VNTB – Người dân có được quyền chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

VNTB – Người dân có được quyền chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) –  Pháp luật không có bất kỳ điều luật nào cấm đoán người dân không được phép chỉ trích Tổng bí thư.

 

(Bài viết này nhân vụ việc lùm xùm quanh nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, phóng viên chuyên đề An ninh thế giới thuộc cơ quan đại diện phía Nam của báo Công an nhân dân, nhà báo có quân hàm đại úy công an, tên thật là Ngô Hữu Kinh Luân).

Trên tài khoản cá nhân facebook Ngô Nguyệt Hữu (hiện đã được chủ nhân tạm đóng) có nhiều bài viết dành nhiều mỹ từ ca ngợi “đại minh quân” Nguyễn Phú Trọng và công kích tất cả những ai chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Là một sĩ quan công an, việc nhà báo Ngô Nguyệt Hữu phản ứng quyết liệt đối với những ai chỉ trích Tổng bí thư là lẽ đương nhiên.

Ngợi ca Tổng bí thư có thể là một hành vi cần cân nhắc, vì có thể đây là biểu hiện của nịnh nọt lãnh đạo nhằm mưu cầu lợi ích riêng tư. Thế nhưng người dân chỉ trích Tổng bí thư thì không vi phạm bất kỳ điều luật hình sự nào. Trường hợp người dân đó là đảng viên, thì đúng là không được phép chỉ trích, nhưng đảng viên đó được quyền phê bình Tổng bí thư.

Xin nhấn rõ ở đây là hành động chỉ trích được thực hiện nhằm vào chức danh chính trị, không phải chỉ trích cá nhân công dân đó theo nghĩa của quan hệ dân sự.

Quyền chỉ trích Tổng bí thư

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 214-QĐ/TW, về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, Tổng bí thư là chính khách có những phẩm chất, năng lực được liệt kê là đáp ứng cho yêu cầu cụ thể như sau:

“Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…

Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.

Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

Như vậy người dân được quyền căn cứ những tiêu chí cụ thể kể trên để đưa ra nhận xét về năng lực của người đang giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng. Những chỉ trích nếu có ở đây, đó cũng là được căn cứ từ những hành động của Tổng bí thư mà người dân nhận định rằng không đúng với yêu cầu “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”.

Tổng bí thư cần chấp nhận chỉ trích

Một đơn cử cho chỉ trích về năng lực của Tổng bí thư suốt gần 3 nhiệm kỳ liên tiếp đã không thuyết phục được cho yêu cầu “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”: đó là không giúp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Dẫn chứng: Thuỵ Sĩ là nước nghèo tài nguyên. Thiên nhiên hầu như không ưu ái Thụy Sĩ khi số liệu thống kê cho biết chất lượng đất đai trung bình kém, 25% không thể sản xuất, 75% còn lại thì đến 1/2 nằm ở độ cao trên 1200m, có 3/4 là đồi núi. Thụy Sĩ không có mỏ gì dưới lòng đất; than, vàng, sắt thép, dầu khí,… đều không có.

Thụy Sĩ không có biển. Thứ mà Thụy Sĩ có nhiều nhất là nước ngọt từ núi, và nước thì không có giá trị thương mại.

Lý thuyết địa lý cho biết Việt Nam rất giàu, đất đai phì nhiêu màu mỡ.  Hầu như mỏ gì cũng có, biển đảo, sông ngòi từ Bắc chí Nam. Con người cần cù, thông minh, sáng tạo…

Có giải thích là không nên so sánh vì Việt Nam chiến tranh liên miên. Thế nhưng cũng xin lưu ý là ngoại trừ mối đe dọa xâm lược đến từ Trung Quốc, thì Việt Nam gần như đã kết thúc thời tao loạn cũng ngoài bốn mươi năm rồi.

Ngày 13-12-2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí ‘về nguyên tắc’ để tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng đình chiến kể từ năm 1953 đến nay do chưa ký hòa ước, tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Nếu so thực lực nền kinh tế và sự tự cường thì Việt Nam hiện tại thua cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên.

Với thực tế trên, ở cương vị là Tổng bí thư liên tiếp 3 nhiệm kỳ, đảng viên Nguyễn Phú Trọng đã có những hành động cụ thể gì để đáp ứng Quy định 214-QĐ/TW về tiêu chuẩn của chính khách Tổng bí thư?

Đảng viên được quyền phê bình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo Điều lệ Đảng, nguyên tắc chung là đảng viên không được phép chỉ trích các lãnh đạo cấp trên. Tuy nhiên hành động gọi là “phê bình” trong nội bộ Đảng thì được khuyến khích.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp” (1)… “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao” (2).

Như vậy về nguyên tắc, đảng viên có thể phê bình đồng chí Nguyễn Phú Trọng là thiếu tôn trọng Điều lệ Đảng. Cụ thể, chương III của Điều lệ Đảng “Cơ quan lãnh đạo của Đảng ở cấp trung ương”, ở Điều 17.1 có nội dung: “Ðồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Tính đến ngày 5-5-2023, đảng viên Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Tổng bí thư đã được 12 năm, 102 ngày (tính từ 19 tháng 1 năm 2011 – nay).

Quy định 214-QĐ/TW về tiêu chuẩn của chính khách Tổng bí thư, ở phần II “Khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, thì về “Chính trị, tư tưởng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải “Chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”.

Với quy định trên, tính cho đến hiện tại có thể dễ dàng nhận ra là đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc “nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình” đối với đảng viên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân vô thập toàn, đảng viên cũng không ngoại lệ nên việc truyền thông của Đảng không đưa tin về việc “phê và tự phê” đối với chính khách đảng viên Nguyễn Phú Trọng là điều cho thấy nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ Đảng đã bị xem nhẹ.

Và nói như nhắc nhở lúc còn là Thường trực Ban bí thư, đảng viên Trần Quốc Vượng cho rằng, “Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.

_____________________

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2021, trang 9.

(2) Sách đã dẫn, tập II, trang 179.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 11 months

    Vẫn được, nhưng không nên . Tiên trách kỷ, hậu trách nhân . Trước hết, người đó phải tự vấn mình đã làm được gì hay chỉ có phá Đảng, làm mất đoàn kết nội bộ trong Đảng . Phải xem mình có phải là 1 đảng viên gương mẫu, 1 người Cộng Sản chân chính, hay chỉ là 1 thứ thoái hóa nhan nhản, Cộng Sản chân phụ, chân trong chân ngoài . Đảng viên trung kiên không gia nhập 1 tổ chức có những thành viên xúc phạm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh …

    Nếu người đó đạt được những thứ đó sẽ thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là The Last White Hope, và sẽ ủng hộ Ông .

    Tâm địa không trong sáng, chủ nghĩa Mác-Lê không thuộc, tư tưởng Hồ Chí Minh không thông thì sớm muộn cũng end up như là … Những người đó không có đủ tư cách để phê bình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng