(VNTB) – Nhà nước đã dung túng cho thịt bẩn, hoá chất độc hại, thuốc giả, sữa giả, gạo giả… tràn lan, làm suy yếu nòi giống dân tộc
Những ngày qua dư luận trong nước bất ngờ với thông tin diễn viên Ngân Hoà bị suy thận giai đoạn cuối. Cô diễn viên này sinh năm 1996, năm nay chỉ mới 29 tuổi. Từ hai năm trước cô đã phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn ba. Tháng 2 năm nay thì đã vào giai đoạn cuối, các chỉ số ở mức báo động, bắt buộc thực hiện ghép thận.
Ngoài diễn viên Ngân Hoà, một người khác cũng gây chú ý trong dư luận là anh Liễu Quý Ngân cũng bị suy thận giai đoạn 4. Anh Ngân là người đã dũng cảm đứng ra tố cáo công ty C.P bán thịt heo bệnh và có nhiều sai phạm trong kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc. C.P là một công ty lớn ở mảng chăn nuôi, kinh doanh thịt heo ở Việt Nam. Nhờ việc lên tiếng của anh Ngân mà người Việt Nam tránh được một mối hoạ về thực phẩm bẩn, ảnh hưởng tới sức khoẻ và nòi giống dân tộc. Anh Ngân sinh năm 1985, năm nay cũng chỉ 40 tuổi, nhưng đã phải chạy thận mỗi ngày để duy trì sự sống.
Trên đây chỉ là hai trường hợp được dư luận đặc biệt chú ý. Trong những năm gần đây tỷ lệ người trẻ ở Việt Nam bị suy thận mạn tính càng ngày càng nhiều. Theo một thống kê của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 30-40 bệnh nhân mới. Ở bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thì trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có thêm 450 người đăng ký chạy thận định kỳ. Số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc càng ngày càng đông.
Còn theo ước tính của cơ quan chức năng thì có hơn 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh thận mạn tính. Mỗi năm có khoảng 8.000 người mới được chẩn đoán có bệnh. Hiện có hơn 800.000 người cần phải chạy thận lọc máu, nhưng cả nước chỉ có 5.500 máy chạy thận, đủ sức phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh nay đứng thứ 8 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây chết người ở Việt Nam. (1)
Với tình trạng bệnh nhân càng ngày càng nhiều mà bệnh viện thì không đủ sức chữa trị nên tỷ lệ tử vong do suy thận mạn trong thời gian tới sẽ tăng chóng mặt. Đồng thời, chi phí chạy thận cũng không rẻ, trung bình 700.000 đến 1 triệu đồng mỗi lần. Nếu có mua bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế thì chỉ trả cao nhất là 543.000 đồng/lần, bệnh nhân phải đóng thêm từ 150.000 đến 450.000 đồng mỗi lần chạy thận. Còn nếu muốn ghép thận thì giá trung bình là từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Chi phí đắt đỏ như vậy thì nhiều người chấp nhận nằm chờ chết chứ không kiếm đâu ra tiền để chạy chữa.
Vậy tại sao người trẻ càng ngày càng bị suy thận mạn tính nhiều? Thật ra không phải do uống nhiều rượu bia như suy nghĩ của nhiều người, mà vì giới trẻ Việt Nam hiện nay chịu áp lực kinh tế rất nặng nề, bắt buộc phải lao đầu vào công việc, làm việc từ sáng tới tối vẫn không đủ tiền để đóng tiền trọ, tiền ăn… Ví dụ như công nhân trẻ phải tăng ca làm từ 12-14 tiếng mỗi ngày, xoay ca liên tục, thay đổi thói quen ăn uống, giờ giấc sinh hoạt để chạy theo công việc, ngủ không đủ giấc…
Đặc biệt, đi làm về thì ăn mì gói cho nhanh, mì gói thì có nhiều muối gây hại thận. Chưa kể là thực phẩm bẩn, heo bệnh, gà bệnh, hoá chất độc hại trong thức ăn, nước uống; thậm chí đi chữa bệnh cũng mua phải thuốc giả, sữa giả… Tất cả gộp lại thì hai quả thận làm sao chịu nổi?
Từ đó mới thấy tỷ lệ người trẻ bị thận tăng cao không phải là do người dân, mà là do Nhà nước. Nhà cầm quyền không bảo vệ quyền lợi người lao động để người dân có thể chỉ làm việc mỗi ngày 8 tiếng, nghỉ hai ngày cuối tuần để tái tạo năng lượng. Buộc người dân phải hy sinh sức khoẻ để đổi lấy đồng lương rẻ mạt. Không chỉ vậy, còn buông lỏng quản lý, để cho thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thuốc giả, sữa giả tràn lan. Làm nhiều khiến cơ thể suy kiệt, mà ăn phải chất độc hại thì bệnh càng nặng hơn!
___________________
Tham khảo:
(1) https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/hon-10-trieu-nguoi-viet-mac-benh-than-man-tinh-744094