Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà tù Guantanamo và vấn nạn đóng cửa

Aria Serena

 

(VNTB) – Quốc hội Mỹ đã không thuận đóng cửa nhà tù Guantanamo vì nhiều lý do phức tạp và đa dạng.

 

Hôm thứ Sáu 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin rút lại các thỏa thuận về việc nhận tội của Khalid Sheikh Mohammed, một người chủ mưu vụ tấn công kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11/9, và hai đồng phạm. Cả ba người hiện đang bị giam giữ tại nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.

Nhà tù quân sự của Mỹ ở vịnh Guantanamo, Cuba không chỉ là nỗi kinh hoàng của các tay khủng bố bị Mỹ bắt mà còn là một nhức nhối của dân Mỹ và các người bảo vệ cho nhân quyền.

Hoa Kỳ đã thuê 45 dặm vuông đất và nước tại Vịnh Guantanamo, Cuba vào năm 1903 để sử dụng làm căn cứ hải quân và trạm tiếp than. Hợp đồng thuê đáp ứng Tu chính án Platt, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, nêu rõ rằng cần có một căn cứ hải quân để duy trì nền độc lập của Cuba. Hợp đồng thuê cũng bao gồm quyền dẫn độ cho cả hai bên đối với tội phạm bỏ trốn.

Hợp đồng thuê đã được tái xác định vào năm 1934, sửa đổi khoản thanh toán tiền thuê và thêm yêu cầu rằng cả chính phủ Hoa Kỳ và Cuba đều cần phải đồng ý chấm dứt hợp đồng thuê. Nhưng Hoa Kỳ tuyên bố rằng hợp đồng thuê không có ngày chấm dứt và các quyền này vẫn tồn tại cho đến khi cả hai bên đồng ý sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, Cuba đã yêu cầu Hoa Kỳ trả lại căn cứ kể từ năm 1959. Đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa thảo luận về khả năng trả lại vùng đất thuê này cho Cuba. Người ta không tin Hoa Kỳ trả lại vùng đất thuê vô thời hạn này cho Cuba dù đất nước này còn trong chế độ cộng sản hay không.

Căn cứ này nằm trên diện tích gần 118 km2 ở phía đông Cuba và là nơi đồn trú của khoảng 3.000 quân nhân Hoa Kỳ. Các hoạt động của căn cứ bao gồm huấn luyện hạm đội, sửa chữa tàu, tiếp nhiên liệu và tiếp tế, hoạt động di cư, cứu trợ nhân đạo khu vực và hỗ trợ thảm họa, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và hoạt động giam giữ.

Nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, thường được gọi là Gitmo, nằm trong căn cứ hải quân của Mỹ. Lịch sử của nhà tù này có nhiều giai đoạn và đã gây nhiều tranh cãi.

1903: Căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo được thành lập sau khi Mỹ và Cuba ký hiệp ước cho phép Mỹ thuê đất này.

1959: Sau Cách mạng Cuba, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba trở nên căng thẳng, nhưng căn cứ vẫn thuộc quyền kiểm soát của Mỹ

Năm 2002, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 của nhóm Hồi giáo cực đoan vào Mỹ, Tổng thống George W. Bush quyết định thành lập nhà tù quân sự tại Guantanamo để giam giữ những người bị nghi ngờ là khủng bố. Nhà tù được thiết kế để giam giữ các tù nhân mà không cần tuân thủ các quy định của hệ thống tư pháp thông thường.

Nhiều tù nhân bị giam giữ tại trại tù quân sự Guantanamo không được xét xử hoặc không có thời hạn cụ thể cho việc giam giữ, có nghĩa là họ có thể bị giam giữ mà không được đưa ra tòa hoặc được biết khi nào được thả. Họ không được hưởng các quyền lợi tư pháp thông thường như có luật sư, xét xử công bằng, và khả năng kháng cáo và bị bắt giam giữ dựa trên thông tin tình báo mà không cần có bằng chứng cụ thể hoặc được xác thực thông qua quá trình tư pháp bình thường.

Tuy có một số tù nhân được xét xử bởi các ủy ban quân sự, một hệ thống xét xử đặc biệt dành cho các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia và khủng bố, nhưng các ủy ban này không cần tuân thủ đầy đủ các quy định của hệ thống tư pháp dân sự hoặc quân sự thông thường.

Đã có nhiều hình ảnh, báo cáo về việc sử dụng các phương pháp tra tấn và ngược đãi tù nhân để thu thập thông tin. Các phương pháp này bao gồm waterboarding, ngủ ngắt quãng, và biệt giam kéo dài. Waterboarding, trấn nước, đây là một hình thức tra tấn bằng cách đổ nước lên mặt và mũi của tù nhân, tạo ra cảm giác ngạt thở và hoảng loạn. Waterboarding được xem là một trong những phương pháp tra tấn tàn bạo nhất. Biệt giam kéo dài là tù nhân bị giam giữ trong các điều kiện cách ly nghiêm ngặt, thường là trong các phòng giam nhỏ, tối tăm, và không có tiếp xúc với người khác trong thời gian dài. Ngủ ngắt quãng: Tù nhân bị ngăn không cho ngủ trong thời gian dài bằng cách thường xuyên bị đánh thức hoặc chịu đựng tiếng ồn lớn. Các tù nhân cũng bị đánh đập, trói buộc trong các tư thế đau đớn, và sử dụng các biện pháp tra tấn khác để gây đau đớn và sự khó chịu. Họ còn phải chịu ngược đãi tâm lý, bị đe dọa, sỉ nhục, và chịu đựng các hình thức ngược đãi tâm lý khác nhằm gây áp lực tâm lý và khai thác thông tin.

Điều kiện giam giữ và quy trình xét xử tại Guantanamo thường không minh bạch và thiếu sự giám sát từ các tổ chức quốc tế và các cơ quan nhân quyền. Nơi đây đã trở thành tâm điểm của sự chỉ trích quốc tế và các tổ chức nhân quyền về vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Những yếu tố trên đã làm cho nhà tù Guantanamo trở thành một biểu tượng gây tranh cãi trong cuộc chiến chống khủng bố và đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận về các quyền con người và sự tuân thủ luật pháp quốc tế. Số lượng tù nhân lên đến đỉnh điểm với khoảng 780 người bị giam giữ từ 2002-2008. Nhà tù trở thành tâm điểm của sự chỉ trích quốc tế về các hành vi tra tấn và vi phạm nhân quyền. Nhiều tổ chức nhân quyền, bao gồm Amnesty International và Human Rights Watch, đã công bố các báo cáo chi tiết về việc tra tấn và ngược đãi tù nhân tại Guantanamo. Các báo cáo này dựa trên lời khai của tù nhân, các tài liệu chính phủ bị rò rỉ, và các cuộc điều tra độc lập.

Một số báo cáo của chính phủ Mỹ, bao gồm báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện năm 2014, cũng xác nhận việc sử dụng các phương pháp tra tấn và đối xử tàn bạo tại Guantanamo và các cơ sở giam giữ khác của CIA. Việc sử dụng tra tấn và đối xử tàn bạo tại Guantanamo đã làm tổn hại đến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ ngoại giao và uy tín của Mỹ trong việc bảo vệ nhân quyền, nó đã trở thành biểu tượng của các vi phạm nhân quyền và đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi đóng cửa nhà tù này.

Tổng thống Barack Obama đã ký một lệnh hành pháp vào năm 2009 cấm sử dụng các phương pháp tra tấn và đối xử tàn bạo, và muốn ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo, nhưng gặp nhiều trở ngại từ Quốc hội và tù nhân vẫn tiếp tục bị giam giữ. Tổng thống Joe Biden cũng đã bày tỏ ý định đóng cửa nhà tù Guantanamo và chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền, nhưng quá trình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả đáng kể.

Quốc hội Mỹ đã không thuận đóng cửa nhà tù Guantanamo vì nhiều lý do phức tạp và đa dạng, bao gồm các yếu tố chính trị, an ninh, và pháp lý.

Lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều thành viên Quốc hội lo ngại rằng việc chuyển tù nhân từ Guantanamo đến các nhà tù trong lãnh thổ Mỹ có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Họ e rằng những tù nhân này có thể tiếp tục hoạt động khủng bố hoặc gây nguy hiểm trong tù. Họ cũng lo ngại nếu tù nhân được thả hoặc chuyển đến các quốc gia khác, họ có thể trở lại hoạt động khủng bố. Một số tù nhân từng được thả đã tái gia nhập các tổ chức khủng bố, điều này càng làm tăng mối lo ngại về an ninh.

Ngoài ra còn những trở ngại về pháp lý và chính trị. Việc đóng cửa Guantanamo đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, gồm cả việc làm thế nào để xét xử các tù nhân, nơi nào để chuyển họ, và cách bảo đảm họ không gây nguy hiểm sau khi được thả. Một số tù nhân tại Guantanamo chưa được xét xử hoặc bị giam giữ mà không có cáo buộc chính thức. Xác định cách thức và địa điểm để xét xử các tù nhân này là một vấn đề pháp lý phức tạp. Hơn nữa Các tù nhân có quyền kháng cáo và sử dụng các biện pháp pháp lý khác để chống lại việc chuyển họ hoặc thay đổi điều kiện giam giữ. Điều này có thể dẫn đến các vụ kiện kéo dài và phức tạp. Việc đóng cửa nhà tù này đã trở thành một vấn đề chính trị lớn.

Nhiều thành viên Quốc hội, đặc biệt là từ Đảng Cộng hòa, phản đối kế hoạch của Obama. Họ xem việc giữ Guantanamo là một biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố và chỉ trích Obama rằng việc đóng cửa sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia. Không những thế, hầu hết các tiểu bang Mỹ và khu vực địa phương phản đối việc tiếp nhận các tù nhân từ Guantanamo. Họ lo ngại về các vấn đề an ninh và phản ứng của công chúng nếu các tù nhân khủng bố được chuyển đến các nhà tù trong bang của họ.

Việc đóng cửa nhà tù khắc nghiệt này còn gặp khó khăn hơn nữa khi Quốc hội đã áp đặt nhiều hạn chế ngân sách để ngăn chặn việc chuyển tù nhân từ Guantanamo đến lãnh thổ Mỹ. Điều này bao gồm cấm sử dụng ngân sách liên bang để chuyển tù nhân hoặc xây dựng cơ sở giam giữ mới. Quốc hội cũng thông qua nhiều luật cản trở việc đóng cửa Guantanamo, gồm các quy định cấm chuyển tù nhân đến Mỹ và hạn chế việc thả hoặc chuyển họ đến các quốc gia khác.

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump cam kết giữ nhà tù mở và tiếp tục giam giữ những người bị nghi ngờ là khủng bố. Nếu ông tái đắc cử kỳ 2024, việc xem xét đóng cửa nhà tù này càng mờ mịt thêm

Tóm lại: Dù nhà tù Guantanamo là một biểu tượng gây tranh cãi của cuộc chiến chống khủng bố và đã trở thành một điểm nóng trong các cuộc tranh luận về nhân quyền và luật pháp quốc tế và giữa các lo ngại về an ninh quốc gia, các yếu tố pháp lý phức tạp, sự phản đối chính trị và địa phương, cũng như các hạn chế ngân sách và luật pháp đã khiến cho việc đóng cửa nhà tù Guantanamo trở nên rất khó khăn.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Không ai có quyền chỉ bảo Bắc Kinh phải làm gì”

Phan Thanh Hung

VNTB – Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ VN cộng sản vươn ra hải ngoại

Trương Thế Tử

VNTB – Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.