Câu chuyện của tướng Phùng Quang Thanh kéo theo nhiều giả thuyết, chủ nghĩa âm mưu nổi lên, trong đó chứa đựng niềm tin lẫn hy vọng mơ hồ nào đó.
Truyền thông trong và ngoài nước dồn dập đưa tin: Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, xô xát vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, đến vụ báo Tuổi Trẻ xác nhận tướng Thanh đang trị bệnh ở Pháp, rồi một tờ báo “pháp luật” của nhà nước trích tiểu sử tướng Thanh bên trang thông tin Chính phủ cho đăng tải, BBC Vietnamese phỏng vấn Giáo sư Phạm Gia Khải (một thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe T.Ư) và ông cho biết Tướng Thanh “chưa có dấu hiệu ung thư”…
Tất cả những dữ liệu này vô hình chung được xâu chuỗi lại, và dẫn đến một mối nghi ngờ trong mường tượng, mà một số trang báo gọi là “đảo chính mini”. Một sự mường tượng trong liên kết dữ kiện, dù dữ kiện đó xảy ra theo một ý đồ cho sẵn hay là ngẫu nhiên, thì nó cũng gây sức nóng trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Điều đó cho thấy rằng, cái nổi trội nhất về tướng Thanh hiện thời không nằm ở “sự thật” – nghĩa là tướng Thanh có thực sự bị bệnh hay là không. Và thực tế cho thấy, những nghi ngờ, phỏng đoán (nghi ngờ một phiên bản kế tiếp như câu chuyện Nguyễn Bá Thanh, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ) đó chỉ kết thúc khi báo nhà nước ra thông tin, vì thế “sự thật” về một lãnh đạo Việt Nam bất kỳ được quyết bởi chính truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc “xác thực” tin, mà nó nằm ở việc, khi chủ đề tướng Thanh được đặt lên bàn thảo luận, người ta tìm cách xác tín điều này chắc chắn đúng hoặc nó sẽ xảy ra như thế. Nghĩa là về mặt nhận định chủ quan, người ta thâu tóm nhiều điểm “có liên quan” lại rồi đưa đến một kết luận: “tướng Thanh bị ám sát”, và rằng nó mở đường cho một sự thay đổi thể chế…
Do đó, vấn đề cần bàn ở đây chính thái độ của người dân, “cư dân mạng” đối với sự kiện này, mà đấy chính là thái độ người dân và sự mù mịt về mặt thông tin tại Việt Nam.
Tại sao không tin X, Y, Z?
Đầu tiên là sự mù mịt về mặt thông tin thường được thấy ở các nước theo chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam, dù không kín cổng cao tường như Bắc Triều Tiên, nhưng câu chuyện về thông tin sức khỏe, đấu đá, thỏa thuận của giới thượng tầng kiến trúc lại được dán nhãn nhạy cảm, tuyệt mật và cần được giữ kín (mặt dù trong thời bình), để đảm bảo và đề phòng xa các thông tin không lọt ra ngoài, gây hại cho đảng cầm quyền.
Và vì thế, một sự vắng mặt tạm thời của một lãnh đạo, nếu nó được tuồn ra ngoài ở dạng tin đồn, thì lập tức “9 người 10 ý” khiến nó trở nên nghiêm trọng hóa.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao truyền thông trong nước lại không đưa tin tướng Thanh đi chữa bệnh tại Pháp, để đến khi tin đồn trên mạng xã hội lan xuống, thì các báo mới đưa tin? Khi đặt ra câu hỏi đó, tự bản thân đã có câu trả lời, vì “truyền thông trong nước” là truyền thông kiểm soát, chính sự kiểm soát sau hàng thập kỷ đã làm biến dạng nền thông tin, khiến cho truyền thông không còn ở vị trí “phản ánh tin tức” nữa, mà chuyển sang “định hướng và kiểm soát tin tức”, khi chưa có internet thì tin tức dù lọt ra ngoài sẽ chỉ co cụm ở một nhóm người, nhưng từ khi internet xuất hiện, mạng xã hội ra đời, nó giống như vết nứt trên đập thủy điện, và mỗi sự kiện lọt ra, với sự khát tin của người dân sẽ chẻ dọc cả đập đó ra khiến “lượng nước” (thông tin) không kiểm soát được tuôn ra. Tất nhiên, nó sẽ phân tán thành nhiều tin tức, với nhiều mảng màu khác nhau, gây ra sự hỗn loạn về mặt tin tức – “tin vịt” khi đó đóng vai trò “nguồn tin” đáng tham khảo.
Ngay cả khi, chính quyền chỉ thị tổ chức báo chí (Tuổi Trẻ) hay cá nhân liên quan (Giáo sư Phạm Gia Khải) thông tin để trấn an hay dập tắt dư luận, thì chính yếu tố “thiếu minh bạch, bất nhất” trong nền truyền thông định hướng cũng khiến cho người dân thay vì hiểu tin mà báo chí nhà nước đưa ra, thì họ dùng tin chính thống đó đã xác tín tin trên mạng. Thành ra, cái nghịch lý truyền thông ở Việt Nam là, tin mạng xã hội nhanh hơn, và chính xác vài lần, nó sẽ định hướng luôn người dân thông thông việc nhào nặn tin chính thống (người dân thông qua lăng kính mạng xã hội để đọc tin chính thống).
Chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp đầu năm 2015 cũng đã thừa nhận sự hụt hơi của truyền thông chính thống trước mạng xã hội trong định hướng thông tin, “Điện thoại bật ra là có, lên facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ”.
Như vậy, chính sự phá vỡ thông tin kiểm soát, và làm cho nguồn tin được xả ra ngoài ở một nước mà chính quyền kiểm soát thông tin, đã khiến internet trở thành một phương tiện của cuộc cách mạng thông tin tại chính quốc gia đó, dù ban đầu, phương tiện này làm xáo trộn thông tin, khiến thông tin bị bóp méo đến mức “hư cấu”.
Thứ hai là, thái độ người dân đối với tin tức về lãnh đạo, dù là câu chuyện hư cấu về “xe tăng xuất hiện tại Hà Nội năm 2008” hay chuyện tướng Ngọ, tướng Thanh, rồi ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng… thì cũng đều qui về một điểm duy nhất, đó là kỳ vọng cho mảng màu tối giảm bớt và mảng màu sáng nổi lên, bên cạnh là cảm giác trông đợi, hả hê… Người ta đang kỳ vọng nó có thật, và rằng, sự đấu đá về mặt thượng tầng kiến trúc sẽ làm thay đổi bản chất chính trị của Việt Nam theo hướng phương Tây hơn, nhiều người đặt kỳ vọng lớn vào X, Y, Z và cái chết sẽ làm cho Z, Y, X được “lên ngôi” theo đúng nghĩa. Những cảm xúc này cho thấy một điều, người dân đang quan tâm dần đến chính trị nước nhà, bởi những tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội hay chính trị khiến cho họ mong muốn có một sự thay đổi lớn. Nói thẳng ra, họ chán cái thể chế chính trị hiện tại, và mọi sự kiện ở lãnh đạo (dù ngẫu nhiên) thì cũng đem lại cho họ niềm tin lớn lao về một biến thiên trong tương lai, trợ giúp (hoặc thúc đẩy) nền tảng tự do, dân chủ, văn minh thực sự.
Nó được hiểu như, một sự kiện xảy ra với kết quả đều là xấu, nhưng nếu chọn giữa cái quá xấu hiện tại và cái xấu tương lai, thì họ chọn “cái xấu” thay vì “cái quá xấu”.
Và mạng xã hội lại ngẫu nhiên trở thành công cụ đo lường về trạng thái và quan điểm của dư luận xã hội đối với chính quyền, nhà nước hiện tại. Một “công cụ” tạm thời thay thế khi “Luật trưng cầu dân ý” chưa ra đời.
Như vậy, chỉ với một sự kiện bất kỳ ở “lãnh đạo” cũng cho thấy nổi trội hai vấn đề nêu trên, và tại Việt Nam, khi nào sự kiểm duyệt thông tin truyền thông còn tồn tại (gắn liền với thể chế chính trị), thì những hiện tượng này sẽ còn lặp lại nhiều lần trong tương lai, mà một khi hiện tượng lặp lại “N lần”, điều đó nghiễm nhiên trở thành bản chất. Giải quyết vấn đề thuộc về bản chất chỉ có một cách duy nhất – xóa bỏ bản chất đó.