Việt Nam Thời Báo

VNTB- Người Việt ơi!

Trần Văn Luyến

Vũ Kiều Trinh, Trưởng phòng Văn hóa của Ban Thời sự- Đài Truyền hình VN

(VNTB) – Hỡi những ông quan – đừng có tham thì hy vọng dân sẽ bớt gian. Hỡi người lớn, chúng ta phải biết xấu hổ trước đã.
Có nhiều bài viết về Người Việt quá xót xa trên mạng. Cũng là người Việt, tôi thấy xót xa, nhưng thật tâm nghĩ lại, có thể trong cái rủi, lại có điều hay.
Đó là một dấu hiệu đáng mừng tuy rằng quá xót xa.
Thực tâm, nếu là một con Lạc cháu Hồng, ai cũng hổ thẹn khi người Việt bị khinh rẻ bạc đãi trên bình diện toàn cầu theo những gì mà các bài viết của “những thế lực thù địch” trên mạng. Nhưng ta hãy bình tâm lại, suy xét thấu đáo vấn đề. Nếu chỉ một Kiều Trinh, hoặc một vài cá nhân lẻ tẻ, đó chỉ là hiện tượng nhưng nếu nó là nhiều người, là con số được thống kê cụ thể ở nhiều nước thì đó là một vấn đề nghiêm trọng đáng suy xét.

Ta hãy chấp nhận các con số thống kê của “thế lực thù địch” để ta suy xét.

“Quan tham” thì “dân sẽ gian”
Giả sử đó là sự thật, sự thật đó nói lên điều gì: Phải chăng tắt mắt là tập tính của người Việt? Nếu là tập tính thì lịch sử đã có những ví dụ ra sao, có truyền thuyết giai thoại nào nói lên điều đó. Rất may, trong các truyện cổ tích, truyện cười, truyện dân gian chưa có những dẫn chứng cụ thể. Nhưng!!!, có dân tộc nào đã đúc kết thành thành ngữ này chưa: “dân gian, quan tham”. Phải chăng “dân thì gian” còn “quan thì tham” hay chỉ khi nào “quan tham” thì “dân sẽ gian”. Theo mệnh đề thứ nhất, đã là dân thì sẽ là gian và đã là quan thì sẽ là tham. 
Gian là gian dối, gian lận… Tham là tham lam, tham nhũng hay tham tàn nhũng lạm Tham cũng là gian nhưng là cái gian dối của người có quyền hành. Cái gian của người dân chỉ ở mức độ cá nhân, cái gian của người có quyền nó ảnh hưởng đến rất nhiều người đến sự tồn vong của chế độ. Và nếu cả trăm người dân, ngàn người dân đều gian thì người ta sẽ quy kết về tập tính của một nhóm người hay lớn hơn là tập tính của một dân tộc. Đáng buồn thay, từ những sự việc đó, “các thế lực thù địch” đã quy kết cho người Việt chúng ta có tập tính ăn cắp. Ăn cắp thì quen tay, nên không lạ gì Kiều Trinh nào đó ở Thụy Điển thì thó “quần lót”, còn sang Anh lại trộm “thứ khác”… và cùng chung kiểu chạy tội: “tâm thần bất ổn”.
Ta hãy suy xét thêm một giả định khác: tại sao những người miền Bắc lại hay ăn cắp vặt mà không phải những người miền Trung và miền Nam?
Miền Bắc là cái nôi của người Việt, là cội nguồn còn miền Trung và miền Nam là nơi định cư trong quá trình Nam tiến của người Việt, ta cứ tạm hiểu như vậy. Tổ tiên những cư dân Việt vào miền Nam và miền Trung cũng là người miền Bắc, nhưng những con người đi khai phá có những đặc tính khác thường: Họ hoặc là binh lính hoặc gia đình gia đình binh lính qua các cuộc binh lửa nhiều trăm năm đã định cư ở vùng đất mới. Hoặc là những người có máu phiêu lưu thích đi khai phá vùng đất mới hoặc là vì kế sinh nhai đến vùng đất mới lập nghiệp. Câu chuyện này đã lặp lại sau 1975. Họ là những người di cư. Có những cuộc di cư khác tìm về tự do như năm 1954, sau 1975 và những cuộc trốn chạy sau 1990 khi đông Âu sụp đổ và những tu nghiệp sinh tại Nhật, Hàn và các nước châu Phi, Trung Cận Đông bỏ nghề để tìm về những vùng đất mới lập nghiệp. Trong số những nhóm người di cư này thì người Bắc chiếm đa phần. Nhưng chỉ có những người Bắc đi lao động chạy sang “phương Tây”, tu nghiệp sinh sang Hàn và Nhật là có tính ăn cắp vặt và để lại tiếng xấu cho người Việt còn những nhóm người khác thì hoàn toàn không, họ cố gắng hòa nhập vào cộng đồng mới bằng cách tuân thủ các luật lệ của nước sở tại và hy sinh đời bố mẹ ông bà vì chưa hòa nhập được hoàn toàn để củng cố cho đời con cháu. Cho đến bây giờ, những nhóm người này đã mang lại tiếng thơm cho người Việt chúng ta.
Chúng ta đã chỉ ra rằng trong những khúc ruột ngàn dặm của người Việt chúng ta có những nhóm người mang danh thơm còn có những nhóm người mang tiếng xấu.
Vậy nguyên nhân chính ở đâu???
“Dạ thưa ba, con mới đi học về”
Người Việt chúng ta còn nhiều tính xấu khác nếu theo chuẩn mực toàn cầu. Chúng ta chưa thể hòa nhập với cộng đồng văn minh nhân loại, nếu chúng ta chưa hiểu rõ mức độ trầm trọng của vấn đề.
Khi chúng ta mang văn hóa làng xã từ trong lũy tre làng ra thành phố: Đâu đó còn sự ganh tị, cao sang thấp hèn, đâu đó còn nói cười oang oang trong xe bus, trong siêu thị, trong công viên, trên đường phố, trong các quán ăn buffet, đâu đó vẫn còn tắt mắt đi ngang về tắt. Đâu đó vẫn mang thói nhếch nhác lem nhem của văn hóa làng xã mà thành tích điển hình nổi bật nhất trong năm năm mở rộng thủ đô Hà Nội là nông thôn hóa Thủ Đô. Thói quen sinh hoạt làng xã, nông dân là cái gót chân Asin của phần lớn dân Việt chúng ta. Trong số những thói quen đó, cái tệ hại nhất vẫn là ăn cắp vặt. Vẫn biết vậy, nhưng nếu chúng ta biết xấu hổ, biết mắc cỡ thì chúng ta phải nín những thói quen đó lại để hòa nhập, nhưng chúng ta cứ phô diễn thoải mái cái tự do cá nhân của mình mà không để ý đến nét văn hóa của cộng đồng sở tại thì chắc chắn chúng ta sẽ được người ta kỳ thị và chê bai thậm chí bài xích. Điều đó giúp chúng ta mở mắt để nhìn lại mình. Đó là một dấu hiệu đáng mừng tuy rằng quá xót xa.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét những nhóm người mang lại danh thơm cho dân Việt: Họ là ai??
Ngay ngày 30/4/1975, tôi có mặt tại Sài Gòn, đến thăm một người Anh trong gia tộc lớn. Ngạc nhiên đầu tiên của tôi là cô con dâu trong nhà ra và khoanh tay chào thưa chú. Khi thường xuyên đến với gia đình anh tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh vào Nam năm 1954 trong diện “đuổi Pháp quá đà” mấy anh cộng sản chúng tôi nói vậy, nhưng sau 20 năm, những gì tinh tuý của dân Bắc kì gia đình Anh vẫn còn giữ gìn được như báu vật.
Khi tôi sống tại Đà Lạt, tôi đến thăm một gia đình bác sĩ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mấy cô con gái tuổi đôi tám, áo dài trắng thướt tha cũng khoanh tay chào tôi thưa chú lại nhà, trước khi lễ phép: “dạ thưa ba, con mới đi học về”. Người khách lạ của ba được chào trước, khi chào người thân sinh ra mình, phải chăng điều đó đã được rèn dạy rất kỹ…. Những “nếp nhà” ấy được gìn giữ như những báu vật của người Việt mà bây giờ tôi đang kiếm trong cuộc sống hiện tại trong đất nước mình sao khó thấy quá….
Rồi một lần tôi sang Trung Âu công tác, tôi lại được nghe lời chào êm ái đó từ một cậu con trai đang học đại học Y khoa Viên- Áo. Tôi được nghe kể, người Việt hòa nhập cộng đồng Áo rất khó khăn vì ngôn ngữ. Người dân nước Áo nói tiếng Đức, ngôn ngữ chính trong giao tiếp, công việc và học tập. Thế hệ đầu không biết tiếng hoặc biết rất ít thường làm những công việc tay chân: phụ bếp, nấu ăn, lao công xí nghiệp, nhưng từ thế hệ thứ hai đã có nhiều con cháu trưởng thành đã vào những trường đại học danh tiếng như trường đại học Y khoa Viên-Áo. Có những cháu đã trở thành khoa học gia, tiến sĩ ở những ngành khoa học không gian, sinh học phân tử, công nghệ nano. Nhưng điều ngạc nhiên vẫn là, các cháu vẫn biết nói tiếng Việt rất rõ và giữ cung cách lễ phép với người trên như vừa kể….
Chưa nói đến các cộng đồng Việt ở Mỹ, Pháp, Úc chúng ta đã được nghe nhiều. Những cộng đồng này đã mang lại danh thơm cho dân Việt.
Người lớn phải biết xấu hổ trước
Chúng ta dần đi đến nguyên nhân chính của việc tại sao cũng là dân Việt, nơi nhóm người này mang lại danh thơm, nhóm người kia mang lại tiếng xấu. Cũng chính tại Thụy Điển có Kiều Trinh thì cũng có Đinh Trúc Nam, một nhà khoa học nguyên tử có chân trong hội đồng An toàn hạt nhân hoàng gia Thụy Điển.
Vấn đề ở đây là nếu ta biết giáo dục cho người Việt biết giấu kín gót chân ASIN và phát huy hết bản sắc tốt đẹp của mình thì thế giới sẽ xóa bỏ mặc cảm khinh khi và sẽ tôn trọng chúng ta.
Nên chăng, chúng ta nên giáo dục con em chúng ta học làm người trước khi học làm nghề.
Giáo dục phổ thông nên chú trọng dạy các em học làm người. Tất cả các kỹ năng sống, tất cả các chuẩn mực được pháp luật quy định, tất cả các tính cách tốt đẹp, tất cả các kiến thức nhân văn cao quý của nhân loại và của dân tộc đều được dạy dỗ và thực hành bên cạnh kiến thức phổ thông cần thiết trước khi học nghề ở bậc Trung học nghề, cao đẳng hoặc đại học đều được dạy chu đáo. Điều quan trọng là phải dạy các em biết Trung thực, ghét Gian dối.
Giáo dục đại học và chuyên nghiệp nên chú trọng dạy các em một nghề nghiệp vững chắc. Nên dạy các em lý thuyết và thực hành đúng nghề mình cần sao cho khi các em tốt nghiệp trường nghề, cao đẳng, đại học là đi làm được ngay chứ không phải thực tập nghề và dạy lại nghề ở nơi làm việc như bây giờ.
Nhưng quan trọng hơn nữa là xã hội những người lớn chúng ta hãy sống trung thực, dẹp tham nhũng, bỏ thói mua quan bán tước, chạy chức, chay điểm, chạy việc, chạy ngày sinh tháng đẻ, chạy quy hoạch…
Hỡi những ông quan- đừng có tham thì hy vọng dân sẽ bớt gian.

Hỡi người lớn, chúng ta phải biết xấu hổ trước đã.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo