(VNTB) – Những thông tin dưới đây là do Nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội cung cấp, dựa theo cuộc nói chuyện qua điện thoại lúc 8g00 tối hôm thứ hai 29/6/2015 do chị Trần Thị An (vợ anh Lê Thanh Tùng) và lúc 12g00 đêm do chính anh Lê Thanh Tùng gọi cho anh Nguyễn Khắc Toàn báo tin.
Nhà tranh dân chủ Lê Thanh Tùng đã được nhà cầm quyền CSVN thả tù và trả về địa phương. Vào lúc 2g00 chiều ngày thứ hai 29/6/2015 giờ Hà nội, Anh đã được công an Tổng Cục An ninh, công an Hà Nội và công an trại giam Yên Bình, Thanh Hóa đưa về tới thị trấn Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, nơi gia đình anh sinh sống, cách Hà Nội 32 cây số. Các lực lượng công an trên đã làm thủ tục bàn giao anh Lê Thanh Tùng cho nhà cầm quyền cộng sản tại địa phương để họ thực hiện án quản chế 3 năm đối với anh.
Anh Lê Thanh Tùng đã bị xử án cách đây 3 năm rưỡi. Tòa án sơ thẩm tại Hà Nội ngày 10/8/2012 đã kết án anh 5 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Nhưng tòa phúc thẩm ngày 28/11/2012 đã giảm án xuống còn 4 năm tù và 3 năm quản chế. Trong cả hai phiên tòa, tòa án không hề cho luật sư hoặc người bào chữa tham gia phiên tòa vốn chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ.
Anh Tùng đã thi hành án tù tại trại tù Yên Bình, tỉnh Thanh Hóa, cùng trại tù nhưng khác phòng giam với Luật gia Cù Huy Hà Vũ. Trong thời gian 3 năm rưỡi tù, Lê Thanh Tùng tỏ ra rất bất khuất, không bao giờ chịu nhận tội, vì thế anh đã nhiều lần trong nhiều tháng bị kỷ luật, bị biệt giam và bị cùm chân. Trong trại tù, anh cũng đã từ tuyệt thực nhiều đợt để đòi cải thiện chế độ lao tù, chống ngược đãi tù nhân chính trị và hình sự, .
Đặc biệt, trong thời gian bị cầm tù, bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến, anh Tùng đã thành lập được một chi bộ đảng của Việt Nam Thống Nhất Đảng (Vietnam Unity Party), một đảng chính trị đấu tranh cho tự do dân chủ. Đây là một việc làm táo bạo và độc đáo của anh ở trong tù. Anh cho rằng tù ngục cộng sản là địa ngục trần gian, là sào huyệt của công an, là nơi tận cùng đau khổ, nên đã vào đây thì không còn sợ hãi gì nữa. Với suy nghĩ như thế, anh đã mạnh dạn lập chi bộ đảng đấu tranh dân chủ ngay trong sào huyệt này của công an.
Ngày 29/6, anh Lê Thanh Tùng đã được nhà cầm quyền CSVN áp giải về địa phương để thực hiện án quản chế trước thời hạn 5 tháng. Đúng ra, anh phải ở tù tới 1/12/2015 mới trọn 4 năm theo bản án. Với trường hợp Lê Thanh Tùng, một người đấu tranh can trường và bất khuất, đã từng bị kỷ luật nhiều lần vì không nhận tội, lại còn tranh đấu chống đối, đòi cải thiện chế độ lao tù, việc thả anh Lê Thanh Tùng trước thời hạn là một chuyện bình thường không bao giờ xảy ra. Một số người bình luận cho rằng việc thả anh Lê Thanh Tùng trước thời hạn chắc hẳn là do nhà cầm quyền CSVN muốn dọn đường và làm đẹp mặt cho Nguyễn Phú Trọng để ông qua Hoa Kỳ gặp Tổng thống Obama vào tháng 7 năm nay. Theo dự đoán của những người bình luận trên, do áp lực rất nặng nề của quốc tế và do muốn tranh thủ vào TPP, chắc chắn CSVN sẽ còn phải thả tiếp một số tù nhân chính trị nổi tiếng nữa: chẳng hạn như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nhà báo Tạ Phong Tần, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, v.v… Chúng ta thử chờ xem.
Trong lúc đoàn công an nói trên bàn giao anh Tùng cho công an huyện Sóc Sơn, họ đã ép buộc anh Tùng phải ký giấy cam kết chấp hành nghiêm chỉnh lệnh quản chế tại địa phương, từ bỏ những hoạt động chống đối nhà nước, nhưng anh Tùng đã cương quyết từ chối, không chấp nhận cam kết hay ký kết bất cứ điều gì với nhà cầm quyền CSVN. Anh tuyên bố, nếu nhà cầm quyền chấp nhận như vậy thì anh mới chịu trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Còn nếu họ không chấp nhận sự cương quyết đó thì anh sẵn sàng để công an chở anh về lại trại giam Thanh Hóa cho đến hết hạn 4 năm tù. Công an thuyết phục anh Tùng mãi không được, nên cuộc bàn giao này kéo dài từ 2g00 chiều đến hơn 8g00 tối anh mới được ra khỏi trụ sở công an để về với gia đình.
Trong cuộc bàn giao này, công an Hà Nội đã tụ tập ở trụ sở công an này rất đông, khiến anh Tùng phải hỏi “tại sao các anh lại đón tiếp tôi cách long trọng thế này?”, thì một vài người trả lời cách mỉa mai và hài hước rằng “đây là cuộc đón tiếp nhà đấu tranh Lê Ái Quốc mà!”
Anh Tùng cho biết trước khi thả tù một vài tháng, Tổng cục an ninh của công an Việt Nam đã đến trại tù để yêu cầu anh viết đơn xin khoan hồng, nhưng anh Tùng nhất quyết từ chối.
Trong quá khứ, anh Lê Thanh Tùng đã tham gia đấu tranh ở Campuchia, tham gia cả đảng Nhân Dân Hành Động. Sau khi về nước, anh Tùng đã tham gia làm thành viên Khối 8406 từ tháng 9/2007.
Tuy không phải là trí thức khoa bảng, nhưng anh Tùng là một nhà đấu tranh rất can đảm và bất khuất, với khoảng 200 bài viết bao gồm những bài đấu tranh dân chủ và những đơn từ khiếu nại do anh soạn thảo giúp các dân oan bị cướp đất được phổ biến trên mạng Internet, bất chấp bị công an thường xuyên xách nhiễu, thẩm vấn, đe dọa đủ kiểu. Anh cũng thường đi khắp nơi để liên hệ, móc nối với các nhà đấu tranh dân chủ khác như Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Dương Văn Nam, v.v…
Anh Lê Thanh Tùng cũng nhờ anh Toàn chuyển lời cảm ơn chân thành đến nhiều người Việt cả trong và ngoài nước, vì trong thời gian anh ở tù, anh đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của họ.