VNTB – Nhà chức trách thờ ơ với nhà khoa học

VNTB – Nhà chức trách thờ ơ với nhà khoa học

Hiền Vương

(VNTB) – Nhiều người dân xứ biển Bình Thuận đã phải đi tù do quá uất ức, họ đành phải ‘tạm chiếm’ quốc lộ để biểu tình phản đối nhà máy nhiệt điện than đang hủy diệt môi trường sống của cư dân địa phương.

Ngày 6-7-2020, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã giao Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh phối hợp sở ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện các nội dung của Bộ Tài nguyên – môi trường về khắc phục, kiểm soát bụi phát sinh tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy bụi, tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh ở thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Cụ thể, thông số bụi vượt 1,19 – 1,63 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng không khí xung quanh. Còn tiếng ồn vào ban đêm của các nhà máy vượt khoảng 1,05 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tháng 4 năm 2015, việc vận chuyển tro xỉ không có biện pháp che đậy cùng với tình hình thời tiết gió mạnh đã gây ra ô nhiễm tro bụi than ở xã Vĩnh Tân và các xã lân cận. Trước tình hình đó, người dân xã Vĩnh Tân đã biểu tình chặn đường quốc lộ 1A để yêu cầu nhà máy xử lý dứt điểm vấn đề. Rất nhiều người dân sau đó đã phải đi tù về tội hình sự.

Trước đó, vào tháng 9-2014, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã lập một đoàn kiểm tra hiện trạng ô nhiễm môi trường tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Chính quyền của huyện Tuy Phong cũng cũng lập một đoàn kiểm tra vào tháng 1-2015.

Phía Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận đã 3 lần tổ chức kiểm tra, gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay việc phát khí thải, bụi chưa qua xử lý ra môi trường và thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Đồng thời gửi công văn kiến nghị Tổng cục Môi trường kiểm tra, xử lý theo quy định.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận, trong quá trình hoat động của nhà máy thời điểm tháng 9-2014, người dân thường xuyên phản ánh tình trạng phát sinh khí từ ống khói (chiều cao ống khói 210m, đường kính ống khói 7m). Ngoài ra, bãi xỉ tại đây tiếp nhận tro, xỉ phát sinh hàng ngày khoảng 1.500-2.000 tấn/ 1 tổ máy (đã đưa vào vận hành 2 tổ máy). Bãi xỉ có diện tích 64,7 ha thì đã đổ xỉ vào chiếm 15ha.

Những diễn biến kể trên không gây bất ngờ, vì trước đó các nhà khoa học khi phản biện dự án nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư ở ven biển Tuy Phong, đã đưa ra hàng loạt khuyến cáo về khả năng hủy diệt môi trường từ công nghệ nhiệt điện than Trung Quốc.

Ngoài lo lắng yếu tố liên quan an ninh quốc gia ở trục đường hàng hải miền Trung, từ các chuyến tàu biển chuyên chở nguyên liệu than của Trung Quốc ở cụm nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân, thì có rất nhiều lo lắng khác cho việc sức khỏe cư dân biển khu vực Tuy Phong sẽ đối mặt nhiều bệnh tật từ cụm nhà máy nhiệt điện than này.

Quá trình đốt than để sản xuất điện sẽ sản sinh ra nhiều chất khí ô nhiễm gồm sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2) các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ. Ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra có thể dẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch cho đến các bệnh mạch não.

Các vi hạt rắn tỏa ra từ nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nguồn của vi hạt chủ yếu là từ tro bay (fly ash), tức bụi thải thoát ra từ quá trình đốt than đá. Tro bay là loại vật chất không thể đốt chất. Các vi hạt tro bay gây ra dị ứng và tắc nghẽn ở các đường dẫn khí của phổi ở những người hít phải chúng, dẫn đến các bệnh hen suyễn và viêm phế quản mãn tính… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phơi nhiễm các vi hạt sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh tim, bệnh đường hô hấp và ung thư phổi.

Nhiều kim loại nặng thoát ra trong quá trình đốt than cũng là các chất độc hại với môi trường và hệ sinh thái gồm chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín cũng như các đồng vị phóng xạ.

Ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cho rằng điện than nếu được tính toán một cách đầy đủ về những tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế, thì sẽ không còn rẻ so với các loại điện khác. Chẳng hạn, những tác động như làm giảm năng suất cây trồng vật nuôi, sụt giảm nguồn thu từ du lịch và nhiều ngành kinh tế khác là những thiệt hại rất lớn và nếu được tính toán vào giá thành, thì điện than sẽ không hề rẻ.

“Đặc biệt, những hạt bụi phát tán từ nhiệt điện than có kích thước siêu nhỏ, mắt thường không nhìn thấy khi hít vào trong phổi, thì không có cách gì lấy ra được, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”, ông Tuấn cho biết.

Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) làm phép toán so sánh: giá điện than hiện độ khoảng 7,5 xu Mỹ/kWh. Nếu tính thêm những chi phí tác động về môi trường, xã hội và về kinh tế, thì mỗi kWh điện tốn thêm độ khoảng 5 xu Mỹ, tức giá điện than sẽ lên độ khoảng 12,5 xu Mỹ/kWh, trong khi đó, điện mặt trời khoảng 9,35 xu Mỹ.

Hiện tại giải pháp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là chính quyền tỉnh Bình Thuận, “Cần sớm xem xét việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để tạo hành lang an toàn môi trường. Sau khi hoàn thành việc di dời dân cư, địa phương tiến hành cải tạo thành khu vực cây xanh cảnh quan để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn phát sinh”.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận gồm 5 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Đây là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam hiện nay, với công nghệ chuyển giao của Trung Quốc, cung cấp điện cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Người lao động Trung Quốc làm việc rất đông ở các nhà máy nhiệt điện than tại Vĩnh Tân.

Những gia đình cố cựu ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong nói rằng ban ngày tới khu vực xứ biển nhìn bằng mắt thường không thấy bụi ô nhiễm chi hết. Hãy thử ở lại đây, và hãy phơi chiếc áo sơ mi trắng ngoài sào ở sân vườn nơi này qua đêm. Sáng dậy, người ta sẽ thấy chiếc áo bị phủ lớp bụi đen rất khó giải thích…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)