VNTB – Nhân cuộc trao đổi với trò cũ về vụ Đồng Tâm: bàn về thầy trò hiện nay

 Giang Nam & Tiến Đặng (VNTB) 

Tôi làm nghề giảng dạy đại học, môn Văn sư phạm đã lâu năm. Cuộc đời cũng có chút thành tựu, đào tạo được cả ngàn SV ra làm thầy cô giáo trung học. Trong đa số là học trò trung bình cũng có những học trò giỏi, nay đã thành đạt vượt bậc. Nhiều người thường kết nối FB với tôi, thỉnh thoảng họ lại hỏi chút việc chuyên môn khi họ có thắc mắc hay bối rối. Hoặc trao đổi những điều quan tâm chung thú vị, có người tiến bộ vượt bậc, hậu sinh khả uý, tôi rất cảm phục. Đương nhiên tôi sẵn lòng giải đáp, trao đổi thoải mái như hồi còn ở giảng đường. Đọc những STT trên FB tôi bàn về thế sự chính trị nhiễu nhương họ cũng comment hoặc like
Tuy nhiên từ hồi xảy ra vụ cô giáo thạc sĩ Lê Thị Thuỳ Trang ở Long Xuyên viết trên FB một câu chê ông chủ tịch tỉnh “cái mặt kênh kiệu xa dân” và bị cả hệ thống chính trị tỉnh đổ xô vào áp đặt kỷ luật (phạt 5 triệu và cảnh cáo, khiển trách), lập tức mạng xã hội bức xúc lên tiếng bênh vực cô Trang. Kế đó hàng chục tờ báo nhà nước từ Hà Nội tới Sài Gòn đổ về Long Xuyên chất vấn nhà cầm quyền, một số đại biểu quốc hội cũng phàn nàn cấp tỉnh sai trái. Nhiều luật sư lên tiếng sẵn sàng cãi miễn phí cho cô Trang nếu cô thưa kiện chính quyền. Nhà cầm quyền tỉnh biết họ đã sai hoặc thất thế, bèn tổ chức họp báo và xin lỗi cô Trang, thu hồi mấy án phạt cô Trang và mấy người bạn của cô đã bấm like. Tờ báo TUỔI TRẺ CƯỜI sáng kiến tặng giải thưởng “TRÁI CÓC XANH” (*[1]) cho Sở TT&TT tỉnh nhưng họ không dám đi nhận.
Câu chuyện vụ lùm xùm nói gọn là như vậy, kết thúc đã có hậu cho người tử tế. Phải trái đã rõ ràng.
Chỉ có điều đáng buồn, sau vụ cô Trang, những học trò cũ của tôi phát sinh ra căn bệnh im lặng, nhiều người không dám likecomment nữa. Tuy nhiên họ chưa nỡ bấm unfriend  hay blocktôi (có thể, vì họ vẫn giữ liên lạc đặng khi cần thiết còn nhắn tin hỏi thầy gỡ rối về chuyên môn).
Đang có tâm sự buồn về tình thầy trò ngày nay, lại gặp chuyện buồn trên FB của một bạn đồng môn, hiện làm phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn ở một trường Đại học phía Bắc. Vậy là đồng bệnh tương lân, tôi hỏi anh bạn cho phép đăng câu chuyện buồn của bạn lên đây và nhận được lời OK.
CÂU CHUYỆN  BUỒN NHƯ SAU
(xảy ra trước khi chủ tịch Chung về xã Đồng Tâm và ký giấy cam kết)

Có một sinh viên cũ, lớp ngày xưa mình làm chủ nhiệm ở đại học, người  quê Mĩ Đức vừa nhắn tin cho mình và phê phán những stt của mình (về vụ Đồng Tâm khởi nghĩa). Nội dung câu chuyện hoàn toàn không phải chuyện riêng tư nên mình copy nguyên vẹn ra đây:
HỒI 1
– Em chào thầy… E là người Mỹ Đức.
  Em thấy bài viết của thầy vẫn mang tính chủ quan.
– Ok. Xin chào. Thế à. Chuyện ở đó giờ thế nào em? Thực tình mình mất ngủ vài ba đêm vì chuyện đất đai ở đó. Căng thẳng… Thì cũng chỉ qua thông tin trên mạng mà. Chẳng biết gì hơn là mạng xã hội. Mạng chính thống có ai đưa tin đâu… Nó “chủ quan” ở chỗ nào, thì em chỉ giúp. Cảm ơn em.
– Mạng chính thống có đưa nhiều chứ ạ !
– Nhưng nó rập khuôn theo một mô hình: “Người dân bị kẻ xấu xúi dục, kích động” gì đó.
– Hiện nay người dân bị một số kẻ phản động mang màu sắc chính trị xúi giục, kích động. Bản chất của dân là tốt.
– Bạn có bằng chứng không? Mình rất thích bằng chứng rõ ràng. Vì dân là rất tốt nên mình mới viết chứ. Trong toàn bộ các stt của mình có cái gì mình bảo dân không tốt đâu? Bạn chỉ ra đi.
 Còn nếu dân bị bọn xấu kích động thì bắt bọn xấu có khó không? Chả nhẽ bọn xấu lại khó bắt đến như vậy?
– Diễn biến rất phức tạp ạ.
– Thế bạn đã chỉ ra chỗ “chủ quan” của mình chưa nhỉ? Bạn chỉ giúp đi, rất cảm ơn bạn đấy. Còn chuyện “phức tạp” thì có gì khó hiểu đâu. Tranh chấp đất đai là phức tạp nhất. Vì nó xung đột về lợi ích mà.
 Nào bạn hãy chỉ cho tôi chỗ nào gọi là chủ quan đi. Sao ấp úng mãi thế?
– Không phải ấp úng… Mà e thấy trong các bài viết của thầy …
– Thế sao mãi không có được một câu cho ra hồn thế. Nếu bạn thấy chỗ nào sai bạn chỉ ra. Mình sẵn lòng nghe mà.
– Chủ đề về Đồng Tâm.
– Ừ thì có vấn đề gì?
Bạn ấy chuyển cho mình địa chỉ bài báo tiêu đề :”Cần nhận thức đúng sự thật vấn đề”  (HNMO = Hà Nội Mới online) – “Dù các cơ quan chức năng của thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng đến nay tình hình mất trật tự an ninh trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Lợi dụng tính chất phức tạp của sự việc này, nhiều cá nhân đã tìm mọi cách cung cấp những thông tin để làm…”.nguồn: hanoimoi.com.vn
– Tốt nhất là không nói chuyện cùng bạn, vì bạn có nói được câu nào cho ra hồn đâu. Mình không có nhu cầu bàn luận với người ấp úng mãi không được một câu.
– E đang bận cháu nhỏ 1 chút.
  Nó quấy nên nhắn tin cũng khó.
E xin được trao đổi cùng thầy sau 1 lúc nữa

HỒI 2

Gặp lại.
– Bạn viết ra đi. Chữ nó có sức nặng mà.
– Vâng. Thầy mời cơm đi ạ…
 Có gì thầy trò mình trao đổi sau thầy nhé…
– Bạn cứ viết ra, sau đó tôi sẽ cóp lại để mọi người cùng đọc để rộng đường dư luận.

Kết thúc cuộc trò chuyện.

HỒI 3
Sau đó bạn ấy gọi điện cho mình. Trước sau bạn ấy vẫn chỉ khẳng định là người dân bị bọn phản động xúi bẩy nên làm việc sai trái. Bạn ấy bắt bẻ mình cái chi tiết “cơ quan thực thi luật pháp có nên hành xử như thế với cụ Kình”? Mình thì cho rằng câu chuyện ấy là gây phẫn nộ đến nhiều người… nhưng bạn ấy thì cho là không …Tóm lại là bạn ấy vẫn trước sau quả quyết người dân bị bọn xấu lôi kéo. Nhưng “bọn xấu” là ai thì bạn ấy không trả lời. 

Mình bảo bạn ấy viết lên báo, lên mạng xã hội vạch trần “bọn phản động” ấy ra, tại sao lại để cho bọn chúng “gây rối” tại một địa phương ngay sát thủ đô như thế. Thì bạn ấy bảo có phải cái gì cũng viết được ra đâu. Mình hỏi em đặt ra tình huống nếu ông em là cụ Kình thì em nghĩ thế nào? Bạn ấy ấp úng không trả lời.

Mình có nhắc đến ý kiến của một số đại biểu quốc hội, của ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Đặng Hùng Võ…Chẳng nhẽ những ông ấy đều bị lũ phản động xúi bẩy? Thì bạn ấy không nói thêm.

Mình chưa tìm hiểu được bạn ấy làm công việc gì ở Mĩ Đức. Bạn ấy học Văn ra, có thể là cô giáo cũng có thể là cán bộ huyện.

Mình tường thuật lại và mọi người cùng suy nghĩ. 

Những stt của mình còn đó, mọi người xem có chỗ nào bất cập thì bảo hộ nhé!
Còn mình thì mình luôn cho rằng để xảy ra xung đột thì nguyên nhân phải tìm từ nhiều phía. Nhưng vô cùng tai hại là để bạo lực bùng nổ. Khi ấy thì chả còn gì mà rút được kinh nghiệm nữa đâu.
KẾT
Bạn Tiến Đặng ơi, thế là chúng ta đều thất bại trong nghề nghiệp “trăm năm trồng người”, ta cần trách ta trước, trách học trò sau, nhé.  Hi vọng cuộc “đổi mới tổng thể chương trình phổ thông” sắp tới đây sẽ đào tạo thế hệ học trò tương lai “sao được cho ra cái giống người”.

*[1] . Giải Trái cóc xanh nhái theo Giải Mâm xôi vàng (Golden Raspberry Awards)  trái ngược với Giải Oscar điện ảnh Mỹ, tặng cho những bộ phi dở tệ.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)