Xuân Mai
(VNTB) – Tại sao tiền lệ pháp tốt đẹp ở Pháp nhưng gây họa ở Việt Nam?
Việt Nam nằm trong top những nơi mà án oan, án bất công nhiều và án oan kéo dài dai dẳng nhất thế giới. Những phiên tòa xử những nhà bất đồng chính kiến như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức hay luật sư Cù Huy Hà Vũ được ngụy trang bằng những điều luật nhân danh an ninh quốc gia. Những điều luật như điều 258,79 và 88 gọi là luật nhưng không phải là luật vì rất mơ hồ và mang tính đánh lận con đen, cả vú lấp miệng em. Nếu chọn một tên gọi gần nghĩa nhất với những “quy phạm” đó thì nên gọi là tiền lệ pháp.
Thế giới chưa bao giờ hết tranh cãi về việc có nên áp dụng tiền lệ pháp hay không, nhưng chắc chắn rằng các quan tòa ở Việt Nam đang lạm dụng tiền lệ pháp.
Khái niệm tiền lệ pháp
Ở bất kỳ chế độ nào trên thế giới hiện tại, nguồn gốc pháp luật do ba bộ phận hợp thành: tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật ở Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng bộ phận thứ hai, tức tiền lệ pháp.
Tiền lệ pháp được định nghĩa là các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan tòa án được nhà nước thừa nhận như là khuôn mẫu có giá trị pháp lý để giải quyết những trường hợp tương tự. Có hai loại tiền lệ cơ bản: tiền lệ hành chính và tiền lệ tư pháp, thường gọi ngắn gọn là án lệ. Đây cũng là loại nguồn pháp luật có từ buổi ban đầu của lịch sử pháp luật nhân loại và cho đến tận ngày nay. Điều đó ít nhiều nói lên sự bền vững, hợp lý nhất định của tiền lệ pháp, cái gì “hợp lý” thì tồn tại. Tiền lệ pháp là nguồn pháp luật phổ biến trong các nhà nước chủ nô, phong kiến và ở nhiều quốc gia tư sản nhất là ở Anh quốc, Mỹ quốc và các nước là thuộc địa của Anh.
Các nhà luật học phương Tây từ rất lâu đã phân tích được những mặt có lợi và những mặt có hại của tiền lệ pháp. Tiền lệ pháp như con dao hai lưỡi, nó có tính nguy hiểm bởi vì hay có hiệu lực hồi tố, mang tính bất ổn định, có thể dẫn tới tình trạng tiếm quyền của tòa án đối với chính phủ… Tuy vậy, tiền lệ pháp nhất là án lệ cũng có nhiều ưu điểm, khắc phục được những hạn chế vốn có, “ cố hữu” của pháp luật như tính khái quát cao, tính trừu tượng, không sát thực với sự việc thực tiễn v.v…
Ở mặt tích cực, tiền lệ pháp cho phép sử dụng pháp luật một cách linh hoạt. Cùng với sự phát triển của nền văn minh, tập quán pháp có thể mất đi nhưng tiền lệ pháp thì không bao giờ mất, vì lịch sử nhân loại và lịch sử quốc gia luôn luôn đầy biến động. Sự phồn vinh của một đất nước nhờ một phần rất lớn vào việc họ có đào tạo ra những lãnh đạo ngành tư pháp đủ tài năng và xuất chúng để xử lý những sự việc bất ngờ đó hay không.
Ở Thụy Sĩ, trong một phiên tòa, nếu không có luật thành văn hoặc luật tục tương tự thì thẩm phán có quyền quyết định theo những nguyên tắc mà họ đặt ra. Một khi đã hành động như nhà lập pháp, thẩm phán phải chứng minh bằng những nguyên tắc luật pháp.
Trong tương lai hi vọng Việt Nam có điều này.
Tại sao tiền lệ pháp tốt đẹp ở Pháp nhưng gây họa ở Việt Nam?
Các thành viên của tòa án tại nước Pháp được đào tạo rất công phu, được coi là chuẩn mực của tư pháp thế giới. Trước khi bắt đầu phiên tòa, thẩm phán và bồi thẩm đoàn phải thề rằng sẽ bảo vệ chân lý, bảo vệ sự công bằng và xác nhận không bị quyền lực chi phối. Vào thời Napoleon, “hoàng đế” này có uy quyền lay chuyển cả châu Âu nhưng không bao giờ dám ức hiếp nhân sự của ngành tư pháp, những người vừa có chức trong tòa án vừa có chân giảng dạy tại phố đại học ( Rue de L’université). Nhờ tiền lệ pháp, ở xứ sở bạch dương người dân luôn đặt niềm tin vào tòa án của nền cộng hòa.
Quay lại so sánh với Việt Nam. Các thẩm phán, các công tố viên cùng mọi nhân sự của tòa án đều là người của Đảng Cộng Sản. Họ phải thề phục tùng chế độ, nghĩa là xử án theo chỉ đạo của nhà cầm quyền, tiếp theo mới đến lượt bảo vệ công lý. Quan nhất thời, dân vạn đại, một chế độ có thể qua đi nhưng dân tộc thì còn đó mãi. Đáng tiếc rằng, chế độ đương nhiệm ở Việt Nam có một số cách hành xử tùy thời. Công lý ở Việt Nam lại do nhà cầm quyền định nghĩa, khác hẳn với luân thường đạo lý mà thế giới đang bảo vệ. Đường lối cụ thể của Đảng thay đổi liên tục, dẫn đến việc nhân viên tòa án cũng thề thốt một cách đối phó, nhưng thực sự họ không biết cái gì là giá trị vĩnh cửu để bảo vệ. Vì vậy, Việt Nam có nhiều án oan. Người dân đã chẳng còn tin vào điều gì nữa.
Cũng tại nước Pháp, bình thường để có án lệ về một tình huống pháp lý nhất định, phải có một loạt các quyết định xét xử giống nhau của các tòa án tối cao như của Tham chính viện, Tòa phá án v.v… Trong các vụ xét xử Cù Huy Hà Vũ tại Tòa án nhân dân Hà Nội ( sơ thẩm) và Trần Huỳnh Duy Thức tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng những vụ án như vậy đáng lẽ phải xử tại tòa Tối Cao. Thực ra tòa Tối Cao không xử sơ thẩm những vụ này là vì không muốn mắc vào tiền lệ pháp. Đây là một mánh khóe rất thâm hiểm của những kẻ nắm trong tay luật pháp Việt Nam.
Nhà cầm quyền cố tình né tránh trách nhiệm bằng tiền lệ pháp
Như trên đã phân tích, tiền lệ pháp ở các nước châu Âu có thể gây nên tình trạng tiếm quyền đối với chính phủ. Chẳng hạn vừa rồi trong vụ tòa án Indonesia xử tử hình ba công dân Úc vì buôn bán ma túy, chính phủ Indonesia muốn can thiệp để đưa ba người này về Úc xét xử nhưng họ không có quyền can thiệp vào quyết định dựa theo tiền lệ của tòa án. Tiền lệ pháp ở Indonesia đảm bảo sự công bằng giữa người ngoại quốc và người bản địa.
Cũng ở Đông Nam Á, nhưng tiền lệ pháp ở Việt Nam lại đầy rẫy bất công so với Indonesia. Nếu cũng vụ việc buôn bán ma túy liên quan đến người ngoại quốc như trên, tòa án sẽ được Đảng cho “ ý kiến chỉ đạo” trả can phạm về nước để lấy tiếng thơm nhân đạo với quốc tế, nặng nhất chỉ là phạt hành chính. Sự việc này cứ diễn ra liên tục thành tiền lệ pháp, do đó tỉ lệ tội phạm nước ngoài tăng không kiểm soát tại Việt Nam.
Thứ nữa, tiền lệ pháp được Đảng cầm quyền làm bình phong bảo đảm lợi ích. Con cháu cán bộ phạm pháp thì tình tiết giảm nhẹ đưa ra là do gia đình “có công với cách mạng”. Khi xử bất kỳ ai, thẩm phán chỉ việc nói rằng xâm phạm lợi ích nhà nước, chẳng cần biết phương thức xâm phạm lợi ích đó như thế nào. Khi quan chức phạm pháp, tội trạng cũng giảm đi hoặc hoãn thi hành với lí do can phạm đang công tác quan trọng và đã đóng góp nhiều. Những sự dung túng pháp luật trở thành tiền lệ pháp. Số ít nằm quyền đã thành công trong việc cấy một quan niệm vào đầu óc người dân rằng cứ chỉ trích nhà nước là phản động, cứ chỉ trích nhà nước là xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, còn cán bộ làm sai thì chỉ là nhất thời nên cứ kỉ luật qua loa là được.
Tiền lệ pháp là công cụ để nhà cầm quyền lợi dụng những chỗ luật pháp chưa với tới. Cùng với tập quán pháp và văn bản quy phạm pháp luật, tiền lệ pháp bảo đảm công bằng xã hội, nhưng nó cũng là thứ bất nhân nếu rơi vào tay người không chính trực. Chỉ khi nào tiền lệ pháp ở Việt Nam được quản lý bởi những người không thiên về bên tả hay bên hữu thì khi đó chúng ta mới có quyền hi vọng vào việc đất nước có những “Bao Thanh Thiên” để bảo vệ công bằng và dân chủ.
undefined