Lê Dung
(SBTN)
Cuộc tranh luận về việc có dùng ngân sách để “xử lý nợ xấu” hay không có vẻ chưa ngã ngũ, nhưng lại đang dẫn đến một kết luận rất mơ hồ: “nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu”.
Kết luận trên được nêu ra trong một bản nghị quyết của quốc hội CSVN kỳ họp cuối năm 2016, hướng đến mục tiêu là giảm được nợ xấu về thực chất dưới 3%, tức là tỷ lệ này bao gồm cả phần đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Trước đó, tại Nghị quyết số 5 của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành ngày 1/11/2016, cũng đã “định hướng cho quốc hội” là sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng tại kỳ họp trên, quốc hội CSVN lại có một bản nghị quyết khác về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách Nhà nước để giải quyết nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Hiện chưa có dẫn giải cụ thể về điểm nội dung này trong các nghị quyết nói trên.
Dường như đang có một mâu thuẫn khó giải thích, và mang “mùi” nhóm lợi ích kim tiền giữa hai bản nghị quyết của cùng một quốc hội.
Cần nhắc lại, trước khi quốc hội bước vào kỳ họp trên, một chiến dịch vận động quyết liệt dùng ngân sách để “xử lý nợ xấu” đã được nhiều ngân hàng thương mại cùng nhóm lợi ích VAMC tổ chức. Một số chuyên gia ngân hàng và cả quan chức quốc hội đã đăng đàn để hô hào về “Có những nước phải mất đến 10-15% GDP để xử lý nợ xấu”, “Cứu ngân hàng cũng là cứu nền kinh tế”, “Có thể bố trí từ 5 ngàn tỷ đến 10 ngàn tỷ để xử lý nợ xấu”…
Trong khi đó, một số chuyên gia phản bác mạnh mẽ: dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu!
Cho tới nay, cách nói nước đôi của giới quan chức quốc hội càng cho thấy chỉ cần chính phủ có tiền sẽ được quốc hội duyệt chi để mua lại nợ xấu, bất chấp nguồn gốc tiền đó từ đóng thuế của hàng chục triệu người dân.
Tuy nhiên cùng với hiện tượng “chính phủ dũng cảm và sáng suốt dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận”, và quá nhiều tán thán kêu gào trong quốc hội về tình trạng ngân sách cực kỳ khó khăn, rất nhiều khả năng là ngân sách không còn bất cứ khoản kết dư nào để “xử lý nợ xấu”. Càng không thể nói đến chuyện tung ra vài ba tỷ USD ban đầu để làm dự án điện hạt nhân.
Do vậy, có thể hiểu rằng “Nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu” chỉ là một cách chơi chữ và có thể chẳng bao giờ được diễn giải nguồn lực đó là cái gì – trái phiếu, tín phiếu hay bản thân tỷ lệ an toàn bắt buộc tại ngân hàng, hay bằng tiền mặt…
Nợ xấu cũng bởi thế vẫn treo nguyên đó trên đầu nền kinh tế, hệt như “quả bom nước” ở các hồ thủy điện lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ…