Sổ Tay Thượng Dân K’ Tiên
Nếu chưa đọc hồi ký Lời Ai Điếu thì e khó mà biết được nỗi niềm mà Nguyên Ngọc (N.N) đã tâm sự với tác giả Lê Phú Khải về cuộc cách vô sản ở VN : “Chúng ta sai từ thời đại hội Tours”!
Giai thoại này – may thay – vừa được thi sĩ Thái Bá Tân thuật lại, một cách rất gẫy gọn, bằng những câu ngũ ngôn (quen thuộc) của ông :
Một nhóm mười trí thức
Được bà Nguyễn Thị Bình
Mời đến chơi, nói chuyện,
Kiểu thân mật gia đình.
Giữa chừng, bà chợt hỏi,
Không khỏi không bất ngờ:
Theo các anh, nói thật,
Ta sai từ bao giờ?
Hầu hết mọi người nói
Thưa chị, chúng ta sai
Từ Một Chín Năm Mốt,
Tức từ Đại Hội Hai,
Khi đảng quyết định lấy
Chủ nghĩa Mác – Lênin
Tư tưởng Mao Chủ Tịch
Làm đường lối của mình.
Còn Nguyên Ngọc thì nói,
Mọi người nghe, tưởng đùa:
Chúng ta sai, thưa chị,
Từ thời Đại Hội Tours!
Bà Bình không đồng ý.
Nhưng ngay sáng hôm sau
Tự đến tìm Nguyên Ngọc,
Rồi nói, vẻ buồn rầu:
Hôm qua chị không ngủ,
Nằm suy nghĩ suốt đêm,
Và buộc phải thừa nhận,
Chị đồng ý với em!
Tuy chị đã “suy nghĩ suốt đêm” và “đồng ý với em” như thế nhưng trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Xuân Hồng (BBC) vào hôm 13 tháng 10 năm 2008, bà Bình lại nói khác: “Tôi không có sai lầm gì hết. Con đường mình đi hoàn toàn đúng, chỉ có là một số việc mình đã có thể làm tốt hơn để đóng góp công việc chung.”
Tôi chưa bao giờ có chút kỳ vọng nào vào những chính khách tầm cỡ (cỡ) như Nguyễn Thị Bình nên chả thất vọng chi, và cũng không phiền trách gì, về thái độ (bất nhất) của họ. Thứ người cố đấm ăn xôi này thì ở đâu, và thời nào, cũng thế. Chả thế mà bà Bình có thể yên vị trên cái ghế Phó Chủ Tịch Nước đến cả chục năm (1992 – 2002) dù chỉ ngồi để làm cảnh chơi thôi, chứ có “đóng góp” được gì đâu!
Thế còn N.N?
Với cá nhân tôi, ông là người hoàn toàn đặc biệt và ngoại lệ: một nhà văn lớn được rất nhiều bạn đồng nghiệp/ bạn đọc nể trọng và ái mộ về tài năng cũng như tư cách. Trong cái đám đông độc giả vô danh này; riêng tôi, còn có sự kính mến cùng quí trọng (cách riêng) vì mối hảo cảm chứa chan mà ông vẫn luôn luôn dành cho đất và người miền núi :
– “Tôi yêu Hà Giang, Lũng Phìn, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Cán Tỷ, Mậu Duệ… là thơ chứ không phải đời thật.”
– “Các dân tộc Tây Nguyên đã cấy trồng trên đất đai núi rừng của mình một nền văn hóa lớn, cực kỳ độc đáo và đặc sắc, lâu đời và bền vững.”
Tôi sinh trưởng tại Cao Nguyên Lâm Viên nơi mà những sắc dân bản địa vẫn phải gánh chịu rất nhiều thua thiệt (về mọi mặt) chỉ vì chút thiên kiến, cùng đầu óc chủng tộc hẹp hòi (ethnocentric minds ) của nhiều kẻ ở miền xuôi. Họa hoằn mới có một vị thức giả ở tuốt luốt dưới miền duyên hải (xa xôi) nhưng vẫn nhìn nhận đám dân sơn cước chúng tôi là đồng bào thiệt – như N.N.
Bởi vậy, hỏi sao mà tôi không “kết” (và không “mết”) cái ông Già Làng Tây Nguyên này chớ!
Ấy vậy mà khi có dịp được gặp gỡ nhân vật mà mình ái mộ, tôi lại ứng xử rất vụng về nên đã làm hư bột/ hư đường (ráo trọi) cái cơ may hạn hữu này. Bữa đó, tôi lái xe một mạch suốt 6 tiếng từ Bắc xuống Nam – California.
Đến thành phố Wesminster, tôi chợt nhớ đến Hoàng Khởi Phong nên tắp vô nhà ổng luôn. Ai dè Nguyên Ngọc lại đang có mặt ở Hoa Kỳ, và cũng ở tại đó. Tôi mời hai ông anh đi ăn cơm tối, và cả hai đều vui vẻ nhận lời ngay.
Thay vì chạy lòng vòng, kiếm một tiệm ăn thanh lịch để đãi khách quí tự phương xa, tôi vì quá vã (suốt từ sáng tới đến chiều chưa được nhấp môi một giọt rượu hay giọt bia nào mà) nên tắp đại vào một cái quán nằm ngay trong khu Bolsa (Quán Bình Dân) ở góc đường Brookhurst và Mc Fadden.
Tôi đã tạt vô đây vào giấc trưa, với Nguyễn Nam An, mấy lần rồi. Đúng như tên gọi, quán bình dân thật (và bình dân lắm, hay nói cho đàng hoàng và rõ ràng hơn là khá bầy hầy) nhưng được cái là giá bia tương đối nhẹ nhàng và mọi món nhậu đều trên trung bình cả. Chỉ có điều không ngờ là tối cuối tuần nó lại đông đúc và ồn ào quá cỡ (thợ mộc) như vầy.
Chúng tôi “may mắn” còn kiếm được một cái bàn trống nhỏ xíu xiu trong góc. Tiệm chật, khách đông. Mặt ai cũng đỏ gay, và tất cả đều chửi thề tới tấp. Không khí sinh động và náo nhiệt đến độ mà ngay cả một người thường hay ăn to nói lớn (cỡ) như anh Hoàng Khởi Phong mà cũng phải tắt đài – ngồi im ru bà rù – chớ chả nói được tiếng nào sất cả, nửa tiếng cũng không!
N.N rất … cool, tuy hơi trầm lắng nhưng luôn nhỏ nhẹ và chả tỏ vẻ gì là khó chịu. Phần tui thì đâu cũng được, sao cũng OK, miễn là có tí “cồn” là ça va tout. Cho đến khi nhìn thấy ông nhà văn mà mình yêu quí trệu trạo nhai khúc dồi trường, rồi ngần ngại xêu thử vài cọng bún giả cầy thì tôi bắt đầu … vô cùng ân hận!
Cùng lúc, tôi mới chợt nhớ ra là dân Quảng (bất kể Quảng gì: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Tín ….) có mấy ai ưa tiết canh và lòng lợn? Nghe nói họ nhất định chỉ ăn đồ biển (tôm, cua, cá, mực, ghẹ, sò …) thôi hà. Mà Orange County thì có thiếu chi những nhà hàng trang nhã, lịch sự, ngon lành, chuyên trị cá bẩy món (hay lẫu hải sản) và tôi là cái thứ cơm hàng cháo chợ quanh năm, chớ nào có phải loại thường dân!
Từ chiều hôm đó, tôi cứ áy náy hoài về sự vô tâm/vô tính của mình cho mãi đến chiều nay. Nay, vừa có dịp được giãi bày nỗi lòng (xong) nên cũng cảm thấy đôi phần nhẹ nhõm. Ngoài “tâm sự” này, tôi lại còn chút xíu “tâm tư” nữa cũng xin phép được thưa luôn (N.N đã bước vào tuổi cửu tuần, và tôi cũng đã thất thập rồi) chớ để lâu nữa thì sợ rằng … không tiện!
Sau cái bữa ăn chiều lãng xẹt ở khu phố Bolsa, có hôm, tôi tình cờ đọc được đôi câu trong thiên hồi ký (“Những Ngày Lang Thang”) của N.N rồi cứ băn khoăn mãi: “Tôi thương Xuân Vũ. Anh ấy là một con người cực kỳ cảm tính, dễ cực đoan, dễ sai lầm, cả những sai lầm chết người, và là người ít gặp may trong đời.… Sau này trong chiến tranh chống Mỹ miền Nam Xuân Vũ đã rẽ đi một con đường khác. Tôi có nghe Nguyễn Quang Sáng kể lại chuyện ấy. Đáng giận, đáng buồn, và cũng đáng thương. Cũng là một cuộc đời!”
Ủa! Tại sao vậy kìa?
Sao Xuân Vũ “rẽ đi một con đường khác” lại là chuyện “đáng giận, đáng buồn, và cũng đáng thương” – hả Trời? Riêng về điểm này, quan niệm của N.N (xem ra) cũng chả khác chi với bà chị Nguyễn Thị Bình.
Trong cuộc phỏng vấn (thượng dẫn) với BBC, khi được hỏi “về hoạt động ‘ngoài luồng’ thời trẻ của mình với những người bất đồng chính kiến gần đây như luật sư Lê Thị Công Nhân,” bà Bình đã “nhấn mạnh” rằng: “Những việc làm của họ (những người đấu tranh chính trị) trong tình hình này không đem lại lợi ích cho đất nước.”
Như đã thưa, tôi không chấp với bà Nguyễn Thị Bình nhưng với N.N thì lại là chuyện khác. Cả hai đều nhận rằng mình đã sai ngay từ khi bước chân vào con đường cách mạng (vô sản) nhưng lại không chấp nhận một lựa chọn nào khác của tha nhân. Bà Bình chê ỏng, chê eo sự dấn thân và hy sinh của những người bất đồng chính kiến hiện nay là “không đem lại lợi ích cho đất nước.” Còn N.N thì chỉ “nghe Nguyễn Quang Sáng kể lại chuyện” của Xuân Vũ thôi mà đã buông một câu (e) hơi khinh bạc: “Cũng là một cuộc đời!”
Thế cuộc đời của Xuân Vũ ra sao?
Xin nghe qua đôi lời gan ruột của chính người trong cuộc: “Nỗi day dứt về quê hương và gia đình, cộng với những điều kỳ cục trong mấy năm dằng dặc trên đất Bắc làm cho tôi thấy mình đi lạc đường. Sống trong nước mình mà cứ tưởng nước ai. Do đó tôi quyết chí trốn về Nam, sống dưới gầm cầu cũng được.”
Sau khi “trốn về Nam,” Xuân Vũ gần như đã dành hết phần đời còn lại cho bút mực. Trang Văn Việt cho biết: “Tác phẩm của ông tổng cộng gồm 90 cuốn.” Trang Văn Hóa Việt Nam lại ghi nhận một con số khác: “Thư mục Xuân Vũ có ít nhất 60 tựa với 15000 trang giấy.” Sở dĩ có sự dị biệt này vì đôi khi Xuân Vũ viết trường thiên – nhiều tập – như Đường Đi Không Đến gồm 5 cuốn, với 5 cái tựa khác nhau.
Tôi không tin rằng N.N không hề để mắt đến “mười lăm ngàn trang giấy” này chỉ vì đó là những dòng chữ viết ngoài luồng (nơi những “vùng đất tạm chiếm”) nên không đáng được quan tâm. Chả những thế, tôi còn hy vọng rằng nay mai (có lúc) N.N sẽ đọc qua dăm ba tác phẩm của nhà văn Xuân Vũ, và sẽ viết lại đôi dòng – chín chắn hơn – về một người bạn văn (nay) đà khuất bóng!