PV: Xin anh hãy cho biết hôm 13/ 12/2015 anh cùng số đông người lao động di dân có mặt tại phủ tổng thống Đài Loan (Mã Anh Cửu) để làm gì?
Nguyễn Thương: Các công nhân, người lao động nước ngoài đến phủ tổng thống Mã Anh Cửu để biểu tình đòi hỏi quyền lợi cho người lao động đã bị đối xử bất công trong lúc làm việc cũng nhưng trong cuộc sống. Đặc biệt nhất trong cuộc tuần hành lần này là đòi hỏi công bằng cho những người giúp việc nhà (giúp việc gia đình). Họ làm việc trung bình từ 16h đến 17 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong khi không nhận đủ mức lương cơ bản, và bị đối xử bất công, bị lợi dụng.
Lao động người Việt tại Đài Loan. Ảnh: vnecdn |
PV: Lực lượng tham gia tuần hành chỉ là những lao động di dân khắp nơi tại Đài Loan?
Nguyễn Thương: Cuộc tuần hành nhằm mục đích đòi hỏi quyền lợi cho người lao động nhưng thu hút nhiều người, và nhiều tổ chức Đài Loan tham gia.
PV: Với khẩu hiệu “Phản đối chế độ nô lệ lao động yêu cầu luật pháp bảo vệ. Phản đối chế độ chăm sóc máu, mồ hôi. Yêu cầu chăm sóc trong công bằng”, phải chăng nó phản ánh người lao động di dân ở Đài Loan đang bị bóc lọt quyền lợi một cách nghiệm trọng?
Nguyễn Thương: Đúng. Tôi ví dụ, những lao động di dân là những chị em phụ nữ đang làm việc trong gia đình như chăm sóc người già, người bệnh, người tàn tật… lúc họ qua Đài Loan làm việc phải chi cho môi giới tới 6.500 USD nhưng khi đến nơi, họ phải làm từ 16 – 17h/ ngày, nhiều lúc còn bị lợi dụng tình dục và lương thì không được trả đủ.
PV: Những điều anh nói là luật pháp của Đài Loan quy định hay tự mỗi giới chủ lao động Đài Loan đặt ra?
Nguyễn Thương: Một phần do luật pháp Đài Loan không quan tâm, giúp đỡ hay bảo vệ chị em giúp việc nhà rõ ràng.
PV: Khoảng bao nhiêu người tham gia cuộc tuần hành và bao nhiêu trong đó là người lao động Việt Nam?
Nguyễn Thương: Có khoảng từ 1.500 đến 1.700 người tham gia. Người lao động di dân của 5 nước (Việt Nam, Iindonexia, Philippines, Thái Lan và người dân Đài Loan bản địa). Việt Nam thì có khoảng 400 người tham gia.
PV: Có hội đoàn lao động nào ở Đài Loan đứng ra kêu gọi và tổ chức tuần hành hay không?
Nguyễn Thương: Cuộc tuần hành do Trung tâm hi vọng Trung Li ở Cam Túc và Văn phòng giúp đỡ cô dâu, người lao động di dân tại Đài Loan đứng ra kêu gọi, tổ chức.
PV: Thông điệp của họ đưa ra trong cuộc tuần hành là gì?
Nguyễn Thương: Thông điệp người tuần hành đưa ra chủ yếu là nhấn mạnh luật pháp Đài Loan phải quan tâm hơn nữa đến người giúp việc gia đình vì luật pháp đang lơ là chuyện này. Phải bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật và nên coi đây là việc chung chứ không của riêng một gia đình nào.
PV: Theo anh thấy có sự khác biệt nào giữa lao động di dân đến Đài Loan và lao động bản địa?
Nguyễn Thương: Sự khác biệt ở đây chủ yếu là bất đồng chính kiến, đối xử phân biệt trong công việc. Thông thường người lao động bản địa có mức lương cao, an sinh xã hội, chế độ khác tốt hơn rất nhiều so với lao động di dân.Ví dụ lương người bản địa là 28.000 Đài tệ (850 USD) thì lương của người giúp việc di dân chỉ là 15.840 Đài tệ (450 USD).
PV: Anh có biết vụ việc nào liên quan đến người lao động Việt Nam bị bóc lột ở Đài Loan hay không?
Nguyễn Thương: Tôi mới sang Đài Loan làm nên chưa nắm rõ nhưng theo tôi biết thì người lao động Việt Nam ở Đài Loan bị bóc lột sức lao động là rất nhiều.
PV: Bị bóc lột sức lao động như vậy thì họ có bỏ về lại Việt Nam không?
Nguyễn Thương: Chắc không. Theo mình được biết các vấn đề kinh tế, công việc ở Việt Nam không ổn định.
PV: Anh có hy vọng Chính phủ, Quốc hội Đài Loan lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của người lao động di dân ở Đài Loan sau cuộc tuần nhành này không?
Nguyễn Thương: Điều này tôi rất hi vọng.
PV: Mỗi lần tuần hành như vậy thì có đại diện nào của chính phủ hay Quốc Hội Đài Loan ra trả lời trước người tuần hành hay không? Nếu có thì họ nói những gì và có thực hiện đúng lời nói hay không?
Nguyễn Thương: Theo tôi được biết thì cuộc tuần hành có người đại diện cho bà Thái Anh Văn, chủ tịch Đảng Dân chủ tiến bộ (Đảng Dân Tiến ) của Đài Loan, ứng cử viên tranh cử chức tổng thống có ra nhận thỉnh nguyện thư người lao động 4 nước gửi cho bà. Tôi và 22.000 lao động di dân đang làm việc tại Đài Loan hi vọng chính phủ Đài Loan đáp ứng được nguyện vọng của người lao động nói chung và lao động di dân nói riêng
VNTB cám ơn những thông tin chia sẻ của anh Nguyễn Thương./.