VNTB – Người dân có phải thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy?

VNTB – Người dân có phải thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy?

Hà Nguyên

(VNTB) – Người dân không có trách nhiệm hay bất kỳ nghĩa vụ gì phải thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy/ Tỉnh ủy.

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị này được ban hành sau khi Thường trực Ban Bí thư ban hành Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 21-7 và Nghị quyết số 78 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 20-7.

Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22-7-2021 của Bí thư Nguyễn Văn Nên có đoạn cuối như sau:

“Thành ủy TP.HCM xác định thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch của thành phố; đồng thời yêu cầu các lãnh đạo chủ chốt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, người đứng đầu các cấp đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra”.

Vậy thì mốc thời gian gọi là “cao điểm hai tuần tới” mà Bí thư Thành ủy nhấn mạnh có phải là TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài đến ngày 8-8-2021?

Câu trả lời tính đến chiều ngày 23-7 là dường như không phải như thế.

Chiều 23-7, tại buổi sơ kết 15 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói rằng TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8, với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

4 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP.HCM, như sau: Lần 1, từ 0gh ngày 31-5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 áp dụng Chỉ thị 16.

Lần 2, từ ngày 14-6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Lần 3, từ ngày 19-6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, không nêu thời hạn. Lần 4, từ ngày 9-7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày.

Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM lần thứ nhất trong đợt dịch này kể từ 0g ngày 9-7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9-7 đến 6g ngày 23-7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca; phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.

Về phương hướng những ngày tới, ông Đức cho biết thành phố sẽ siết chặt quản lý ở các khu phong tỏa với mục tiêu không để xảy ra lây nhiễm chéo. Các khu phong toả sẽ được đánh giá định kỳ để kịp thời gỡ giám sát từng phần. Việc này nhằm giảm áp lực tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý.

Trở lại với câu hỏi ở tựa bài viết: vì sao lại nói rằng người dân không có trách nhiệm hay bất kỳ nghĩa vụ gì phải thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy/ Tỉnh ủy?.

Trả lời: vì đó là quy định của pháp luật.

Tại Quy định số 66-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thể loại, thẩm quyền ban hành văn bản và thể thức văn bản của Đảng, thì, “Chỉ thị là văn bản dùng để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng cấp dưới thực hiện các chủ trương, chính sách hoặc một số nhiệm vụ cụ thể” – trích Điều 4.6.

Còn theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, thì toàn bộ những chủ thể nhà nước ở trung ương đều không còn thẩm quyền để ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chỉ thị.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Chỉ thị của ủy ban nhân dân tỉnh/ thành không còn được quy định là loại văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này, nhưng có chứa quy phạm pháp luật là không phù hợp với quy định hiện hành.

Như vậy, nếu quả thực đúng như khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thì chắc chắn sẽ không thể có các nội dung kiểu như bị phạt vạ vì đi mua bánh mì vi phạm Chỉ thị 16, sữa không là mặt hàng thiết yếu theo quy định của Chỉ thị 16 nên không được phép lưu thông…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)