VNTB – Nguyễn Phú Trọng phải từ chức để “chịu trách nhiệm người đứng đầu”

VNTB – Nguyễn Phú Trọng phải từ chức để “chịu trách nhiệm người đứng đầu”

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ đều đã phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể ngoại lệ

 

Những ngày qua có lẽ Nguyễn Phú Trọng là người buồn nhất trong cuộc thanh trừng của Tô Lâm khi mọi toan tính của ông Trọng trong việc “xây dựng đội ngũ kế thừa” đều bị Tô Lâm phá tan nát. Võ Văn Thưởng, người học trò được ông Trọng dày công vun đắp, cơ cấu từ một cán bộ đoàn lên chủ tịch nước, chỉ hơn một năm làm nguyên thủ quốc gia đã bị Tô Lâm hạ bệ không thương tiếc.

Chiều 26/4 Vương Đình Huệ đã được đảng chấp thuận cho thôi mọi chức vụ để được hạ cánh an toàn. Con đường tiến thân của ông Huệ rất giống Nguyễn Phú Trọng, khi ngồi vào ghế bí thư Hà Nội rồi lên chủ tịch quốc hội. Ông Trọng là người coi trọng học thức, rất muốn tìm người sĩ phu kế thừa xứng đáng ngôi vị của mình. Nên trình độ giáo sư tiến sĩ kinh tế của Vương Đình Huệ là một điểm cộng lớn để ông Trọng bàn giao lại ghế tổng bí thư.

Vậy mà, chỉ trong chưa đầy 6 tuần lễ, Tô Lâm đã quét sạch mọi sắp xếp của Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây, mọi vị trí trong hệ thống chính trị Việt Nam đều nằm trong bàn tay Tô Lâm. Tất cả đều trở thành con cờ tuỳ ý bộ trưởng bộ công an quyết định. Thân là tổng bí thư, đứng đầu đảng, mà không bảo vệ được thân tín của mình, thì mặt mũi nào nhìn thiên hạ. Dường như nỗi buồn khi mất quyền “chơi cờ” khiến ông Trọng không còn xuất hiện nhiều trong những cuộc họp công khai gần đây.

Thế nhưng, ông Trọng cần phải từ chức và chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới sai phạm hàng loạt trong thời gian qua thì mới đúng là nói được làm được và làm theo đúng quy định do chính ông Trọng và bộ sậu của ông đề ra.

Năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc phải từ chức sau khi hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam bị phát hiện liên quan tới tham nhũng. Ông Minh và ông Đam từng là phó thủ tướng thuộc cấp của ông Phúc trong giai đoạn ông này còn là thủ tướng đứng đầu chính phủ.

Năm nay, ông Võ Văn Thưởng cũng phải rời chính trường vì các sai phạm của cấp dưới liên quan tới vụ án tập đoàn Phúc Sơn. Việc hối lộ của tập đoàn này đã khiến hàng loạt lãnh đạo tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Quảng Ngãi phải vào tù. Trong đó, Vĩnh Long là quê ông Thưởng, Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm bí thư. Còn Vĩnh Phúc là nơi bà Hoàng Thị Thuý Lan, người tình tin đồn của ông Thưởng làm bí thư.

Bây giờ, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cũng buộc phải từ chức sau khi phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Huệ bị bắt do liên quan tới tập đoàn Thuận An.

Nói về đảng phái, cả ba chủ tịch này đều là đảng viên trong đảng do ông Trọng đứng đầu. Nói về vai trò trong bộ chính trị, cả ba ông này đều là cấp dưới trực tiếp của ông Trọng.

Căn cứ theo Điều 7, Quy định 41-QĐ/TW 2021:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Như vậy, khi Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ đều phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng buộc phải từ chức khi để xảy ra quá nhiều vụ tham nhũng trong 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư của mình. Không chỉ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, mà các chủ tịch, bí thư tỉnh, thành phố, các quan chức tham nhũng đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư. Tức ông Trọng là người đứng đầu đã để cho rất nhiều cấp dưới từ nhỏ tới lớn sai phạm nhưng chưa bao giờ chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Với tình thế hiện nay, cho dù ngồi lại ghế tổng bí thư tới cuối nhiệm kỳ thì ông Trọng cũng không còn thực quyền. Tổng bí thư chỉ là “cái lò”, bình phong cho Tô Lâm tha hồ lợi dụng để thanh trừng đối thủ. Đó là chưa kể tới tuổi già sức yếu đã không còn sức lực, phe cánh để tiếp tục canh bạc quân xanh quân đỏ. Cho nên ông tổng bí thư từ chức không chỉ là chuyện trách nhiệm của người đứng đầu, mà còn là cách ông Trọng có thể hạ cánh an toàn, vớt vát chút mặt mũi để có thể tận hưởng những ngày cuối đời an nhàn bên gia đình.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)