VNTB – Người lao động ‘tụ tập’ để đòi trả nợ lương

VNTB – Người lao động ‘tụ tập’ để đòi trả nợ lương

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – Khoảng 100 công nhân ở Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh – Đà Nẵng đình công, yêu cầu lãnh đạo công ty phải trả lương, đóng bảo hiểm.

 

Lúc đó, công ty đã chi trả 2 tháng lương nhưng lại tiếp tục nợ lương cho đến tháng 1-2024. Đến nay, công ty vẫn chưa giải quyết quyền lợi cho công nhân. Ngày 27-2-2024, ông Nguyễn Chánh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh ra thông báo về việc tạm ngừng hoạt động công ty. Thông báo nêu lý do công ty ít đơn hàng nên toàn thể người lao động nghỉ việc không lương và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong 2 tháng 03 và tháng 04-2024.

“Công ty sẽ đảm bảo thanh toán đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đến hết ngày 31-01-2024 cho người lao động, chậm nhất vào ngày 8-3-2024. Về lương tháng 11-2023 sẽ được chi trả chậm nhất vào cuối tháng 3-2024; Lương tháng 12-2023 sẽ được chi trả chậm nhất vào cuối tháng 4-2024 qua ATM cá nhân” – trích thông báo của Tổng giám đốc Nguyễn Chánh.

Một công nhân có hơn 20 năm làm việc tại Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh cho biết, tháng 2 vừa qua bà nghỉ việc không lương sau thông báo nêu trên từ phía doanh nghiệp. Đến hiện tại, công ty nợ bà 3 tháng lương và nợ đóng bảo hiểm xã hội 9 tháng. “Công ty hứa lên hứa xuống là nghỉ việc sẽ trả lương và đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện lời hứa”, bà nói.

Theo nữ công nhân này cho biết, trước Tết doanh nghiệp nợ bà 5 tháng lương nhưng sau khi công đoàn thành phố Đà Nẵng vào cuộc đối thoại, bà được thanh toán 2 tháng lương. Số còn lại công ty tiếp tục nợ đến nay chưa trả. “Công nhân làm tháng nào “xào” tháng đó mà nợ kiểu ni thì lấy chi sống. Vợ chồng lục đục, không có tiền đóng học phí cho con cái”, bà trải lòng.

“Đến nay, tất cả chung tôi vẫn chưa được nhận bất kỳ khoản nào như thông báo đã nêu”, một nhóm công nhân khác của Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh khẳng định.

Theo thông tin ghi nhận từ Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng, hiện có khoảng 107 người lao động của Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh đang bị nợ lương và bảo hiểm xã hội. Từ tháng 3-2024 đến nay, công đoàn đã nhận đơn của 85 người lao động khởi kiện công ty.

Trước đó, tháng 12-2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dệt Hòa Khánh do doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện tính đến tháng 11-2023 với số tiền hơn 950 triệu đồng; chậm đóng bảo hiểm y tế cho 107 lao động.

Nhìn toàn cảnh thì trong năm vừa qua ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, khi lượng đơn hàng giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 10% so với năm 2022. Đơn cử như với Garmex Sài Gòn vốn là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh khó khăn trong năm 2023 đã buộc Garmex Sài Gòn cắt giảm gần hết nhân sự, chỉ còn vỏn vẹn 35 người, tức giảm 1.947 lao động so với hồi đầu năm. Tính chung 2 năm gần nhất, doanh nghiệp này đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.775 lao động. Trong năm 2023, doanh thu của Garmex chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng, giảm 35 lần so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ hơn 84 tỷ đồng của năm 2022.

Trong văn bản mới đây gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Garmex cũng cho biết chưa giải quyết được hàng tồn kho tủ vải với đối tác Gilimex.

Như vậy trong bối cảnh trên, khi mà các nước như Trung Quốc đang duy trì hỗ trợ rất mạnh giá điện: Trung Quốc hiện áp dụng 4 cent/kW, chỉ bằng 50% của Việt Nam và áp dụng hỗ trợ 50% giá vận tải nội địa, kể từ ngày 1-3-2023 tới nay. Hay Bangladesh vẫn đang áp dụng chính sách không bắt buộc bảo hiểm y tế và lương tối thiểu rất thấp với 15 USD/tháng… thì xem ra câu chuyện dừng sản xuất ở Dệt Hòa Khánh và nợ lương, bảo hiểm khiến người lao động lâm vào cảnh đời sống vốn đã giật gấu vá vai, càng chất chồng khó khăn.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)