Hiền Vương
(VNTB) – Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế đã thành “công cụ” chính sách của Nhà nước.
Chẳng hạn, Nhà nước sử dụng “đất” làm công cụ ưu đãi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài; Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng, bán quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách.
“Giá đất” có sự phân biệt rất lớn đối với người sử dụng khác nhau. Giá đất đối với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư nhà nước và các nhà đầu tư thuộc loại ưu tiên của Chính phủ có thể quá thấp (được trợ cấp hay bao cấp lớn, có khi bao cấp toàn phần); còn giá đất cho đa số người còn lại quá cao.
Thực tế cho thấy, chi phí sử dụng đất quá cao là một trong những cản trở đối với sự phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngược lại, giá đất quá thấp cho một số đối tượng đang làm cho việc sử dụng đất trở nên lãng phí, kém hiệu quả. Thực tế nêu trên cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh chưa công bằng, kém bình đẳng, làm méo mó các giao dịch thị trường.
Mượn xưa nói nay quanh chuyện “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, nhà báo Đào Danh Đức, kể rằng thời ông còn sống ở thành phố Đà Lạt hồi thập niên 60 của thế kỳ trước, việc quản lý đất đai buộc phải xác định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng đối với người dân và ngược lại.
“Nói một cách dễ hiểu, tất cả các sở hữu đất đai nằm trong vùng khuôn viên Đà Lạt sẽ được đặt dưới chế độ bảo hộ mà các điều khoản quy định đã được nghiên cứu sao cho tạo điều kiện thuận lợi và làm cho cuộc sống chung trở nên dễ chịu, và xóa bỏ càng nhiều càng tốt những khó khăn đến từ hàng xóm” – nhà báo Đào Danh Đức kể và nhìn nhận chính việc quá rõ ràng đó khiến không để cho sự bùng nổ dân số tự nhiên hay cơ học, hay sự bùng nổ đô thị hóa do đầu cơ phá nát Đà Lạt! Xây dựng một Đà Lạt đáng sống trên tinh thần cộng đồng, không phải ai muốn sống như thế nào thì sống, muốn làm gì thì làm.
“Quy định chung nêu rõ: “Người mua đất nhất thiết, sau khi tự mình nhận thức tình hình hiện tại, có thể biết những đảm bảo hỗ trợ nào dành cho họ trong tương lai” – nói cách khác, đầu tư mua nhà đất ở đây là vì biết đây là một trạm nghỉ dưỡng và để sống theo tinh thần ấy.
Từ đó có thể thấy một yêu cầu cơ bản, cả cho Đà Lạt cũng như các khu villa đường Trần Cao Vân hay Duy Tân ở Sài Gòn trước đây: có tiền mua villa thì sống theo kiểu villa, đừng biến villa thành nhà hàng, quán xá. Phá bỏ cái quy ước đó, khu villa sẽ thành khu chợ búa cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đường sá, cống rãnh sẽ quá tải, thành phố sẽ ‘chết ngộp’!” – nhà báo Đào Danh Đức, nhận xét.
Còn hiện tại thì vấn đề tương tự trên ra sao, khi đất đai được khẳng định tại Điều 4, Luật Đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”?.
Với những gì đang xảy ra trong quy hoạch thành phố Đà Lạt ở sự kiện ‘nâng dinh Tỉnh trưởng”, một lần nữa cho thấy rất rõ rằng việc can thiệp hành chính của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đang chi phối phân bổ và sử dụng đất đai, khoáng sản và các tài nguyên khác của quốc gia.
Các giao dịch “sơ cấp” hoàn toàn theo mệnh lệnh và can thiệp hành chính; các giao dịch “thứ cấp” thì bị giới hạn; các nguyên tắc thị trường như cạnh tranh để có được quyền sử dụng đất (và các tài nguyên khác), giá cả xác định theo quan hệ cung cầu và sự khan hiếm của nguồn lực,… hầu như chưa được thực hiện thỏa đáng trong phân bổ đất đai, tài nguyên; quyền sở hữu đất đai trên thực tế là chưa rõ ràng và chưa được bảo vệ một cách chắc chắn.