Phùng Hoài Ngọc (VNTB)
Báo Tuổi Trẻ (06/05/201711:43 GMT+7) đăng tin “Nhà thơ Việt Phương từ trần”
“… nhà thơ Việt Phương – tác giả tập thơ Cửa Mở nổi tiếng một thời – vừa qua đời tại Hà Nội lúc 8g50 sáng nay, 6-5-2017. Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, từng bị bắt giam.Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi (làm việc tại Văn phòng Chính phủ từ năm 1947, hai năm sau khi Văn phòng thành lập năm 1945).Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời năm 2000, ông Việt Phương đã có 53 năm làm Thư ký cho Phạm Văn Đồng trên các cương vị từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Thư ký Thủ tướng có thâm niên nhất.
Tuy nhiên, báo chí không biết đến ông với các chức danh khác như người giúp việc cho phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, cố tổng bí thư Lê Duẩn, và sau này là các thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Trí thức thì gọi ông đơn giản là nhà thơ Việt Phương!
Năm 1970, ông xuất bản tập thơ Cửa mở, gây chú ý trong dư luận trí thức và chính giới, lan rỉ rả đến cả công chúng yêu thích văn chương. Số lượng in cũng chẳng nhiều nên người ta chép tay chuyền nhau (dạo ấy chưa có máy photocopy).
Cửa mở là một tập thơ mỏng manh, do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản (1970). Sau khi phát hành được vài tháng thì có một số cuộc họp phản đối đã diễn ra. Nhưng tác giả vẫn bình an.
Im bặt sau 38 năm, in tiếp Cửa đã mở (2008). Hẳn là nhà thơ ca tụng thời kỳ Đổi Mới.
Và sau đó, liên tiếp năm nào ông cũng cho ra những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo(2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013) và Nắng (2013).
Lúc tập thơ CỬA MỞ ra đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông đang là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Là một nhà thơ, Hoàng Trung Thông vui vẻ đón nhận tập thơ. Ông hứa sẽ viết bài giới thiệu Cửa mở với bạn đọc. Thế nhưng, trong vai trò một Vụ trưởng, ông không những không viết bài khen mà lại phải ký tên tác giả một bài do người khác dự thảo. Hoàng Trung Thông nói với Việt Phương rằng mình đã cố sửa dự thảo ấy để sự phê phán nhẹ nhàng thôi. Hoàng Trung Thông rất buồn nhưng Việt Phương hiểu…
Thế là lại vô tình thêm rối… Người ta lại thêm có cái “cớ’’ để mà bàn ra tán vào.
Rồi sau đó có một cuộc họp để bàn về Cửa mở và tác giả! Cuộc họp tại NXB Văn học ngày12/11/1970 do Như Phong, Giám đốc NXB Văn học, chủ trì.
Ông Vũ Khiêu tham dự họp cũng công nhận tài thơ Việt Phương, song nói thêm câu thơ này của Việt Phương: “Ðảng là cái ranh giới giữa ngay thẳng và gian tà”, tôi hiểu Việt Phương muốn nói Ðảng là sức đấu tranh của chúng ta với thói hư tật xấu. Phải hiểu như hiểu ý Lênin đã nói “Người cộng sản được xây dựng bằng chất liệu khác” (lý luận giáo sư tào lao quá, chặng hiểu thâm ý Việt Phương !).
Chế Lan Viên nhận xét trong cuộc họp về tập thơ Cửa mở:
“Nhưng chỗ yếu của thơ Việt Phương là thiếu thực tế. Bảo Việt Phương không có sự sống là không đúng, chỉ là thiếu cụ thể trong sự sống. Nỗi đau gì nên nói rõ trong môi trường không gian thời gian cụ thể hơn…
Thơ có quyền và cần đi vào suy tưởng. Việt Phương đã đến một dạng và phải trả giá bằng suy tưởng của mình do đó tập thơ có sức nặng, do đó đọc xong tập thơ thì người ta muốn đọc lại… Có sự dũng cảm nhưng vì thiếu thực tế, thiếu vốn sống nên có bài rơi vào duy lý không khéo sa vào duy tâm…
Đếm tỷ lệ số câu số bài chưa đạt ít. Phải nhìn vào cơ bản tốt… Trong văn học hiện nay, tính bảo thủ còn nặng hơn sáng tạo. Người nào muốn tiến lên thì phải trả giá”.
Chế bộc lộ cái thói cơ hội chủ nghĩa lộ liễu quá.
Đám quân sư quạt mo nhung nhúc, nhiều cán bộ chính trị tư tưởng tham mưu xui giục Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Tố Hữu, Lê Duẩn cần chú ý “xử lý” Việt Phương. Nhiều tài liệu kể cả nhà thơ Việt Phương kể lại với bằng hữu về chuyện các vị lãnh đạo tối cao “che chở” cho Việt Phương. Tất cả bốn vị Bộ chính trị đều gạt đi, không quan tâm. Vả lại, Việt Phương đang là Thư ký của thủ tướng Phạm Văn Đồng…(Tố Hữu có thói quen bài thơ gì tâm đắc thường đưa Việt Phương đọc trước rồi mới “dám’’ đưa cho Bác, nhắn Việt Phương tới rồi thân tình đập đập tay lên cuốn Cửa mở và nói bằng tiếng Pháp “Việt Phương nên hạ xuống mặt đất và đi vào cái hằng ngày’’).
Nhiều người khen lãnh đạo hồi đó bản lĩnh cao, sáng suốt. Riêng tôi nghĩ khác. Tôi liên tưởng đến câu chuyện chúa Nguyễn Ánh Gia Long.
Truyện ngắn “Kiếm sắc” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (xuất bản 1988) kể rằng:
Nguyễn Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: “Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho ngọn cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi”. Ánh bảo: “Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai. Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được”….. Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Đặng Phú Lân (cùng cha là Đặng Phú Bình, vốn là cựu thần của chúa Trịnh, bất mãn bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh). Ánh hỏi: “Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt ?”. Lân tâu: “Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình, sợ cho mình”. Ánh bảo: “Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồ *[1]hèn mọn cả”. Lân bảo: “Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công”. Ánh bảo: “Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm”.
Thì ra các vua chúa xưa vốn coi thường văn sĩ. Quan niệm đó đến tận thời “cách mạng vô sản” vẫn còn gần như nguyên vẹn. Vả lại đầu những năm 70, chiến tranh Việt- Mỹ giai đoạn cuối đang chiếm lĩnh hết đầu óc các vị lãnh đạo tối cao ở Hà Nội, cảm hứng đâu mà xăm soi cái tập thơ “Cửa mở” mỏng dính vài chục trang của bọn “dòi chồ” !
Mời bạn đọc bài thơ nổi tiếng nhất của CỬA MỞ:
CUỘC ĐỜI YÊU NHƯ VỢ CỦA TA ƠI
Năm xưa ta đã nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc-tư-khoa còn hơn cả thiên đường
Ta nhất quyết đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao !
Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu, thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.
Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh.
Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:
“Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”.
Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta.
Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung
Giữa đạn bom ta lọc ra hạnh phúc
Tìm dần trong sáng mãi đến vô cùng
Ta đã sống những phút giờ sự thật
Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người
Bừng vẻ đẹp chắc và bền của đất
Thung lũng đau xưa vàng rực những mùa vui…
Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa
Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người
Phía trước, đằng sau, bên ngoài và chính giữa
Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng yêu thương trong khói lửa
Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai.
Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi.
(1969)
[Cửa mở, NXB Văn học, 1970].
Nỗi niềm trong “Bơ vơ đông đảo”
Cuối đời một Việt Phương đau đáu với nỗi đau của đời, đau và phẫn nộ:
Bài “Tuổi”.
“Có phải một vạn chín trăm ngày đánh giặc đã thành bèo bọt cả
Những đầu người Pôn Pốt đập ở Tây Ninh dù sao thì cũng vỡ tan rồi.
Những người lính trẻ ngã xuống ở Lạng Sơn không liên quan gì đến ngày hôm nay nữa.
Chỉ còn những lo toan ghế nhỏ ghế to, xe cúp lên ô tô, chung cư lên biệt thự trong cuộc đời bơ sữa mà thôi.
Có sự trung thành dệt bằng phản phúc,
Có những vinh quang tràn đầy ô nhục.
Người cán bộ nửa đời chinh chiến lăn lộn đạn bom ấy sao mà nịnh bợ đê tiện.
Người thủ trưởng mấy chục năm tuổi Đảng ấy sao mà hèn hạ hống hách toan tính cưỡi đầu dân.
Người lãnh đạo cao giọng thuyết lí công minh ấy sao mà ngập ngụa trong thủ đoạn gian hùng…
Những quan chức xoen xoét vì dân, xoèn xoẹt khoét dân trắng trợn và phè phỡn vinh thăng.
Những tên hãnh tiến lộng quyền lăm le biến bầu trời tư duy thành nghĩa địa. Những vị lão thành sáu mươi năm cách mạng sinh mai mỉa chán chường”…
Có thêm cái tuổi để đè người
bảy mươi tuổi đời oai vệ gớm,
cứ ngỡ trải phong trần ghê lắm,
chỉ là đang sắm vai hề thôi”.
Níu lấy hôm qua
Đỏm dáng bên ngoài thành con rối
làm duyên bên trong đến rẻ tiền.
Cả đời miệt mài trong lí luận
Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm.
Bấy nhiêu lí luận, bao nhiêu nước
chảy dưới cầu kia để lại gì ?”.
Cuối cùng, Việt Phương tổng kết:
“Cuối một đời không thiếu gì tan vỡ.
Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình,
có thấm gì với khổ đau của bao người thầm lặng” .
Sinh thời Việt Phương tâm đắc hai câu thơ của Paul Eluard:
“Tất cả vấn đề là nói hết mà tôi thiếu ngôn từ
Và tôi thiếu thời gian và tôi thiếu lòng dũng cảm”
Việt Phương vẫn đang đi tìm và chờ đợi:
“Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá,
mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm,
mọi ngọn cỏ được tôn trọng là cỏ,
mọi con người
được tôn trọng là người”.
Nhà thơ Bằng Việt cho rằng tập thơ này Việt Phương đã vượt lên “Cửa mở”.
Nhà phê bình văn học Chu Sơn (ĐHSP.HN) viết trên FB:
Việt Phương là một hiện tượng đặc biệt của thi đàn Việt thời Ta. Đặc biệt chủ yếu vì ông là thuộc hạ của giới chính thống chóp bu, nhưng tinh thần thơ lại là phản biện chính thống. Nhưng không có điều này, cái tên Việt Phương không thể sủi tăm trong ang nước Phạm Văn Đồng. Nó là phản ứng của con người trí thức, con người nghệ sĩ bên trong con người chính trị Việt Phương. Vì thế Cửa mở có hiệu ứng trái chiều: chính thống thì cáu kỉnh, dân tình (chủ yếu là nghệ sĩ-trí thức) thì hân hoan. Với thượng cấp, nó bị coi là cú phá bĩnh. Với nhân dân, nó được xem là tiếng nói tiên tri can đảm. Với Cửa mở, người ta thấy trí thức Việt trong hệ thống không đến nỗi quá mê lầm, ươn hèn, dù vòng kim cô chưa bao giờ thôi xiết. Nhưng cũng chỉ đến thế.
Trong tư cách thi sĩ, Việt Phương có một tầm cỡ riêng. Hồi ấy, đối tượng “mê tín” Việt Phương chủ yếu là trí thức trẻ, người viết trẻ. Vì sao ? Vì thơ ông mang tinh thần cấp tiến. Vì thơ ông khai mở một giá trị người khác (so với cái giá trị người mà hệ thống đang muốn kiến tạo, tuyên truyền). Và một phần rất quan trọng thuộc về một ngôn ngữ mới : ngôn ngữ của văn hoá, của trí tuệ. Trước ngày Cửa mở, sự mê tín này dường như Chế Lan Viên độc chiếm. Sau khi Cửa mở, người ta mới ngớ ra rằng: trí tuệ sắc sảo và văn hoá thâm hậu trong thơ Chế, xét ra, cũng chỉ để minh hoạ cho chính thống, chưa chừng lại thuộc dạng thơ ngụy trí thức cũng nên. Còn đây mới là thứ trí tuệ và văn hoá phản biện chính thống, với một tinh thần trí thức thật sự (tất nhiên, phản biện không hẳn là phản đối, và không phải mọi thứ phản biện chính thống đều thuộc tinh thần trí thức). Người đã sớm thấy “những vết bùn trên chín tầng cao”, đã sớm thấy đức tin dành cho ý thức hệ là “sự ngây thơ đẹp tuyệt vời mà ngờ nghệch làm sao” và đã dám cất tiếng. Cất tiếng bằng một thứ triết luận giàu trải nghiệm (chính trường) để phản biện, chứ không phải triết luận thuần tư biện để minh họa. Cho nên, Cửa mở một khi đã mở, dù có bị buộc phải đóng, thì tinh thần mở cũng đã kịp lùa những luồng gió tươi vào nhận thức, vào niềm tin, vào thi ca rồi.
Thi ca Việt hiện đại chắc chắn sẽ dành cho Việt Phương một niềm biết ơn, như đã dành cho những người dám mở đường, “mở cửa” trong lúc bịt bùng.
Xin vĩnh biệt một nhà thơ chân chính !