác phẩm nhưng vẫn giữ được thông điệp, ý nghĩa tác giả muốn truyền tải.

Thêm nữa, trong vai trò biên tập viên, từ thời gian công tác trong ngành an ninh nội chính, anh Phạm Chí Dũng hiểu rõ rằng với những ý tứ nào có thể khiến tác giả bài báo đó sẽ bị khó dễ… Anh khá khéo trong yêu cầu ‘cân bằng’ về liều lượng cảm xúc phản biện của tác giả bài viết gửi đến trang Việt Nam Thời Báo.

Và quan sát cách mà anh Phạm Chí Dũng ứng xử trong các hội luận trên BBC, dễ dàng nhận ra về Phạm Chí Dũng như một tiếng nói trái chiều, bất đồng chính kiến với quan điểm nào đó của chính phủ Việt Nam, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ anh kêu gọi chống phá, bạo động, lật đổ.

Tuyên bố về phiên tòa sơ thẩm vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Một ngày trước phiên tòa sơ thẩm ngày 5-1-2021, trang Luật Khoa đã phát đi “Tuyên bố về phiên tòa sơ thẩm vụ án Hội Nhà báo độc lập”, có toàn văn mà tôi nghĩ – ngoại trừ nhầm lẫn về tình tiết “biên tập viên” – với những nhà quản trị hiện nay của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cần lưu tâm để có các tiết giảm cảm xúc cá nhân thích hợp:

“Ngày 04 tháng 01 năm 2021

Chúng tôi, những tổ chức báo chí ký tên dưới đây, phản đối và lên án việc bắt giữ và xét xử ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 2, Điều 117, Bộ luật Hình sự. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 5/1/2021 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba nhà báo nêu trên là những hội viên đóng vai trò tích cực trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng là Chủ tịch, ông Nguyễn Tường Thụy là Phó Chủ tịch Hội, ông Lê Hữu Minh Tuấn là biên tập viên. Cả ba đều là những cây bút của Việt Nam Thời báo, một cơ quan báo chí của Hội Nhà báo Độc lập.

Ba nhà báo nêu trên bị truy tố và xét xử chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hiệp hội, những quyền con người căn bản nhất mà Hiến pháp Việt Nam lẫn luật pháp quốc tế đều ghi nhận. Chính quyền Việt Nam có thể biện minh cho việc này bằng mọi cách và mọi phương tiện tuyên truyền mà họ có. Điều đó không làm thay đổi thực tế rằng bằng cách truy bức và bỏ tù các nhà báo, họ đang tự đặt bản thân vào cùng vị trí trong lịch sử với các triều đại quân chủ và những vụ án văn tự ngục.

Chúng tôi tuyên bố đứng cùng với ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội Nhà báo Độc lập trong sự nghiệp xây dựng một nền báo chí tự do cho Việt Nam, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ba nhà báo.”

Tôi nghĩ rằng hành văn của Luật Khoa tạp chí là sự thận trọng đúng mực. Điều này cần ghi nhận, khi hoàn cảnh hiện tại ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang vắng nhóm nhân sự chịu trách nhiệm quản trị tại Việt Nam.

Cũng từ nội dung tuyên bố đồng hành của Luật Khoa tạp chí – tổ chức có tổng biên tập là một người Việt đang sinh sống tại Đài Loan, cho thấy nếu như với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, khi ai đó không đang sinh sống tại Việt Nam, nên khá thoải mái trong tỏ bày cảm xúc cá nhân, để từ đó ‘mạnh miệng’ đưa ra các tuyên bố liên quan đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – chính điều này sẽ vô tình làm khó các hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang sinh sống tại quê nhà.

“Tuyên bố của Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Đức về việc kết án 3 nhà báo Việt Nam” – là một dẫn chứng cho quan điểm trên của tôi muốn gửi đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, khi Hội phát hành những tuyên bố liên quan.

“Thánh ca tự do” đã thành lời kinh cầu. Bạn tù đã thành ca đoàn. Mười lăm năm tù giam đã thành khóa tu tập và tù ngục, đã trở thành thánh đường nơi ông hân hoan hành lễ – cá nhân tôi cũng mong rằng sẽ sớm hơn cho ngày đoàn viên tự do giữa chúng tôi, những người bạn cũ trong ngành an ninh nội chính Thành ủy TP.HCM.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)