Lê Thiếu Nhơn – Hồng Dân
(VNTB) – Nếu muốn ngó qua hàng xóm thì chỉ được khen hoa thơm cỏ lạ, không được nhắc mái xiêu hay tường đổ.
Khốn khó ngay từ cái “tôn chỉ mục đích”
Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trong số 4 đơn vị được thanh tra, thì Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM có 7 nhân sự (6 người có thẻ nhà báo, 5 người là đảng viên).
Sở Văn hóa Thông tin Cần Thơ nhận xét: Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM đã viết, đăng tải tin, bài, liên quan về Cần Thơ và các địa phương khác, trên trang chủ tên miền “plo.vn”, là không đúng theo Giấy phép hoạt động báo chí số 636/GP-BTTTT ngày 28/12/2020 mà Bộ TTTT đã cấp cho báo Pháp Luật TP.HCM.
Ối cha, chuyện khó thế mà không ai nghĩ ra, chuyện phức tạp thế mà không ai để ý.
Theo tôn chỉ mục đích thì báo Pháp Luật TP.HCM có nhiệm vụ phản ánh hoạt động của sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của TP.HCM trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và thi hành pháp luật.
Suy ra: báo Pháp Luật TP.HCM không được khuyến khích phản ánh hoạt động của Cần Thơ và các địa phương khác.
Đối tượng phục vụ được xác định của báo Pháp Luật TP.HCM là “cán bộ, nhân dân TP.HCM và bạn đọc quan tâm”. Khái niệm “bạn đọc quan tâm” chưa chắc đã gồm cán bộ, nhân dân Cần Thơ và các địa phương khác.
Bây giờ Bộ Thông tin Truyền thông đã phân quyền quản lý cho các Sở Thông tin Truyền thông, cho nên kết luận thanh tra của Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Từ kết luận thanh tra của Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ, giới làm báo cũng hơi ái ngại. Liệu các báo uy tín của TP.HCM như Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động… có nên tiếp tục duy trì văn phòng đại diện ở một số đô thị lớn không?
Bởi lẽ, nếu căn cứ giấy phép hoạt động thì nhà ai nấy ở, báo chí không được đi lung tung. Mô hình báo chí quốc gia sẽ phải tuân thủ như mô hình báo chí cấp tỉnh, nghĩa là đài phát thanh huyện Cờ Đỏ không được tác nghiệp ở huyện Phong Điền hay huyện Thới Lai, bản tin của quận Ninh Kiều không được đưa tin về quận Cái Răng hay quận Bình Thủy.
Nhà ai nấy ở, không được đi lung tung. Nếu muốn ngó qua hàng xóm thì chỉ được khen hoa thơm cỏ lạ, không được nhắc mái xiêu hay tường đổ.
Nhớ đấy, hỡi các nhà báo đang thời khốn khó ơi! Hãy nhớ kỹ vào, nhớ khắc cốt ghi tâm, nhớ lúc tỉnh lẫn lúc say, nhớ lúc thức lẫn lúc ngủ. Cứ nắc nỏm anh hai Ô Môn phong độ hay trầm trồ chị ba Thốt Nốt xinh tươi, thì chắn chắn không ai bắt bẻ gì đâu. (*)
Báo Đảng là vô đối
Báo Pháp Luật TP.HCM có cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy nếu đem so với báo Cần Thơ chẳng hạn, thì “quyền lực” của Pháp Luật TP.HCM thua xa, vì chủ quản của báo Cần Thơ là Tỉnh ủy Cần Thơ.
Thậm chí khi viện dẫn Điều 4, Hiến pháp thì quyền lực của Đảng là bao trùm và duy nhất. Lẽ ấy nên cấp ủy ban – dù là ủy ban của thành phố Hồ Chí Minh cũng phải ngồi chiếu dưới trên mâm tiệc quyền lực này.
Rõ ràng là ngay từ lúc còn quyền uy, các ngài Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cả Nguyễn Xuân Phúc đã lường trước sẽ có ngày xảy ra như vụ ở Cần Thơ mà nhà báo Lê Thiếu Nhơn đã nói ở trên, qua đó chính các ngài đưa ra ý tưởng soạn thảo rồi ban hành việc quy hoạch báo chí.
Theo đó đã “gom bi” nhiều tòa soạn lại với nhau và cơ quan chủ quản cũng giới hạn hơn, khi các nhật báo ở thành phố lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh chia nhau hai chủ quản là Thành ủy TP.HCM, và Ủy ban nhân dân TP.HCM – riêng tờ Tuổi Trẻ thì vẫn trong thời gian cầm cự do chủ quản được gọi là “cánh tay mặt” của Đảng (?!).
Theo một luật sư đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo thì nếu tin về kết luận thanh tra của Sở Thông tin truyền thông Cần Thơ là đúng như nội dung mà nhà báo Lê Thiếu Nhơn lên tiếng, thì ở đây nhà chức trách Cần Thơ có dấu hiệu vi phạm Luật báo chí. Theo đó tại Điều 9.11 nêu hành vi bị cấm là “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng”.
Ai sẽ xử Cần Thơ?