VNTB – Nguyễn Phúc tộc Việt Nam yêu cầu Hãng Millon hủy bỏ đấu giá hai cổ vật

VNTB – Nguyễn Phúc tộc Việt Nam yêu cầu Hãng Millon hủy bỏ đấu giá hai cổ vật

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Hai cổ vật được đấu giá  là bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.

 

Quốc bảo của Việt Nam bị rao bán đấu giá

Ngày 26-10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (Hoàng tộc nhà Nguyễn), đã ký văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên Hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường…. Chúng tôi cũng xin nhắc lại, chúng tôi đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của Việt Nam, đức vua Bảo Đại “được cho là” đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo.

Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào”, văn bản của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam viết.

Ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ được vua Minh Mạng cho đúc bằng vàng ròng vào năm 1823 là bảo vật truyền quốc được truyền qua các đời vua Nguyễn cho đến Bảo Đại. Nó sẽ được Millon đưa ra bán đấu giá vào ngày 31/10 tới tại Paris với giá khởi điểm là từ 2 đến 3 triệu euro, tương đương từ 48 đến 72 tỉ đồng tiền Việt Nam.

Chiếc ấn này đã được cựu hoàng Bảo Đại viết di chúc để lại cho người vợ sau cùng của ông là bà Monique Baudot sau khi ông qua đời vào năm 1997. Bà Baudot qua đời vào năm 2021. Một năm sau, chiếc kim ấn bị mang ra bán đấu giá.

Có thể đòi được qua góc nhìn của một tiến sĩ luật

Từ Mỹ, trong một lá thư đề địa chỉ 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội, người gửi là ông Cù Huy Hà Vũ, tự giới thiệu là tiến sĩ luật Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, gửi Nhà đấu giá Millon, đưa ra lập luận sau (trích):

“Ấn “Kim Bảo Tỷ” và kiếm “Khải Định Niên Chế” đã được Hoàng đế Bảo Đại giao lại cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ thoái vị. Như vậy, hai báu vật này đã trở thành tài sản của Nhà nước Việt Nam được đại diện bởi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các chính phủ kế nhiệm, trong đó có Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cựu hoàng Bảo Đại biết rõ điều đó, cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam” của ông là bằng chứng.

Vì vậy, việc Cựu Hoàng Bảo Đại chiếm hữu ấn và kiếm là không ngay tình. Do đó, Cựu Hoàng không có quyền sở hữu đối với ấn và kiếm. Điều này có nghĩa những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long không có quyền hợp pháp để bán hoặc chuyển nhượng hai báu vật này.

Điều 2276 của Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng, bất cứ ai đánh mất hoặc bị trộm một thứ gì đó đều có thể đòi lại.

Kể từ khi Luật số 2008-561 ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Pháp về cải cách thời hiệu dân sự có hiệu lực, vấn đề thời hạn sở hữu trong trường hợp chiếm hữu không ngay tình đối với động sản đã không được văn bản luật nào đề cập đến. Như vậy, khi chủ sở hữu có động sản bị đánh mất hay bị trộm mất mà đòi lại thì người chiếm hữu động sản không ngay tình phải trả lại động sản cho chủ sở hữu.

Theo các quy định trên của Bộ luật dân sự Pháp, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách chủ sở hữu ấn “Kim Bảo Tỷ” (金寶 璽) và kiếm “Khải Định Niên Chế” (啟 定 年 製), sẽ dành quyền khởi kiện những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long ra trước tòa án có thẩm quyền của Pháp để yêu cầu họ hoàn trả hai báu vật này cho Nhà nước Việt Nam” (dừng trích).

Có ít nhất hai công ước là căn cứ cho quốc bảo “quy cố quốc”

Cho đến hiện tại thì phía Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đang xem xét vụ việc trên từ các khía cạnh pháp lý là Công ước UNESCO về cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa.

Người viết cho rằng ở đây vụ việc có thể xem xét theo nội dung Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép. Theo đó có thể vận dụng Điều 4 của Công ước này để “quy cố quốc” hai cổ vật trên:

“Người sở hữu một hiện vật văn hóa bị lấy trộm khi trả lại sẽ được quyền yêu cầu bồi thường hợp lý, miễn là người sở hữu này không biết rằng vật đó đã bị lấy trộm, và có thể chứng minh được rằng người đó có được hiện vật này một cách tình cờ và vô tư.

Nếu không tổn hại tới quyền lợi của người sở hữu theo như mục trên, việc đền bù cũng có thể áp dụng cho người đã chuyển nhượng hiện vật văn hóa này cho người sở hữu, hoặc một người chuyển nhượng trước đó và phù hợp với luật pháp của nước nhận được yêu cầu.

Theo yêu cầu, người sở hữu sẽ nhận được đền bù từ người lập yêu cầu, và khoản đền bù này có thể đến từ bất kỳ nguồn nào là quyền của người lập yêu cầu.

Khi xem xét liệu người sở hữu có được hiện vật một cách vô tư hay không, hoàn cảnh có được hiện vật đó có thể là căn cứ để xem xét, bao gồm đặc điểm của hai bên mua bán (trao đổi), giá đã thanh toán, liệu người sở hữu có tham khảo bất cứ giấy đăng ký hợp lý nào của tài sản bị lấy trộm hay không, hoặc người sử hữu có nhận được bất kỳ thông tin hay tư liệu nào có liên quan và liệu người sở hữu có tham khảo các cơ quan có liên quan hay có bất kỳ hành động nào mà một người bình thường sẽ làm trong hoàn cảnh đó hay không.

Người sở hữu sẽ không được xét ưu tiên hơn người mà trao cho ông ta tài sản văn hóa dưới hình thức thừa kế hay biếu tặng”.

Có tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán ở Pháp làm việc trực tiếp Millon để xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của cổ vật, yêu cầu họ ngừng đấu giá vào thăm dò khả năng họ cho Việt Nam mua lại với giá thấp hơn.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)