VNTB – Nhà ở xã hội tại TP.HCM có là cơ hội an cư của người lao động?

VNTB – Nhà ở xã hội tại TP.HCM có là cơ hội an cư của người lao động?

Cát Tường

(VNTB) – Nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền TP.HCM trong năm 2022.

Liệu có dễ thu hồi 20% diện tích dự án nhà ở thương mại?

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết ngay đầu năm 2022 phải triển khai thu hồi 20% diện tích dự án thương mại để làm nhà ở xã hội theo quy định.

Cụ thể, phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở Xây dựng TP.HCM, ông Lê Hòa Bình cho biết ngay trước tết Nguyên Đán, sở phải trình kế hoạch triển khai việc “thu hồi” 20% diện tích nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội theo quy định.

“Ngay đầu năm chúng ta phải triển khai việc này, phải khởi động nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, tận dụng nguồn lực thể chế là 20% quỹ đất này. Trước tết trình kế hoạch, sau tết chúng ta làm ngay” – ông Bình nói.

Theo ông Bình, Thủ tướng cũng đã nhắc là còn 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong rất nhiều dự án nhà ở thương mại, phải rà soát lại các dự án nhà ở thương mại này ở đâu, doanh nghiệp nào làm, doanh nghiệp nào chưa. “Các quận huyện phải phối hợp và thu hồi 20% quỹ đất này. Ví dụ, chúng ta có 1.000 ha đất thì 20% là 200 ha để xây dựng nhà ở xã hội, đây là nguồn lực rất lớn” – ông Bình phân tích.

Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo về các công tác khác như chấn chỉnh vi phạm trật tự xây dựng, xã hội hóa việc trồng cây xanh, công tác chống ngập, xây dựng lại các khu chung cư cấp D (chung cư xuống cấp, có nguy cơ sập)…

Cái ‘kẹt’ cần ‘tháo’ nhất đó là ‘đồng vốn’

Trong một báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về công tác thi hành Luật Nhà ở, có nêu kế hoạch từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội với hơn 30.000 căn hộ trên địa bàn.

Năm năm, xây nhà ở xã hội chỉ đạt 56% chỉ tiêu.

“Về nhà ở xã hội, dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án giai đoạn 2021-2025 với tổng số căn hộ là 30.610 căn” – văn bản của Sở Xây dựng nêu.

Bên cạnh kế hoạch xây dựng mới, sở cũng đánh giá kết quả thực hiện nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, TP.HCM đã phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hoàn thành và đưa vào sử dụng 23 dự án, quy mô 18.085 căn hộ. Kết quả này chỉ đạt 56% chỉ tiêu đề ra.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội không phát triển được trong thời gian qua là do gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng của Chính phủ đã kết thúc. Nhà đầu tư không có nguồn vốn ưu đãi vay để phát triển dự án, còn người mua nhà không còn nguồn vốn ưu đãi vay để mua nhà.

Bên cạnh đó, do chuẩn nghèo của TP.HCM từng giai đoạn luôn cao hơn chuẩn nghèo quốc gia nên Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam không bố trí nguồn vốn tín dụng của Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP.HCM.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở 2014, bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là năm năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Trường hợp trong thời hạn năm năm kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà mà có nhu cầu bán thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội.

Bên thuê mua, bên mua có thể bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị quản lý không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

“Tuy nhiên, pháp luật chưa thể hiện rõ đơn vị nào sẽ kiểm tra, xác nhận đối với bên mua lại nhà ở xã hội nhà ở xã hội là đối tượng có đủ điều kiện để mua hay không, trình tự thủ tục việc chuyển nhượng này ra sao, bên mua lại nhà ở xã hội có tiếp tục được kế thừa thời gian mà bên bán đã thực hiện hay không” – Sở Xây dựng nêu.

Như vậy xem ra để thật sự người lao động có thể an cư, không hẳn là chuyện giá cả căn hộ mà còn cần đến những chính sách về thủ tục thiết thực.

Chặng đường để an cư quả là còn thăm thẳm lắm với người lao động “thu nhập thấp”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)