Trâm Anh
(VNTB) – Trang trại nuôi gà là nghề dễ làm, có thu nhập cao, rủi ro ít,
Tuần trước, tôi kể về nghề nail ở thành phố Los Angeles bên bờ Thái Bình Dương. Tuần này, tôi mời bạn đến một trang trại nuôi gà ở một vùng quê an bình thuộc hạt Wicomico, gần vịnh Chesepeake, bên bờ Đại Tây Dương, cách Washington D.C. khoảng 2,5 giờ lái xe về phía đông.
Nghề này có nhiều điểm hấp dẫn với những người từng là nông dân ở Việt Nam hoặc những người không thích cuộc sống ồn ào náo nhiệt ở các đô thị và có một chút tiếng Anh căn bản, cũng như nghề làm chủ tiệm nail.
Thu nhập cao
Đây là nghề gia công nhưng có thu nhập cao. Từ giống gà, cám, thuốc, kỹ thuật chăm sóc, cho đến bán gà thành phẩm đều do công ty phụ trách. Người nuôi bỏ vốn mua chuồng và chăm sóc gà. Nếu nuôi loại gà 7 tuần, mỗi năm nuôi khoảng 5,5 lứa. Giữa mỗi lứa có hai tuần dọn vệ sinh, bảo trì và nghỉ ngơi.
Trong vài năm đầu, số tiền mặt mà chủ trại giữ lại được không cao, chỉ khoảng 100 ngàn Mỹ kim (2,3 tỷ Đồng) vì phải trả dần tiền mua trại theo một tỷ lệ cố định của tổng số tiền vay còn lại. Nhưng tính trung bình trong 10 năm thì thu nhập bình quân khoảng 250 ngàn Mỹ kim/năm, chưa kể trị giá trang trại với giá mua vào khoảng 2,1 triệu USD, đã trả dứt cho ngân hàng. Cụ thể, mỗi năm, chủ trại thu được 430 ngàn Mỹ kim tiền công nuôi gà. Tiền nhân công 45,3 ngàn, nếu thuê người làm hết. Anh bạn tôi vừa làm chủ vừa làm công nhưng tôi thấy cũng nhẹ nhàng (chút nữa tôi sẽ kể cho bạn về một ngày làm việc trong gia đoạn nặng nhất của lứa gà). Tiền điện, dầu và bảo trì 65 ngàn USD. Lời ngân hàng 39 ngàn. Thuế nhà đất và bảo hiểm 23,5 ngàn. Để bài ngắn hơn, bạn đọc tự làm toán và cộng thêm giá trị trang trại, nếu bán đi, sẽ có được tổng thu nhập hàng năm.
Số vốn đầu tư có lớn không? 20% tổng giá trị trang trại: 420 ngàn Mỹ kim.
Dễ làm, ít công
Chăm gà khó không? Cám được công ty chở đến, bơm vào bồn chứa. Mỗi máng cám trong chuồng có cảm biến điều khiển vít tải cám từ bồn chứa vào từng máng cám. Nếu mọi thứ hoạt động bình thường, bạn không phải lo gì chuyện cám.
Nước được bơm từ giếng lên, qua bộ xử lý tự động, vào bồn chứa. Sau đó, đến các vòi nước khắp trại gà. Các vòi này không tự chảy mà chỉ xì nước ra cho gà uống khi nó ngậm vào. Nếu mọi thứ hoạt động bình thường, bạn không phải lo gì chuyện nước.
Việc thông gió, điều hòa nhiệt độ cũng hoàn toàn tự động. Mùa hè, khi trời nóng và nhiệt độ trong chuồng gà tăng lên, cảm biến nhiệt độ sẽ tự động cho quạt gió chạy thêm thời gian – vì chuồng gà luôn đóng kín nên một số quạt gió chạy thường xuyên, ví dụ, chạy 2 phút, nghỉ 2 phút để bảo đảm nồng độ khí amoniac trong chuồng không lên quá cao, ảnh hưởng tới sức khỏe của gà – để hạ nhiệt độ chuồng xuống mức cần thiết. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, hệ thống sưởi sẽ tự chạy để nâng nhiệt độ chuồng lên mức cần thiết.
Vậy thì người chăm sóc gà phải làm gì? Trước hết, phải để ý các cảnh báo trên điện thoại. Khi có báo động, ra chuồng gà xác định nguyên nhân và sửa chữa. Thường là một thông số nào đó, nhiệt độ, nồng độ amoniac không nằm trong khoảng quy định hay hết cám, hết nước ở một khu vực nào đó.
Nếu một quạt gió không chạy khi bộ điều khiển trung tâm (Programmable Logic Control) ra lệnh, nhiệt độ tại khu vực quạt này thổi sẽ tăng lên và đầu dò nhiệt tại khu vực đó sẽ báo động. Người phụ trách cần ra chuồng gà, kiểm tra và sửa chữa tùy theo nguyên nhân thực tế. Ví dụ, có thể cầu dao của quạt bị nhảy hay động cơ quạt cháy.
Thứ hai, hàng ngày phải đi thăm chuồng. Hôm tôi tới, anh chủ rủ tôi cùng đi. Vì chuồng quá lớn mà số chuồng lại nhiều nên anh dùng xe chạy mọi địa hình (All Terrain Vehicle, ATV) để đi cho nhanh. Mỗi chuồng có sáu cửa cần kiểm tra. Đến mỗi cửa, anh xuống xe, mở cửa xem mùi amoniac có nặng không, viên bi biểu thị áp lực nước tại mỗi đường ống trong chuồng có nằm trong khoảng mong muốn không, có hiện tượng gì khác bất thường không. Nếu không có gì, đóng cửa lại và leo lên xe đi tiếp. Việc kiểm tra 5 chuồng hết khoảng 1 giờ, chủ yếu là thời gian lái xe.
Thứ ba, hàng ngày, phải đi nhặt gà chết và bắt những con gà còi, què khó có khả năng tăng trọng. Chúng tôi cũng lái xe đi từng chuồng, mỗi người một cái xô đựng gà và một cây gắp, trên đầu mang đèn pin. Đi từ đầu đến cuối chuồng, chỗ nào thấy gà chết thì gắp lên, bỏ vào xô. Thấy con nào nhỏ quá so với những con khác thì bắt lại. Khi đầy xô thì đem ra cửa để.
Trong lúc đi làm việc này, anh cũng để ý xem có thiết bị nào hư hay không. Ví dụ, có vòi nước bị xì nước liên tục hay có máng cám bị lệch, v.v. Ghi nhớ để sau đó sửa.
Sau khi nhặt hết gà tại các chuồng, chúng tôi dùng xe ATV đi đến những chỗ đã bỏ gà, chất lên đàng sau xe và chở ra nhà chôn gà. Sau đó, dùng máy xúc múc phân và mùn cưa đổ lên trên để chim kên kên khỏi lại ăn.
Trong mỗi lứa gà, thời gian phải làm việc nhiều là 3 tuần đầu khi gà còn bé, phải chăm nhiều và một tuần cuối khi sắp xuất chuồng. Tổng thời gian làm việc trong các giai đoạn này khoảng 6 giờ/ngày. Trong khoảng tuần thứ 4 đến thứ 6 thì công việc này nhẹ hơn.
Rủi ro thấp
Như tôi đã kể ở phần trên, việc nuôi gà là gia công. Chủ trại chỉ lo chuồng và chăm sóc. Mọi khâu khác, từ đầu vào, thức ăn, cám, kỹ thuật, và đầu ra, công ty lo hết. Chủ trại được trả công theo khối lượng gà lúc xuất chuồng. Được thưởng thêm nếu lượng tiêu thụ cám, điện, ga thấp trong khi khối lượng gà vẫn đạt yêu cầu.
Nếu gà chết hàng loạt thì sao? Khi gà mắc bệnh, chủ trại phải báo cho công ty. Hãng sẽ cho nhân viên kỹ thuật xuống kiểm tra, pha thuốc vào nước cho gà uống. Như tôi đã kể ở trên, chủ trại bắt buộc phải mua bảo hiểm. Do đó, Nếu chữa không được và chết hàng loạt, công ty bảo hiểm sẽ đền cho công ty nuôi gà và chủ trại.
Cái cần nhất là phải chuyên cần theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh.
Những điều ở trên chưa phải là những cái mà tôi thích nhất ở nghề nuôi gà. Đây mới là điều tôi thích. Trang trại của anh rộng khoảng 14 hectare, các chuồng chỉ chiếm một diện tích nhỏ, còn lại là cỏ và rừng. Do đó, không khí bên ngoài, cách xa chuồng trại rất thoáng đãng, không hôi hám.
Vì có nhiều cỏ và rừng, nên có nhiều chim, thú. Trưa hôm tôi lên, anh chủ trại đãi món thịt thỏ rừng. Ngon hết xẩy. Có lẽ nhìn tôi ăn, anh biết ý nên chập choạng tối xách súng đi ra ngoài một lúc, mang về ba con, lột da, rửa sạch sẽ cho tôi mang về. Buổi tối, được đãi thịt nai.
Buổi tối, ra ngoài trời thấy đầy sao sáng chứ không như ở thành phố. Lúc này mới thấy được sự khác biệt giữa không khí ở nông thôn với thành thị. Ban đêm ngủ, không nghe tiếng xe cộ đi lại.
Ở thành phố, về quê chơi. Được không khí trong lành, thoáng đãng, được ăn thịt rừng. Tối được ngủ yên. Lại được thịt rừng mang về. Sướng gì bằng?