VNTB – Người Việt tại Hoa Kỳ: Một chặng đường nhìn lại

Quang Nguyên


(VNTB) – Cuộc chiến tranh Việt Nam giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đã tạo ra hàng triệu di dân. Sau năm 1954, hơn 800,000 ngươi từ miền Bắc vĩ tuyến 17 di cư vào Nam đã làm xôn xao dư luận quốc tế.

Các Đợt Đi và Đến
Năm 1975, Sài Gòn sụp đổ chấm dứt cuộc chiến, bắt đầu đợt sóng những người trốn chạy Cộng Sản được cho là một thảm họa trong lịch sử di dân. Những người ra đi đầu tiên  nghĩ rằng tính mạng của họ bị đe dọa bởi những người từng là kẻ thù.
Trong cơn hoảng loạn, người ta chạy trốn bằng máy bay, tàu chiến, thương thuyền, hoặc trên các chiếc vỏ lải mong manh hy vọng được hạm đội 7 của Mỹ  cứu vớt ngoài hải phận quốc tế.
Ngay trong tháng 4/75 khoảng 40,000 người đã trốn thoát và chỉ vài tháng sau đó con số ước tính lên đến 200,000.
Các trại tỵ nạn lập tức được dựng lên trong các căn cứ Mỹ ở Thái lan, Phi Luật Tân và trên một số đảo Thái Bình Dương.
Quốc hội Mỹ mau chóng chấp thuận cho những người tỵ nạn đầu tiên này nhập cư. Hầu hết họ là những người trẻ, tài năng và giầu có. 3/4 trong số họ đã xong trung học và 20% đã tốt nghiệp đại học.
Số “thuyền nhân” càng ngày càng nhiều. 82% dưới 35 tuổi. Các trại tỵ nan mau chóng đầy ắp. Tuy nhiên dù thuộc thành phần nào đi nữa, để được vào nước Mỹ, họ đều phải qua các cuộc phỏng vấn và được một hội từ thiện nhận đỡ đầu. Đây là thời kỳ bận rộn nhất của các hội từ thiện tôn giáo, các tổ chức thiện nguyện. Chính phủ qua những hội này giúp đỡ họ có  nơi cư trú đầy đủ và riêng tư, phương tiện di chuyển, tìm việc làm, dậy tiếng Anh và dậy nghề.
Images intégrées 1
Học viên trong một trường học tiếng Anh ESL( Hình Quang Nguyên)
Vấn đề khó khăn dưới mắt người Mỹ khi định cư người Việt là nhà cửa. Nhiều gia đình có đến 20 người, thảng hoặc có gia đình đến 25 người, gồm ông bà, chú bác, cô dì, có khi cả người giúp việc, đã sống với nhau bao nhiêu năm không chịu tách riêng ra, nhất là trong thời gian đầu lạ nước, lạ cái.
Chính sách của Hoa Kỳ là phân bổ số dân nhập cư đi toàn nước Mỹ để bảo đảm không một tiểu bang nào bị quá tải và cũng muốn để dân di cư dễ hội nhập nước Mỹ, văn hóa Mỹ. Tuy nhiên hình như chính sách này thất bại. Phần lớn những người được đưa đến vùng ít người Việt cảm thấy khó khăn và một thời gian sau, họ tìm về nơi có người đồng hương, và những nơi  khí hậu ấm áp. Lý giải vấn đề này, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng những người Việt tỵ nạn ra đi trắng tay,đã chịu nhiều mất mát, đau khổ về tinh thần  nên họ thường tìm về với nhau để nương tựa .
Chính sách của nhà cầm quyền mới khiến làn sóng vượt biên càng ngày càng dâng cao. Nhiều người thoát khỏi cả gia đình trên một chuyến tàu, nhiều người trong một gia đình lần lượt “đi chui”, người thoát được, người bị bắt lại, người bỏ thây đáy biển. Giáo Sư Ngô Duy Cầu, hiệu trưởng trường trung học Văn Lang, đường Trần Quý Khoách, Tân Định, quận 1, Sài Gòn, hậu thân của trường Thăng Long Hà Nội, gia đình đi trước, cụ ở lại, uống thuốc độc tự tử, để lại một số tiền và thơ nhờ ai đó chôn cất giùm. Gia đình bà chủ tiệm vải Văn Ngọc, đường Ngô Đức Kế quận 1, Sài Gòn cùng với hơn một nửa họ hàng gần 100 người bị chìm tàu, tất cả đều mất tích. Gia đình trung úy cảnh sát Nguyễn Xuân Mai vượt biên khi ông còn đang trong trại cải tạo Hàm Tân Thuận Hải. Bà cùng 6 người con đến bến chờ “taxi”(thuyền nhỏ dùng đưa từng tốp người ra tàu lớn) thì bị lộ. Hai người con đầu chạy lạc ở lại, 5 mẹ con lên được tàu lớn. Đi được vài hôm, tàu gặp nạn, bà và 2 con vùi thân đáy biển, 2 con được cứu thoát.
Trong đợt vượt biên này ,ngoài đường biển, nhiều người trốn qua ngả Cao Miên. Cùng với lớp người trung lưu, có học thức, có nhiều người nghèo, ít học và  nghề nghiệp không vững chắc. Một số mang theo rất nhiều tiền của, bị bắt lại, tịch thu, hoặc mất trắng tay không hiếm. Rất nhiều người bỏ mạng vì hết thực phẩm, nước uống, bão tố vùi dập và cướp biển.Tuy vậy theo thống kê, mỗi tháng có trung bình 14,000 người vào được đất liền trong nước mắt của vợ mất chồng, con mất cha mẹ, anh em mất nhau trên biển cả.
Nhiều quốc gia Á châu từ chối thuyền nhân, đặc biệt Thái lan còn cho phép bọn hải tặc tấn công, cướp bóc, hãm hiếp, thậm chí bắt cóc các cô gái trẻ.
 Hoa Kỳ tiếp nhận hầu hết người tỵ nạn và tiếp sau đó là Canada.
Tuy nhiên, sau chương trình tỵ nạn 1975 chấm dứt,những người vượt biên sau này ở các trại tỵ nạn vào được nước Mỹ không phải dễ dàng. Những đợt thanh lọc, phỏng vấn kéo dài thời gian ở đảo của nhiều người. Theo lời ký giả Phan Thanh Tâm, người từng làm việc tại Việt Nam Thông tấn Xã, nhập trại tỵ nạn Manila tháng 5/1976, trong những người đi với ông, gia đình ông Hoàng Phước Quả vì có người em ruột đã ở Mỹ rất lâu cho nên được chấp thuận vào Mỹ nhanh chóng, ông Phan Thanh Tâm phải vất vả vận dộng với giới báo chí quốc tế. Sau  nhờ giám đốc viện Báo Chí quốc Tế tại Berlin chứng nhận ông Tâm có theo học khoa báo chí qua học bổng của Tây Đức, ông mới được chấp nhận vào Mỹ.
Tin tức về thảm cảnh của những người vượt biên được truyền thông Mỹ đưa ra làm dư luận Mỹ nổi sóng và gây xúc động khắp nơi. Mùa hè 1977, các cuộc biểu tình lớn hàng chục ngàn người trước tòa Bạch Ốc, với sự tham dự của  nhiều khuôn mặt chính trị, tài tử từng nổi tiếng thân Cộng trong thời chiến, khiến TT Jimmy Carter phải mở lại chương trình tỵ nạn và nhận ngay đợt đầu 10,000 người từ các trại.
Từ 1979, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý mở chương trình Ra Đi Có Trật Tự , Orderly Departure Program, trong đó có chương trình tiếp nhận con lai và gia đình trực thuộc của họ . Số người đến Mỹ càng ngày càng đông. Chỉ đến năm 1986, người đến theo chương trình này, tính riêng đã là 50,000.
Vào cuối thập niên 1980, chương trình HO được chính phủ Mỹ và VN chấp thuân.Theo Ông Nguyễn Trọng Cảnh trong cuốn 20 năm sau công cuộc định cư của người Việt Nam tị nạn tại Minnesota,  HO là chữ viết tắt của Humanitarian Operation, nhưng ông cũng cho biết một giới chức  phụ trách di dân tại đại sứ quán Mỹ, Thái lan nói nó có nguồn gốc từ chữ Học trong Học Tập, nhưng dù sao nó cũng là chương trình ODP dành cho những người có thời gian ở tù trong các trại cải tạo ít nhất 3 năm. Ngày 5 tháng Giêng 1990 đợt đầu những người HO đến Mỹ bằng phương tiện hàng không ngay từ quê hương. Họ có vẻ là những người di cư đến Mỹ tươm tất nhất từ trước đến nay, mặc dù không dấu được vẻ mệt mỏi và nghèo nàn sau bao nhiêu năm người chủ gia đình bị cầm giữ trong trại tù và gia đình bị đối xử không công bằng. Ông Nguyễn Xuân Mai đến Mỹ với hai người con còn lại, họ đoàn tụ với hai người con đến trước trong nước mắt tiếc thưong mẹ, vợ, em đã mất ngoài biển khơi.
Người tỵ nạn Việt Nam ở Hoa kỳ được cung cấp tiền ăn, tiền thuốc men và các khoản trợ cấp tài chính khác, không kể các trẻ em, những người lớn đi học lại đại học, hay nghề đều được tài trợ tiền học và một số tiền nhỏ đủ sống cho đến khi ra trường. Tuy vậy, hầu hết sau 3 năm, người Việt tỵ nạn đều không cần đến sư giúp đỡ tài chánh của nhà nước.
Theo phúc trình dân số năm 2010, người Việt tại Hoa Kỳ hiện có hơn 1,700,000 trên khắp 50 tiểu bang, đông nhất ở California và Texas . Họ hội tụ và lâp thành các cộng đồng riêng, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là để duy trì niềm tin và văn hóa Việt.

Lập nghiệp
Người Việt tỵ nạn dù được chính phủ giúp đỡ rất nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, qua các cơ quan xã hội, các hội thiện nguyện, từ thiện hay người bảo lãnh, họ cũng thường tự giải quyết nhiều vấn đề của họ. Thường họ cố gắng bắt liên lạc với các người đồng hương cùng trong một thành phố nơi họ ở, hoặc đến với bạn bè thân thuộc hay người họ hàng. Năm 1980 người Việt đã tự thành hình được hơn 100 cơ quan xã hội đễ giúp đỡ nhau. Các tổ chức phi lợi nhuận này hoạt động nhờ quỹ tài trợ của chính quyền tiểu bang. Họ giúp đỡ những ngươi mới sang tìm việc, tìm nhà ở, học tiếng Anh, lái xe.

Images intégrées 2
Một trong các chung cư, Housing, nơi giành cho những người có thu nhập thấp , tiền thuê nhà được chính phủ tài trợ một phần. Khoảng năm 1900-2100,  căn hộ hai phòng cho hai sinh viên tỵ nạn mới từ VN sang là 25 đô la / tháng.. ( Hình Quang Nguyên)
Phần lớn người trong đợt tị nạn đầu tiên là dân trí thức, đã từng có địa vị tốt trong xã hội và gần như chưa bao giờ phải làm việc nhọc nhằn. Trên xứ lạ, 85% trong số này phải chấp nhận nhưng công việc tay chân rất khó khăn đối với họ và với đồng lương ít ỏi. Một nửa số bà vợ đài các và con cái trên 16 tuổi từng được cưng chiều phải làm việc cực nhọc để phụ giúp gia đình. Với đồng lương khiêm tốn, nhiều gia đình phải cậy nhờ sự giúp đỡ tài chánh của nhà nước. Áp lực tài chính còn nặng nề hơn nữa khi có người nghĩ đến bổn phận phải trợ giúp những người thân còn ở lại Việt Nam. Bổn phận này đến nay đã 40 năm, nhiều người vẫn còn gánh chịu.
Sau khi chính phủ mở cửa cho người trong các trại tỵ nạn lần lượt vào Mỹ, dân tỵ nạn đến nhiều hơn, từ đây dẫn đến những kỳ thị của dân bản xứ. Đi cùng với thái độ khinh bỉ đám dân tỵ nạn lăn lưng làm các công việc mà người da trắng không thèm làm, nhiều người Mỹ phản đối dân tỵ nạn đã tước đoạt công việc của họ. Tại Galveston, Texas, nhóm KKK cáo buộc ngư dân Việt là Cộng Sản, đe dọa, khủng bố tinh thần và đốt thuyền bè của họ. Ngoài nhóm KKK kỳ thị, ngư dân Mỹ cũng từng đụng chạm, kiện cáo ngư dân Việt về việc đánh bắt hải sản trái phép.
Chỉ 5 năm sau ngày những người tỵ nạn đầy tiên đặt chân đến Mỹ, người Việt đã góp mặt trong nhiều ngành nghề như đầu bếp, xây dựng, giáo sư đại học, thương gia, nhân viên xã hội, chuyên viên máy tính, kỹ sư và kể cả tu sĩ.
Nhiều người chấp nhận làm các công việc lao động vất vả không đòi hỏi  trình độ học vấn tối thiểu hay tay nghề. Đối vớinhững người này, công việc người da trắng không muốn nhúng vào cũng vẫn tốt. Làm việc 8 giờ đồng hồ một ngày trong xưởng chế biến cá, tôm lạnh buốt, tanh nồng với lương 4 hay 5 đô la một giờ (khoảng năm 1976-1980) thật quá đủ. Những người như vậy được ghép vào thành phần có thu nhập thấp ở Mỹ. Để tiết kiệm, nhiều gia đình thuê chung nhau một căn nhà. Nơi các tiểu bang ấp áp, có khi họ thuê một căn garage để ở, họ đi làm chung xe, hay tận dụng các phương tiên di chuyển công cộng. Giới có thu nhập thấp được nhà nước lo  ăn học cho con cái, phụ cấp tiền bảo hiểm sức khỏe , tiền nhà cửa, đó là những nỗi lo lắng nhất cho tất cả người có thu nhập cao hơn. Đến nay, vẫn còn một số người giữ cung cách sống nghèo thế này dù con cái họ đã trưởng thành, đã có địa vi khá ngoài xã hội, đã có nhà cao cửa rộng riêng của chúng.
Nhìn chung, một gia đình mới đến, cha mẹ đều đi làm cả và con chưa trưởng thành có thể đủ tiền “down” mua nhà, mua xe trong vòng 2 năm sau khi đến Mỹ với hai bàn tay trắng.
Người Việt làm đủ thứ nghề trên đất Mỹ. Nhiều người là viên chức cao cấp, có mặt trong cả ba ngành hành pháp, tư pháp, lập pháp của tiểu bang hay liên bang, cũng không ít giáo sư đại học, chuyên viên hàng đầu, ngay cả tướng lãnh trong quân đội Hoa Kỳ. Tuy vậy, thống kê năm 2000 cho thấy, người Việt cùng với người Khmer, Lào, Hmong nằm trong nhóm làm những công việc có lương thấp, không ổn đinh và chỉ đòi hỏi một trình đô giáo dục tối thiểu.
Thống kê này cho thấy trong độ tuổi từ 25 đến 64:
17.8% người làm công việc lao động tay chân, nông trại.
37% thợ thuyền trong các cơ xưởng sản xuất.
Chỉ có 4.2% làm các công việc điều hành.
Cho đến 2004, các con số này thay đổi một cách ngoạn mục. Người Việt trong các vị trí điều hành, chuyên môn lên đến 29.2% so với 37.6% người Mỹ da trắng, và hoạt động dịch vụ là 24.6%
Lý giải những thua kém của người Việt so với các sắc dân thiểu số Á châu, nhiều người cho rằng các sắc dân như Trung quốc, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Nhật bản đã có mặt ở  Mỹ từ 300 năm trước và họ đến trong tư thế sẵn sàng để làm việc. Họ cũng đã từng làm những công việc nặng nhọc như nô lệ trong các đồn điền mía, đường xe lửa, với đầy đối xử bất công và với đồng lương mạt hạng, thậm chí có thời gian, như người Hoa chẳng hạn, bị cấm ra khỏi khu vực dành riêng cho họ, những khu vực này đến nay trở thành khu phố Tàu.
Cũng gần giống người Hoa và Đại Hàn, nhiều người Việt thích hành nghề tự do, buôn bán. Họ tận dụng kinh nghiệm cũ ở quê nhà và cùng người trong gia đình mở tiệm ăn, tạp hóa, thực phẩm. Làm nail trở thành như một nghề độc quyền của người Việt trên đất Mỹ. Đi đến đâu cũng thấy tiệm làm móng tay, móng chân, se lông mặt của người Việt, từ những thành phố hàng triệu dân như New-York, California, Dallas, Houston cho đến một thành phố vài ngàn dân như Carthage, Missouri. Từ Hawaii, cho đến vùng bắc cực Alaska đều có bóng dáng  Nail salon của người Việt. Người làm nail, vì nhiều lý do, có mức thu nhập rất cao. Có người làm chủ cả một hệ thống cửa tiệm, một số trong họ là triệu phú.

 Images intégrées 3

Images intégrées 4
 ( Hình Quang Nguyên)

Thu nhập bình quân mỗi gia đình Việt Nam hàng năm theo thống kê năm 2004 là 45.950 đôla cao hơn mức bình quân toàn quốc là 44.684 đôla. Nhưng trong đó cũng thấy mức nghèo nàn của cộng đồng người Việt là 14.0 % cho mọi lứa tuổi, hay nói cách khác có gần 200.000 người Việt còn sống nghèo trên xứ Mỹ.
Các chủng sinh Việt trong các chủng viện Công Giáo chiếm đến 12%. Ước chừng từ 400 đến 500 linh mục hiện đang giúp đỡ các cộng đồng giáo dân Mỹ, Việt. Trong tình trạng số linh mục Mỹ càng ngày càng giảm, sự lấp vào chỗ trống các vị lãnh đạo tinh thần trong các giáo xứ Mỹ bởi các giáo sỹ Việt Nam là một điều rất đáng kể. Có linh mục Việt Nam chăm sóc đến hai giáo xứ Mỹ  cách xa nhau cả hàng trăm dặm. Số nữ tu cũng tăng, ước tính khoảng 700-800 người. Bên cạnh đó có khoảng 650 Thày Sáu, những người có gia đình, qua một khóa huấn luyện lâu dài và khấn hứa trọn đời, được phong chức Phó tế, làm một phần công việc phụng vụ thay linh mục.
Nhiều chùa chiền đang phát triển, mới xây dựng, có tầm vóc  tu viện tôn nghiêm để phụng thờ, có những chùa rất lớn như Kim Sơn, California, ngược lại rất nhiều chùa được sửa chữa lại từ các nhà cũ. Không có số chính xác về các tu sĩ Phật Giáo tại Hoa Kỳ, nhưng các vị chân tu, nổi tiếng từ trước dần dần viên tịch, nhiều tăng, ni mới đến từ Việt Nam trụ trì các ngôi chùa mới. Họ không được kể là người tỵ nạn.

Và Tương Lai
Cộng đồng Việt tương đối trẻ trung trên đất Mỹ, nhưng có thể thấy trước một tương lai tốt đẹp.
Từ thế hệ thứ nhất, người Việt tỵ nạn đã mong muốn được mau chóng hội nhập xã hội Mỹ. Họ học tiếng Anh, học nghề để tăng thu nhập và muốn có quốc tịch Mỹ. Nhưng họ cũng muốn bảo vệ niềm tin, bản sắc, phong tục và giúp đỡ gia đình còn lại quê nhà. Những người lớn tuổi còn chậm chạp, mệt mỏi tiến vào xã hội Mỹ, đám trẻ thế hệ thứ hai nhanh chóng trở thành Mỹ con. Chúng không còn khiếp sợ các thày cô giáo như ở nhà, không còn bắt buộc phải học thuộc lòng, thụ động tuân theo thày cô, coi thày cô là người có toàn quyền quyết định, và phải tin hoàn toàn vào sách vở. Giáo dục Hoa Kỳ đòi hỏi học sinh phải tự suy nghĩ, sáng tạo và tự do, tự chủ. Bọn trẻ dễ dàng thích hợp với nền giáo dục này, chúng phát triển nhanh chóng hơn người lớn. Ngay cả một số tập quán của ông bà chúng cũng không còn giữ, chúng nhìn vào mắt người đối diện, cha mẹ, ông bà để thẳng thắn nói điều chúng nghĩ. Chúng không ngại ngần tranh luận với người lớn, thày cô nếu chúng nghĩ điều chúng tin đúng. Chúng vỗ vai, hay ôm ông bà, cha mẹ hay đơn giản chỉ giơ tay vẫy “Hi” để chào thay vì cúi đầu khoanh tay Chúng chọn nghề theo sở thích.
Điều đó hoàn toàn không có nghĩa chúng không còn là người Việt. Người Việt vốn trọng học vấn, hầu hết con cái họ được giáo dục đàng hoàng, việc lấy được bằng cử nhân hay cao hơn ở Mỹ không khó khăn lắm. Cơ hội tiến thân trong xã hội của con cái cao hơn và xa hơn cha mẹ, ông bà rất nhiều.
Trước kia, người ta lo ngại đám trẻ có thể không còn muốn hay khó có thể giữ bản sắc văn hóa dân tộc và niềm tin của người đi trước. Đến ngày nay, nhìn ra, họ đã thấy con cái họ vượt hơn họ rất nhiều về mọi mặt.

Images intégrées 5
Tết cổ truyền được giới trẻ tổ chức (Quang Nguyên)
Images intégrées 6
Lớp học Việt Ngữ với thày cô trẻ (Hình Quang Nguyên)

Các cộng đồng người Việt, các nhà thờ, chùa đều có  lớp học Việt ngữ và văn hóa Việt do các người trẻ phụ trách giảng dậy và điều hành. Học trò, các em thuần Việt, lai, hay có cả người ngoại quốc, học hàng tuần, chương trình kéo dài đến 10 năm, nhiều trung tâm lên đến 500 em. Những lễ hội do các người trẻ tổ chức có quy mô lớn hơn, phong phú hơn. Qua đó, phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực Việt Nam được giới thiệu rộng rãi với nhiều sắc dân bạn tham dự. Đám trẻ chiếm nhiều vị trí tốt trong xã hội. Thu nhập của họ cao gấp 2 – 3  hay đến 5 lần cha mẹ, cuộc sống của họ cũng không còn những lo âu tính toán phiền muộn. Họ đang tiến mạnh lên phía trước. Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đang tiến mạnh lên phía trước.
Tham Khảo:
A History of Multicultural America by William Loren Katz.
20 năm sau công cuộc định cư của người Việt Nam tị nạn tại Minnesota,
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)