VNTB – Người đang bị tạm giam có thể viết di chúc được không?

VNTB – Người đang bị tạm giam có thể viết di chúc được không?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Có tin, ông Trần Văn Bang, một nhà bất đồng chính kiến, hiện bị khởi tố hình sự theo Điều 117, đang muốn lập di chúc vì ông nghĩ mình sẽ chết tại trại tạm giam.

 

Ông Trần Văn Bang nghi mình bị ung thư và nếu đến mức… cấp cứu thì có thể đã muộn, nên ông nói với người thân trong lần ‘thăm gặp’, là ông muốn viết di chúc, viết những lời cuối cùng cho các con ông và bạn bè.

Nguyện vọng của ông là phù hợp với luật định.

Quy định hiện hành có điều khoản áp dụng trong nhiều trường hợp cá nhân có nhu cầu lập di chúc, nhưng đang trong những hoàn cảnh đặc biệt nên không thể lập di chúc có chứng nhận hoặc chứng thực được. Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định một số trường hợp di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực và người đang bị tạm giam rơi vào trường hợp này.

Cụ thể được quy định tại Khoản 6 Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015:

“Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở giam giữ đó” sẽ có hiệu lực như di chúc được công chứng, chứng thực.

Vì lý do tố tụng, người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù bị hạn chế quyền tự do đi lại nên họ không thể yêu cầu cơ quan công chứng nhà nước hoặc ủy ban nhân dân chứng nhận hoặc chứng nhận cho bản di chúc của mình được.

Tuy vậy họ vẫn có quyền tự do lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tôn trọng quyền này của cá nhân, pháp luật vẫn thừa nhận di chúc của họ lập ra khi đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù có giá trị pháp lý như di chúc có chứng nhận, chứng thực nếu di chúc đó đã có xác nhận của người phu trách cơ sở giam giữ.

Pháp luật quy định di chúc ra lập trong những trường hợp trên có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực nhằm đảm bảo cho cá nhân quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình ngay cả khi họ rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên chỉ trong những hoàn cảnh đó thì di chúc của họ mới được coi là có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực.

Vì vậy, khi người lập di chúc đã trở lại điều kiện bình thường, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực di chúc được nhưng họ vẫn không yêu cầu chứng nhận, chứng thực thì di chúc mà họ đã lập trong những hoàn cảnh trên sẽ không được thừa nhận là có giá trị như di chúc được chứng nhận chứng thực, đồng thời, cũng không được coi di chúc đó là đã bị hủy bỏ.

Trong những trường hợp này cần xác định giá trị của di chúc theo hai trường hợp sau:

Một là, nếu di chúc đó do người để lại tự sản tự nguyện lập ra trong khi minh mẫn sáng suốt và sự định đoạt nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì được coi là hợp pháp (đã được Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Khoản 5 Điều 630).

Hai là, nếu có sự tranh chấp về hiệu lực của những di chúc nói trên mà việc xác nhận không đủ cơ sở để khẳng định là người đó minh mẫn sáng suốt, tự nguyện trong khi lập di chúc thì coi như không có di chúc đó vì sai khi lập di chúc trong những hoàn cảnh đặc biệt người lập di chúc đã trở lại điều kiện bình thường thì cần phải lập di chúc có tính xác thực cao hơn.

Một chút về ông Trần Văn Bang: Ông sinh năm 1961, một cựu quân nhân trong chiến tranh biên giới phía Bắc chống giặc Trung Quốc xâm lược. Rời quân ngũ, ông theo học đại học và tốt nghiệp ngành thủy lợi.

Ông Trần Văn Bang từng là một trong mười ứng viên của giải “Cống hiến”. Đây là một giải thưởng nhân quyền dành cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước do các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước lập nên. Giải thưởng này được bắt đầu với việc bầu chọn những nhà hoạt động cống hiến nhiều cho phong trào trong nước trong năm 2019.

Ông Trần Văn Bang thường xuyên bị an ninh canh giữ trước cửa nhà mỗi khi trong nước diễn ra sự kiện gì mà họ cho là ‘nhạy cảm’. Ông từng bị đánh đổ máu khi tham gia biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn huấn thị trước Quốc hội Việt Nam tại Nghị trường Diên Hồng hôm 5 tháng 11 năm 2015 ở khu vực Hồ Con Rùa, quận 3, Sài Gòn.

Ông Trần Văn Bang là thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thường lên tiếng đấu tranh ôn hòa, chống bất công trong xã hội.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)