Quỳnh Hương
(VNTB) – “Báo của Người Cao tuổi thì nên loanh quanh ‘đi tiểu đêm an toàn’, ‘ông bà già 96 tuổi hồi xuân’, ‘tình dục về già’ để đúng với chủ trương, chính sách, nhiệm vụ… Chứ vì sao báo về người già mà lại đi viết về tham nhũng, lạm quyền? Nhiệm vụ đó là của tuyên huấn chỉ đạo, dư luận viên định hướng. Các anh hiểu chưa?”
Viết thì chết với quan – không viết thì bị dân chửi. Đó hẳn là thực trạng chung của người làm báo nhà nước.
Bị bao vây tứ bề vì kiểm duyệt, một đề hay đến mấy, tâm huyết đổ ra đến mấy, nhưng nếu gặp người biên tập dè lòng thì cũng bị hủy. Qua khỏi khâu biên tập, thì nào phải lên bài là xong, vì nếu đụng đến sự nhạy cảm liên quan đến công chức, “uy tín chế độ”, “bí mật nhà nước” thì ngay lập tức sẽ có cú điện thoại, và bài bị rút ngay tức khắc, chưa kể sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật.
Nếu may mắn có ai (cá nhân) chống đỡ cho bài viết đó, thì sẽ duy trì được một thời gian, rồi sau đó sẽ rơi vào vòng lao lý.
Lúc đó sẽ có những chỉ đạo đầy “sâu sắc” của lãnh đạo như:
“Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?” (cựu Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ).
Đối với báo Người Cao Tuổi, thì chắc hẳn sẽ là: “Báo của Người Cao tuổi thì nên loanh quanh ‘đi tiểu đêm an toàn’, ‘ông bà già 96 tuổi hồi xuân’, ‘tình dục về già’ để đúng với chủ trương, chính sách, nhiệm vụ… Chứ vì sao báo về người già mà lại đi viết về tham nhũng, lạm quyền? Nhiệm vụ đó là của tuyên huấn chỉ đạo, dư luận viên định hướng. Các anh hiểu chưa?”
Do đó mà có chuyện, hết báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên bị cảnh cáo vì dám động đến chuyện tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao, báo Sài Gòn & Tiếp thị bị đình bản vì “dính đến chính trị”, thì giờ đây, Người Cao Tuổi, một trong những tờ báo hiếm hoi, đáng đọc về lượng thông tin cần cho xã hội, cần cho quốc gia lại gặp tai ương cuối năm. Ông Tổng biên tập thì bị tước thẻ nhà báo, còn tờ báo thì bị đình lại.
“Tránh cho nó lành”
Người ngoài cứ hờn trách tại sao báo chí nhà nước lại không đăng tin chủ quyền, không đánh vào tham nhũng trong khi nó khẩn thiết, nó nóng bỏng thế kia. Sao báo chí nhà nước lại thua xa độ tin cậy, nhanh chóng, trung thực với mấy blog lề dân này nọ. Có mấy ai biết nỗi khổ xót xa mà báo chí nhà nước đang chịu.
Báo chí cách mạng ngày càng lụn bại, nhân lực báo chí đẻ ra nhiều, nhưng nhiệm vụ “tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách của Đảng” lại là chính, phản ánh thực tại xã hội là phụ. Do đó, hạng bồi bút lại được các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện cho sống, còn những cây bút thẳng thì bị vùi dập không tha. Xã hội ngày một đổ đốn, chính trị ngày một mục nát cũng là vì thế.
Anh em nhà báo trong nước, từ Thanh niên trai tráng, đến Tuổi trẻ dồi dào, từ Người Lao Động chăm chỉ, cho đến Phụ Nữ đảm đang, từ Dân Trí mĩ miều, đến Giáo Dục đầy sắc màu dân tộc… dù nhìn thực trạng lạm quyền, thiếu dân chủ đầy rẫy, chướng tai – gai mắt, sinh ra uất ức – căm hờn… thì cũng nén lại mà bảo ban nhau: “Tránh cho nó lành.”
Thành ra, báo chí cách mạng lại tràn ngập hở vú, hở mông, cướp giết, show hàng này nọ. Lâu lâu, lại chen thêm điệp khúc già nua “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” góp vui cho chương trình báo chí tạp kỹ, lại thêm các quan chức thấy vui, cũng tranh nhau phát ngôn để đời, khiến người đọc mắt chữ o mồm chữ a.
Dân không những thiếu thông tin, mà dân còn bị ngộ độc thông tin là vì vậy. Họ trở thành một nạn nhân của đường hướng thông tin áp đặt, một chiều…
“Đã được chống lưng”
Cái tiêu cực xã hội vì thế được dịp phình to. Nhiều anh em không cam tâm chịu trận, phải vái tứ phương mà tìm kiếm cơ hội, nương tựa vào ai đó để phản ánh.
Thành ra, một số tờ báo lại bắt đầu những bài viết nóng hổi dưới mác “nguồn tin đáng tin cậy, nhưng giấu tên.”
Báo chí lúc này trở thành công cụ, mà công cụ không còn nằm trong tập thể nữa, mà nó nằm trong một nhóm người, một cá nhân để đấu đá nhau, nói cách hình tượng, tờ báo đó đã hóa thân thành “gươm khiên” cho những nhóm người tranh giành, đấu đá sử dụng để chặt chém nhau.
Tờ báo nào được hóa thân như thế cũng biết điều đó, nhưng họ tạm chịu trận theo kiểu “gạn đục khơi trong”, bởi chỉ khi được “bảo kê”, họ mới có cơ hội được “mở miệng” theo đúng nghĩa, được thực thi được nhiệm vụ báo chí đúng nghĩa. Tin tham nhũng, tin lạm quyền, tin thiếu dân chủ từ cơ sở mới được bộc phát ra. Từ vụ Polime, PMU 18, thị trường “sao vạch” đầy sôi động, rồi những ‘công tử Hà Thành’ ra Trường Sa, chưa kể đất đai, biệt thự được cất lên bởi tiền quan chức ít ỏi…
Dù là mang dáng dấp đấu đá cá nhân, nhưng tờ báo đó, phóng viên đó, biên tập đó cũng một lần được ngẩng cao đầu, không hổ thẹn vì được một lần làm đúng nhiệm vụ của một người cầm bút.
Và họ đã trả giá, “trâu bò húc nhau, thì ruồi muỗi chết”, trong thế cờ tàn, những người ngẩng cao đầu đó chỉ là con tốt sẵn sàng bị thí, chỉ là con ruồi trong măt của chính thể, bảo vo ve thì vo ve, không thích thì đập chết.
Nhưng có sao đâu, họ (những nhà báo thực sự) đã dự tính được kết quả. Có lẽ lúc nào đó, ngồi trong giữa Điều 258, họ liệu suy nghĩ về câu nói của cố Tổng thống Mỹ – Ronald Reagan chăng?
“…Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần rút quân về nhà là xong, vì lẽ cái giá phải trả cho loại ‘hoà bình’ đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau”