Việt Nam và và điểm hẹn xa xỉ phẩm
Đối tượng khách hàng hướng tới là nhóm người giàu mới nổi (có tài sản trung bình từ 2 tỉ đến 42 tỉ đồng) tăng nhanh, đứng thứ 3 châu Á.
Tinh thần chịu chơi và chịu chi khiến Việt Nam dù nghèo về mặt bằng chung, nhưng vẫn là nơi đều tay tiếp nhận những chiếc Rolls Royce – biểu tượng cho sự giàu có. Dẫn đến sự ra đời của đại lý phân phối Rolls Royce tại Hà Nội trong mùa hè 2014.
Báo cáo của Tạp chí The Economist và Ngân hàng Citi trước đây cũng dự báo, trong giai đoạn 2014 – 2020, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước có nhóm người giàu mới nổi gia tăng nhanh trên thế giới.
Và chênh lệch giàu nghèo
Phóng viên thời báo Los Angeles, Scott Duke Harris đã đưa ra cái nhìn về chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam, và được nhiều báo trong nước đăng tải.
Tại Hà Nội, với trung tâm Tràng Tiền Plaza, nơi ngự trị của những mặt hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Cartier và Burberry… Là những gánh hàng rong kiếm chưa đến 5 USD/ ngày.
Một nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, nhưng lại là nơi tiêu thụ 4.700 chiếc xe hơi xa xỉ trong năm 2014.
Số người giàu lên từ khoáng sản, đất đai (tài nguyên thiên nhiên) là không ít, bởi họ biết cách lợi dụng, khai thác lỗ hổng cơ (lợi ích nhóm) để đầu cơ, trục lợi và tham nhũng. Và nhóm giàu này thường không mang lại ý nghĩa cho sự phát triển đất nước hay đóng góp về mặt xã hội.
Phân bổ tài nguyên chưa hợp lý
Rolls Royce và 5 USD/ ngày đã cho thấy rằng, khoảng cách giàu nghèo và phân bổ tài nguyên (vốn, tài nguyên, con người) của hệ thống chính trị chưa thực sự tốt. Tác giả Trần Trọng Thức, trong một bài viết trên The Saigon Times đã nhận định: “Chế độ đãi ngộ về chính sách một thời ban phát đặc quyền cho một số thành phần tưởng chừng như công bằng đã tỏ ra thiếu hiệu quả bởi trong thực tế chẳng khác nào đem tài sản của xã hội chia chác cho các công thần, tạo điều kiện cho tham nhũng và các nhóm lợi ích thu vén.”
Và việc “Giao tài nguyên không đúng người có hai chuyện xảy ra: một là việc sử dụng đồng tiền không hiệu quả, hai là không tạo được nhiều công ăn việc làm thì tính công bằng xã hội càng giảm.”
Điều này không phải là võ đoán khi mà, sự đãi ngộ về chính sách và tài nguyên vẫn chủ yếu hướng về cán bộ và người thân quen của cán bộ nhà nước, bỏ quên đối tượng chính là “người dân nghèo.”
Gần đây,
câu chuyện nhà ở xã hội (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tập trung hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội), vốn dành cho người có thu nhập thấp (theo tinh thần của Nghị định 71/NĐ-CP 2010) đang bị các cá nhân nhà giàu “chiếm dụng” bằng cách lợi dụng khe hở chính sách nhưng lại có sự ủng hộ từ phía ngân hàng.Cụ thể, người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để mua nhà, do phía ngân hàng làm khó với lý do “không đảm bảo khả năng trả nợ.”
“Người thu nhập thấp trầy trật là vậy, nhưng với những người có mức thu nhập trung bình khá, thậm chí là cao thì được chào đón ở mọi ngân hàng” là một thực trạng chỉ ra rằng, đãi ngộ chính sách đã không đến đúng đối tượng.
Khiến nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở các khu định cư là do người giàu làm chủ.Tiếp đó, dự thảo về Nghị định phát triển quản lý nhà ở xã hội (NOXH) của Bộ Xây dựng lại quyết định tăng diện tích tối đa nhà ở xã hội lên 90m2 – một quy định được coi là “bắt người nghèo đóng tiền mua chỗ cho nhà giàu để ô tô.”
Khi gói 30.000 tỉ đồng còn đang đi sai đối tượng thì Ngân hàng nhà nước sắp tới đây sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tiếp tục đưa ra gói 50.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất cho vay 7% trong 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán được thời gian trả nợ. Một gói vay đang bị nghi ngờ là tạo điều kiện cho những người siêu giàu vay ưu đãi để mua ” biệt thự, penhouse, căn hộ 3.000-4.000 USD/m2.”
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp. Hồ Chí Minh thẳng thắn cho rằng: “Siêu đại gia đã vận động cho gói này để tiêu thụ lượng hàng tồn kho cao cấp của họ.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt câu hỏi tại sao người giàu có thể ở chỗ người thu nhập thấp?
“Người giàu luôn có phương tiện tạo của cải, họ dễ dàng mua được những căn hộ của ngươi nghèo. Trong khi người nghèo không đủ điều kiện tài chính thì với người giàu lại quá dễ dàng, mà ngân hàng bao giờ cũng trải thảm đỏ cho người giàu.”