Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và những lỗ hổng

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Đảng viên cấp cao thường bị kỷ luật vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”

 

Ở các bản thông cáo báo chí mỗi khi dự tính “trảm” ai đó của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thường có câu: “Ban cán sự Đảng và một số cá nhân lãnh đạo đã vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ”, gây ảnh hưởng đến thực hiện chính sách cũng như uy tín chính trị của cơ quan Nhà nước…” . Một câu hỏi đặt ra: Thế nào là “tập trung dân chủ”, và vì sao vi phạm nguyên tắc này lại có vẻ phổ biến đến vậy?

Theo Quy định số 29-QĐ/TW, ban hành ngày 25-7-20216 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về “Thi hành Điều lệ Đảng”, tại “Điều 9: Một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”, ghi:

“9.1- Về quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng

a) Căn cứ vào Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy phải xây dựng quy chế làm việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao. Tổ chức đảng có trách nhiệm báo cáo với tổ chức đảng cấp trên và thông báo cho tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp biết quy chế làm việc của mình.

b) Khi xét thấy cần thiết, cấp ủy cấp trên ban hành quy chế phối hợp hoạt động, công tác của các cấp ủy hoặc tổ chức đảng cấp dưới có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

c) Ban tổ chức cấp ủy cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn cấp ủy và tổ chức đảng cấp dưới xây dựng quy chế làm việc.

9.2- (Khoản 3): Về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình

a) Hằng năm, gắn với tổng kết công tác năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

b) Cuối nhiệm kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy viên các cấp, ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương và của cấp ủy các cấp phải tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội.

Việc kiểm điểm thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị và bảo đảm yêu cầu sau:

– Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy cấp dưới trực tiếp, của đảng đoàn, ban cán sự đảng và của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp, phải có ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

– Báo cáo kiểm điểm của đảng đoàn, ban cán sự đảng, ủy ban kiểm tra và lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể phải lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, đảng ủy cơ quan và của cấp ủy cùng cấp.

– Cấp ủy cấp trên gợi ý cho cá nhân và tập thể cấp ủy của cơ quan, tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp những nội dung cần làm rõ khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình:

  • Đối với cá nhân cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, ủy viên ủy ban kiểm tra phải đi sâu kiểm điểm về trách nhiệm chính trị, mức độ phấn đấu hoàn thành công việc được giao và những vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân; về giữ gìn phẩm chất cá nhân (tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu).
  • Đối với tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng phải kiểm điểm về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên; việc đề ra và kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn, kết luận của cấp mình; về xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; về xây dựng nội bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; về quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai… và các lĩnh vực có liên quan; về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thường trực cấp ủy cấp trên có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, chọn lọc các vấn đề để đưa xuống các tổ chức đảng, cấp ủy cấp dưới gợi ý cho tập thể và cá nhân tự phê bình và phê bình.

– Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, ban chấp hành các đoàn thể chính trị – xã hội, hội đồng nhân dân cùng cấp, phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến xây dựng Đảng của nhân dân.

9.3- (Khoản 5): Quy định “Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành” được cụ thể hóa như sau:

a) Số thành viên của đại hội đại biểu là tổng số đại biểu chính thức được triệu tập có đủ tư cách dự đại hội (trừ số cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội, đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội không có đại biểu dự khuyết thay thế).

b) Số thành viên của đại hội đảng viên, hội nghị đảng viên là tổng số đảng viên chính thức trong đảng bộ, chi bộ được triệu tập (trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác và đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, hội nghị đảng viên, tham gia bầu cử, biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý).

c) Số thành viên của hội nghị ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra là tổng số cấp ủy viên đương nhiệm của ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy, ủy viên ủy ban kiểm tra đương nhiệm (trừ số thành viên đã chuyển sinh hoạt đảng tạm thời không có mặt tại hội nghị, số thành viên đang bị đình chỉ sinh hoạt, bị khởi tố, truy tố, tạm giam).

d) Trường hợp kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức, xóa tên đảng viên, khai trừ đảng viên thì phải được ít nhất hai phần ba số thành viên của tổ chức đảng nhất trí đề nghị và được cấp ủy cấp trên có thẩm quyền quyết định với sự nhất trí của trên một nửa số thành viên.

đ) Trường hợp giải tán tổ chức đảng thì phải được ít nhất hai phần ba số thành viên cấp ủy cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp ủy cấp trên cách một cấp quyết định với sự đồng ý của trên một nửa số thành viên”.

Như vậy, thoạt nhìn có thể thấy khía cạnh “tập trung” thể hiện qua hệ thống quyền lực trong đảng được tổ chức theo trật tự thứ bậc, với thiết chế quyền lực cao nhất là Đại hội Đảng toàn quốc, giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành Trung ương. Tổ chức đảng cấp dưới phải chấp hành các quyết định của tổ chức đảng cấp trên, tổ chức đảng cấp trên có thể xem xét, thay đổi quyết định của tổ chức đảng cấp dưới. Cùng với đó, cá nhân phải phục tùng tổ chức, đảng viên và tổ chức đảng phải chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết.

Thế nhưng với những yêu cầu và đặc điểm nêu trên, nguy cơ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ xảy ra khi cá nhân đứng đầu hoặc nhóm thiểu số có thể thường xuyên lấn át, áp đặt ý chí đối với tập thể thành viên ban lãnh đạo.

Khả năng thứ hai là việc thảo luận các vấn đề lãnh đạo được thực hiện qua loa, hình thức, để rồi biểu quyết theo ý định có sẵn. Khả năng thứ ba là những ý kiến thuộc về thiểu số bị loại bỏ, hoặc ngăn chặn cả quyền phát biểu cũng như quyền báo cáo lên cơ quan lãnh đạo cấp trên. Khả năng thứ tư là sự hình thành một nhóm đa số bền vững, có thể thường xuyên chi phối các quyết định lãnh đạo, kể cả quyết định sai trái.

Nhìn qua mỗi đợt “thông báo kỷ luật” các đảng viên lãnh đạo từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho thấy rõ bốn vấn đề trên. Đó là chưa nói đến liệu chính các vị trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương có độ “chí công vô tư” đến đâu trong “cầm cân nảy mực”?


Tin bài liên quan:

VNTB – Một đề nghị cũ nhưng vẫn thời sự: dân chủ ngay trong lá phiếu của đảng viên

Phan Thanh Hung

VNTB – Học trò vô lễ còn là trách nhiệm chính trị của Hội đồng Đội

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đảng tiếp tục… ‘điểm danh’

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo