VNTB – Người trẻ sao lại cứ mãi bỏ ruộng đồng mà đi?

VNTB – Người trẻ sao lại cứ mãi bỏ ruộng đồng mà đi?

Ngọc Minh

(VNTB) – Xã hội ngày càng phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số “nông dân trẻ” bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, bởi ở đó… dễ kiếm tiền hơn.

 

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nền văn hóa lúa nước, truyền từ đời này sang đời kia. Đó là những kiến thức mà hồi còn học trò, tôi đã được học. Xã hội ngày càng phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số “nông dân trẻ” bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, bởi ở đó… dễ kiếm tiền hơn.

Năm thứ 2 thời sinh viên, được chủ nhiệm khoa phân công ‘đi thực tế’ ở tỉnh Vĩnh Long. Vốn thích khu vực miền Tây sông nước, bà con ở đây lại nhiệt tình giúp đỡ sinh viên, cho nên không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè khác cũng đầy ắp những kỷ niệm.

Nhóm chúng tôi chia nhỏ ra, mỗi thành viên đi mỗi khu để ghi nhận nếp sống của bà con mình như thế nào, ghi nhận những nét văn hóa dân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu hò, hát ru…. Lần đó, tôi được tiếp xúc với hai “bà ngoại” ở quê – đó là cách gọi thân mật mà hai cụ bà dành cho mấy đứa tôi. Cứ ngỡ khi thấy người lạ sẽ đề phòng, nhưng không, ‘ngoại’ rất vui vẻ đón ba đứa sinh viên lạ hoắc từ Sài Gòn xuống, mời nước rồi rủ ở lại ăn.

Ngoại kể: “Tao có mấy đứa cháu, chắc là lớn hơn mấy đứa bây một chút. Lúc nhỏ, tụi nó sống ở đây nè. Rồi khi lớn lên, tụi nó nói sống ở quê buồn quá. Quanh đi quẩn lại hổng phải làm vườn, nuôi bò thì cũng trồng rau, nuôi cá. Không bằng ở thành phố. Vậy là tốt nghiệp xong cấp 3, tụi nó kéo nhau lên Bình Dương làm công nhân hết. Thành ra khu này giờ đa số là trung niên và người già”.

Lúc đầu, tôi cũng hơi ngạc nhiên. Có lẽ do không nhiều thời gian ở lại vùng đất này nên chúng tôi chưa thể hiểu hết, cũng như khó có thể ghi nhận một cách chính xác như cơ quan chính quyền địa phương, nhưng trong suốt thời gian chúng tôi ở lại cho bài thực tập, quả thật đa số tiếp xúc với trung niên, người già hoặc những cô bé, cậu bé.

Rồi thời gian trôi qua, ra trường, có vẻ như câu nói của “bà ngoại” Vĩnh Long vẫn đúng với nhiều trường hợp ở miền Tây.

“Ở đây ngày xưa ruộng cô cũng trồng. Nhưng rồi sau này khó khăn, giá cả lên đủ thứ, thuốc trừ sâu cũng lên, phần vì mấy đứa con cũng nói làm ruộng cực quá, chúng kéo nhau lên thành phố hết. Giờ ruộng mình cho người ta thuê luôn”, cô Hai, một người dân sinh sống ở Cần Giuộc, Long An kể.

Còn nói như tuyên bố chắc nịch của ông Nguyễn Văn Chín, một nông dân ở miền Tây, trồng lúa lúc này thì ‘biết lấy gì mà ăn’: “Hồi đó người ta làm nhiều, giờ công lao động ở đây đâu còn nữa, đi làm công nhân hết rồi. Người nào thích làm gần thì làm ở đây, không thì lên thành phố. Chỉ có mấy người già già không làm công nhân được thì mới làm lúa này thôi. Làm công nhân tháng 5-7 triệu sướng hơn làm cái này. Lúa này nó nằm sáu tháng, nằm sáu tháng chờ ăn đói chết luôn, giá bán hổng được cao nữa, 9.500 đến 10.000 bạc một ký à. Làm cái này đói chết luôn”.

Có thể nói, cuộc sống khó khăn, nhiều người trẻ từ miền Tây lên thành phố làm công nhân kiếm sống, trang trải chi phí cũng là lẽ đương nhiên. Song Việt Nam vốn dĩ là một đất nước nông nghiệp, nếu một ngày nào đó, thế hệ người già hôm nay mất đi, nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Thay vì cứ tỉnh này sẽ là cái này, tỉnh kia sẽ là cái kia như các lời hoa mỹ của các vị lãnh đạo ‘ở tuốt cõi trên’, rất cần sự tỉnh táo xem xét tình hình cụ thể ở tỉnh đó như thế nào, chính quyền địa phương cần những hỗ trợ cụ thể gì để duy trì và phát triển, nhất là mảng nông nghiệp. Bởi nếu nói cho sướng cái miệng như tuyên huấn, thì ai mà chẳng… nói được kia chứ (!?).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Tran Hoat 4 years

    Cứ điệp khúc được mùa mất giá thì làm nông còn lâu mới khá lên nổi