Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước bán tài sản thu tiền được gọi là thoái vốn?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Họ bán cảng Quy Nhơn, bán tập đoàn sữa Vinamilk, bán công ty Bia Sài Gòn… Họ bán tất tần tật, nhưng họ không nói bán mà chỉ nói thoái vốn thôi…

 

Họ nhân danh “Nhà nước” tự cho mình cái quyền “thoái vốn” như thế.

Thoái vốn có tên tiếng Anh là “Divestment”, là việc giảm một số loại tài sản do chính chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư thực hiện, nhằm phù hợp các mục tiêu chính trị, tài chính, đạo đức,… Thoái vốn có thể là một phần chiến lược cơ cấu công ty, do áp lực xã hội hay nghị sự chính trị, hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cần tiền xoay xở nên bán thôi?

Thoái vốn không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp, tổ chức mà nhà nước cũng thoái vốn. Vậy thoái vốn nhà nước là gì?

Thoái vốn nhà nước là việc làm của chính phủ hoặc tổ chức nhà nước nhằm bán hoặc thanh lý công ty con, tài sản, giảm chi phí vốn,… Thoái vốn nhà nước nhằm tạo điều kiện phân bổ lại nguồn lực cho các khu vực sản xuất hiệu quả hơn trong một tổ chức, hoặc dự án do chính phủ tài trợ. Như vậy, đây là hiện tượng kinh tế hết sức bình thường, và cũng có thể là bất bình thường.

Khúc mắc nằm ở cả quy định, quy trình thoái vốn thiếu rõ ràng.

Câu chuyện về thoái vốn nhà nước ở công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), được biết đến như sau: Năm 2014, vốn nhà nước ở PTI chiến hơn 50%, trong đó 36% thuộc về VNPost. Năm 2015, công ty xác định cần phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, để cải thiện năng lực cạnh tranh, nắm giữ vị trí cao hơn trong thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Công ty bảo hiểm DB đến từ Hàn Quốc (DB Insurance) đã trở thành một trong 3 cổ đông chính của PTI, với tỷ lệ sở hữu 37,32%. Nhờ mối liên kết này, PTI đã vươn lên vị trí số 3 về thị phần bảo hiểm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, PTI lại gặp phải vấn đề về tăng vốn.

Số là kể từ sau lần phát hành cổ phiếu đơn lẻ cho DB Insurance đến nay, PTI giữ nguyên mức vốn điều lệ là 804 tỷ đồng, tỷ lệ vốn do cổ đông nhà nước giảm còn 35%, trong khi thị trường bảo hiểm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhưng nếu tăng vốn, VNPost sẽ không được tham gia theo hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, vì đang xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn khỏi PTI trong năm 2020. Đây là lý do, tháng 6-2020, Đại hội cổ đông PTI đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài tại PTI từ 49% lên 100%. Và việc chờ đợi của PTI bắt đầu khi đề xuất được gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Tháng 7-2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản thông báo đã báo cáo Bộ Tài chính xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ có bao gồm bảo hiểm sức khỏe. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời” – ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI, cho biết.

Thu nhiều tiền ngay trước mắt, hay cần chiến lược phát triển ổn định?

PTI không phải là doanh nghiệp duy nhất chờ đợi. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC cũng đang đợi câu trả lời tương tự.

“SCIC đang tổ chức thoái vốn tại một số doanh nghiệp bảo hiểm. 2 năm trước, chúng tôi đã gửi văn bản hỏi cơ quan chức năng rằng, với lĩnh vực bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài được mở đến đâu. Nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các cơ quan chức năng cả trong ngành, ngoài ngành, nhưng vẫn chưa có câu trả lời về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm. Chỉ cần câu trả lời là 49% hay 100%, chúng tôi sẽ làm đúng như vậy”, ông Lai nhấn mạnh.

Mấu chốt nằm ở chỗ, theo ông Lai, SCIC cần một văn bản trả lời chính xác tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì mới thực hiện được các kế hoạch thoái vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lý do chính cản trở sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới các đợt thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp chúng tôi nói rằng, họ cần thấy các quy định và cả quy trình rõ ràng, thuận lợi, nhất là với các các thương vụ tỷ đô. Ở góc độ này, có vẻ như chúng ta chưa đặt trọng yêu cầu tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp”, ông Lai thẳng thắn.

Hiện tại, các phương thức thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được thực hiện theo trình tự 3 bước: đấu giá; đấu giá không thành công thì chào giá cạnh tranh; không được mới đi đến thỏa thuận. Với các cách này, nhà đầu tư nước ngoài dù có thể phải bỏ vài tỷ USD cũng không có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng, mà trông đợi toàn bộ vào thông tin được công bố công khai.

Nếu phân tích kỹ hơn ở cả quy trình về đặt cọc, thanh toán, thì các quy định mang tính kỹ thuật như sử dụng VND hay thời gian thanh toán trong 8-10 ngày… cũng đang là rào cản rất lớn với các nhà đầu tư ngoại.

Trong rất nhiều lần trao đổi về vấn đề này, câu hỏi từ giới chuyên gia kinh tế là mục tiêu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gì: tối ưu hóa tiền thu về hay chọn được nhà đầu tư chiến lược cho kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp?


Tin bài liên quan:

VNTB – Thoái vốn nhà nước tạo cơ hội cho tham nhũng tài sản công?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thấy gì từ việc Đồng Tâm Group hủy tư cách đại chúng?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo