Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà văn Nhật Chiêu: Gunter Grass, nhà văn chống “nhồi sọ”

Tôn Phi (VNTB) Cái tên Nhật Chiêu có lẽ không còn xa lạ với những người yêu văn học Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người biên soạn giáo trình về văn học Nhật Bản mà một số trường đại học đang sử dụng như là tài liệu giảng dạy chính thức.

Sáng ngày 30/05/2015, nhà văn Nhật Chiêu đã có buổi tọa đàm nói về tiểu thuyết vĩ đại “Cái trống thiếc”, Nobel Văn học 1999. Tác giả của cuốn tiểu thuyết này là văn hào Đức vừa qua đời(13/04/2015) Gunter Grass. Chế độ phát xít đã hủy hoại mọi giá trị của người Đức. Văn hào Hulter Grass đúng lúc đó xuất hiện và làm hồi sinh ngôn ngữ, đạo lý, lương tâm dân tộc Đức.

Gunter Grass, nhà văn chống “nhồi sọ”

Nhà văn Nhật Chiêu đã dùng từ “nhồi sọ” để nói về cách làm của bộ máy tuyên truyền Đức Quốc Xã, khi chúng bơm thứ tư tưởng độc hại vào lòng xã hội Đức. Văn hào Gunter Grass viết cuốn này năm 30 tuổi, tuổi sáng tạo sung mãn nhất của một nhà văn. Văn hào Gunter Grass là một bộ óc uyên bác. Ông đã học hội họa và điêu khắc chính quy ở Viện Nghệ thuật Düsseldorf (Kunstakademie Düsseldorf), sau đó học tiếp tại Đại học Mỹ thuật Berlin (Universität der Künste Berlin). Ngoài ra, ông còn là một tay trống cừ khôi. Tác phẩm vĩ đại phản ánh đúng cuộc đời ông khi nhân vật chính cũng là một tay chơi trống.

Sau thế chiến thứ II, nhà văn tham gia Nhóm 47 (Gruppe 47) với khuynh hướng dân chủ, đấu tranh khắc phục những hậu quả chiến tranh do phát xít để lại. Năm 1960, ông tham gia vào Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở Đức và trở thành một nhân vật quan trọng của đảng này. Ông tham gia vào chiến dịch tranh cử của đảng và trở thành người phát ngôn. Trong thời gian này, ông cổ vũ chính trị để ủng hộ cho nước Đức thoát khỏi sự cuồng tín và những tư tưởng chuyên chế. Thế nhưng ông cũng thường làm mất lòng trong nội bộ của đảng SPD vì những quan điểm của mình. Năm 1992 Grass rút ra khỏi đảng SPD nhưng vẫn tiếp tục hoạt động chính trị và ủng hộ cho những tư tưởng của Đảng Dân chủ Xã hội. (1)

Chiếc trống thiếc – Siêu ý thức trong hình hài trẻ thơ.

Tiểu thuyết Cái trống thiếc kể về cậu bé “không bao giờ lớn” có tên là Oskar. Bé sinh ra trong thành phố Danzig – nơi mà đế quốc Phổ và Ba Lan tranh giành qua lại. Bé Oskar khi từ khi mới chào đời đã ý thức về thân phận mình và con người nên được gọi là siêu ý thức. Bé Oskar được tặng đồ chơi là chiếc trống thiếc và cậu quyết định rằng mình sẽ ngưng lớn. 

Yếu tố kỳ ảo được sử dụng hợp lý hơn cả hiện thực: Cậu sáng tác ra bệnh đó, còn người lớn thì thích chứng cớ. Cậu cố tình rơi xuống những bậc trong hầm nhà kho đủ để bất tỉnh, đủ để ảnh hưởng đến cơ thể và thần kinh. Các bác sỹ cho rằng cậu bé ngừng lớn vì ngã xuống bậc cấp. Vì chứng cớ tự nhiên đó, người ta tin rằng bé không lớn nữa.

Chiếc trống thiếc trong tay bé có hiệu quả kỳ lạ, khi tiếng trống vang lên có thể thay đổi nhiều thứ. Điều kỳ lạ hơn là giọng hét la lớn của bé khiến những gì làm bằng thủy tinh đều tan vỡ. Những ô cửa kính, những chùm đèn thủy tinh,… nếu Oskar muốn thì đều vỡ tan.

Với tư cách mãi mãi là đứa trẻ lên ba, bé có thể quan sát cuộc đời. Người lớn không để ý đến sự có mặt của bé nên để lộ cuộc sống lố bịch, giả tạo, và khôi hài. Ý thức của bé, ngược lại, là siêu ý thức và chín hơn cả người lớn vì ngay khi lọt lòng mẹ đã nhận thấy cuộc đời. Với một ý thức đó, sau này bé khi thì tự xưng là Jesus, khi thì xưng là Satan. Một triết lý của tiểu thuyết Cái trống thiếc cũng được phát biểu một chân lý như một câu danh ngôn, rằng trong mỗi chúng ta đều có một thiên thần và một quỷ dữ, chúng ta cho con gì ăn nhiều hơn thì con đó lớn hơn.

Bé Oskar sớm nhận ra rằng quốc trưởng Hitler đang nhồi sọ dân chúng. Vì thế, trong một cuộc diễu binh ca tụng quốc xã và Hitler, khi trống quân hành ca ngợi chế độ Nazi và quốc trưởng Hitler, thì bé Oskar đánh một giai điệu của tình yêu, giai điệu đó tuyệt vời khiến mọi người bị cuốn theo tiếng trống. Người dân đi xem diễu hành chuyển từ tâm trạng ngưỡng mộ tên độc tài trở lại bản chất tình yêu của cuộc sống. Đó là thông điệp chính mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc.

Nhà văn Nhật Chiêu. Ảnh: Tôn Phi

Có một câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó là “Ta không ăn cắp là vì ta tốt hay vì ta sợ bị công an bắt?” Một ngụ ngôn đen được kể để trả lời câu hỏi này. Tiếng hét của Oskar làm vỡ thủy tinh và bé luyện được đến tiếng thét vô thanh. Những cửa kính trong một cửa hàng trang sức dùng để trưng dây chuyền, ngọc trai, không cất vì không ai phá được mà cũng không ai dám phá. Bé Oskar dùng tiếng hét vô thanh làm tấm kính đó thủng một lỗ vừa đủ để mấy ngón tay lọt vào. Người tình của mẹ Oskar, anh họ của bà, cậu họ của Oskar, khi thấy cái lỗ trên cửa kính đã thò tay vào lấy món đồ đắt giá. Người tình của mẹ Oskar sau đó tặng món đồ trang sức cho mẹ Oskar, mẹ Oskar thừa biết ông anh họ nghèo chỉ có thể ăn cắp món đồ quý giá như vậy mà vẫn nhận.

Tiểu thuyết Cái trống thiếc có nhiều ngụ ngôn đen như vậy, giới phê bình đánh giá những chi tiết đó rất đắt. Đó là cách mà Hulter Grass giễu cợt xã hội và tôn giáo.

Hình tượng “chiếc trống thiếc” rất thâm sâu và khó hiểu. Hilter được ví là kẻ đánh trống, nhân vật này một phần là hình ảnh giễu nhại của Hitler. Hitler từng thi vào trường mỹ thuật nhưng không đậu. Vì vậy, sức sáng tạo khổng lồ đáng lẽ dùng cho nghệ thuật đích thực thì cuối cùng lại dùng cho nghệ thuật tuyên truyền và gây họa cho nhân loại, đến nỗi người ta ước mơ rằng ban giám khảo trường Mỹ thuật lúc đó đừng đánh trượt Hitler thì lịch sử nhân loại đã khác.

Bố giả định của Oskar, tức là chồng hợp pháp của mẹ Oskar, theo đảng Nazi. Lúc nào ông bố đó cũng tự hào mình là Đảng viên Quốc Xã. Khi Hồng quân Liên Xô tấn công vào thành phố Danzig nơi Oskar sinh sống, ông bố Oskar hoảng hồn vì quân Nga vào nhà lục soát. Ông bố vội vã quăng cái huy hiệu đảng Nazi dưới sàn, Oskar trông thấy và cố tình cầm cái huy hiệu đảng Nazi đưa lại cho ông bố. Ông ta sợ hết hồn nên bỏ cái huy hiệu Đức Quốc Xã vào miệng định nuốt. Quân Nga trông thấy và nã đạn liên tục vào ông bố. Oskar đã giết cha.

Sau đó, Oskar vứt trống thiếc vào mồ của cha và quyết định lớn lên. Lúc đó chàng đã hai mốt tuổi trong dáng dấp của một đứa bé lên ba. Bé quan hệ với một phụ nữ và sinh được một đứa con. Đứa con này không chịu nhận con người bé lùn làm bố mình và ném vào Oskar một viên đá. Máu trong đầu chảy ra làm cho Oskar sau đó cao đến một thước hai rưỡi.

Oskar quen chơi với chiếc trống thần, vừa vô tư như trẻ con, cũng có lúc là khủng bố khi làm cho cha mình chết thảm. Oskar nhận thấy cuộc sống quá bi thương nên để cho mình vướng vào tội ác mà mình không phạm. Anh yêu một cô y tá kiêm một bà xơ tên là Dorothy. Oskar đóng vai Satan để cưỡng hiếp Dorothy nhưng không thành công và sau này vẫn còn yêu cô y tá này mãi. Sau này cô y tá bị bạn gái giết hại vì ghen. Oskar nhặt được ngón tay bị đứt ngoài cánh đồng và bỏ túi, cố tình cho người ta hiểu là mình giết. Anh ta từng dính líu đến những vụ giết người nên nhân vụ này muốn mình phải bị trừng phạt. Không ai tin vào câu chuyện Oskar kể, anh bị đưa vào viện tâm thần. Ở trong viện, năm ba mươi tuổi anh ta kể lại đời mình nhưng cũng không ai tin. Cuối cùng Oskar được thả khỏi viện tâm thần. Vụ án bỏ ngỏ, Oskar sau khi đánh nát một trăm chiếc trống thiếc đã quyết định không chơi trống thiếc nữa. Anh muốn làm người bình thường nhưng làm người bình thường lại là khó nhất. Đó cũng là số phận của dân Đức mà Nhật Chiêu gọi là “nghiệp chung của dân tộc”, họ phải trả giá vì chống lại nhân loại. Hunter Grass kết thúc tác phẩm bằng việc Oskar trở lại người bình thường, không siêu phàm gì cả nhưng điều đó cũng là quá khó.

Mọi nhà phê bình văn học đều thắc mắc rằng chiếc trống thiếc là cái gì, biểu tượng của tác phẩm là gì? Nhà văn Nhật Chiêu nói rằng ông đoán văn hào Đức Hunter Grass viết với sự “vô thức thiên tài”, rằng “Những tác phẩm văn chương lớn thì phức tạp, không giống như mì ăn liền. Bản thân ngôn ngữ đã phức tạp, nhà văn sử dụng cho mục tiêu đầy tính nghệ thuật nữa thì phức tạp nhân lên gấp mấy lần. Một câu chuyện hết sức kỳ lạ, không thể có. Cái trống thiếc, vượt xa mọi cuốn sách nói về thế chiến thế kỷ XX và của chính tác giả”.

Sau khi cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel, tác giả thừa nhận rằng năm mười bảy tuổi đã là thành viên đảng Nazi và gia nhập của đội quân khủng bố SS khét tiếng. Cho dù làm trong bộ phận xe tăng và không giết qua một người nào nhưng ông vẫn bị nguyền rủa. Cuốn sách cũng là cú sốc của nước Nga khi tả lại sống động cảnh Hồng quân Liên Xô trả thù Quốc Xã. Dịch giả Dương Tường, người chuyển ngữ thành công cuốn sách đã dành tặng một lời khen ưu ái cho văn hào số II của nước Đức: “Cho đến trước Gunter Grass chưa ai huỵch toẹt ra sự thật phũ phàng là giáo lý thì ra chỉ chảy theo một chiều áp đặt.” Chiếc trống thiếc thật sự là một cuốn sách nên đọc, xứng đáng là tiểu thuyết cuối cùng được trao giải Nobel của thế kỷ XX.

(1) Lược trích phần giới thiệu sự nghiệp tác giả của Không gian cà phê văn hóa Trung Nguyên, 19B Phạm Ngọc Thạch ngày 30.05.2015.

Tin bài liên quan:

VNTB – Woke và Giác Ngộ XHCN

Do Van Tien

VNTB – Thay vì chỉ trích, hãy chỉ ra giải pháp

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.