Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nhân lễ tuyên thệ của bà Kim Ngân, bàn về ‘rạp chiếu phim Dân Chủ’

Nguyễn Vũ Hiệp
 

(VNTB) – Nếu có những đại biểu độc lập trúng cử trong kì này hoặc kì tới, việc đầu tiên họ cần làm là đưa Quốc hội Việt Nam trở lại thành Viện Dân biểu, đại diện cho quyền lợi và ý kiến của các nhóm người dân. Chỉ như thế, Quốc hội Việt Nam mới xứng với cái tên của nó và với lý do khiến nó hình thành.
Như dự đoán sau đại hội Đảng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã “được bầu” làm Chủ tịch Quốc hội mới của Việt Nam.
Báo chí đưa tin: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp khi nhậm chức”.
Nhân dịp người đứng đầu cơ quan dân biểu Việt Nam thể hiện lòng trung thành hết sức mới mẻ này, ta hãy cùng bàn về bản chất Quốc hội và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, trên nguyên tắc và ở thực trạng Việt Nam.
1. Bản chất Quốc hội: “Viện Thứ dân”
Về mặt tinh thần, Quốc hội Việt Nam tương ứng với Hạ viện, Viện Thứ dân hoặc Viện Dân biểu trong các nền chính trị lưỡng viện phương Tây.
Khác với các viên chức chính phủ, người gần như có toàn quyền tự quyết trong nhiệm kỳ và công việc chuyên môn của bản thân, các dân biểu trong Hạ viện chỉ thuần túy là một công cụ để truyền đạt dân ý. Dù thể chế có dân chủ đến đâu, thì theo nguyên tắc vận hành của hệ thống, chỉ có Dân biểu mới là những “đầy tớ nhân dân” đích thực. Còn Tổng thống và đảng phái, như de Tocqueville mô tả, vốn vẫn có bản chất là những ông vua và triều đại kéo dài 4 năm.
Nhưng nếu đã có Hạ viện để thực thi “quyền làm chủ của nhân dân”, thì ta còn cần đến Thượng viện để làm gì? Không lẽ là để… hạn chế dân chủ?!
Chính thế. Trong thực tế, không có quốc gia nào vận hành bằng ý chí của đám đông nhân dân. Nếu người ta cố gắng xây dựng một chính quyền chỉ vận hành theo dân ý, thì kết cục sẽ không nằm ngoài ba kịch bản này:
Một: đám đông nhân dân không ngừng chia bè kết đảng để đánh nhau đến chết. Như Gustave le Bon mô tả trong cuốn Tâm Lý Học Đám Đông, đám đông không có trí tuệ, mà chỉ có bản năng, và sức mạnh đám đông chỉ có một công dụng duy nhất là hủy diệt. Nền “dân chủ” kiểu này đã từng hiện diện trong Cách mạng Pháp và trong nạn kiêu binh ở Việt Nam cuối thời Lê – Trịnh, ở những mốc thời gian khá giống nhau.
Hai: thể chế độc tài sẽ hình thành, khi dân chúng bị mê hoặc và dắt mũi bởi những cá nhân có khả năng thao túng đám đông.
Ba: quốc gia trở thành một nền toàn trị của số đông, khi lãnh đạo vừa là tất cả mọi người, vừa chẳng là bất cứ ai, khi tất cả giám sát tất cả, tất cả đàn áp tất cả, tất cả sợ hãi tất cả, tất cả khiếp phục tất cả . Trong một nền toàn trị, ngay cả nguyên thủ và các quan chức cao cấp cũng chỉ là một phụ tùng của bộ máy quyền lực nhân danh đám đông. Dù họ có bị lật đổ hay không, bộ máy quyền lực cũng vẫn còn đó, và đám đông vẫn tự hành hạ, nô dịch chính nó.
Chính bởi vậy, mà ngoài những giải pháp để hạn chế quyền lực của các cá nhân nắm giữ chức quyền, thể chế dân chủ cũng cần những giải pháp để hạn chế quyền lực của đám đông dân chúng. Thượng viện, mà nhiều nơi gọi là “Viện Nguyên lão” hoặc “Viện Quý tộc”, là một trong những giải pháp như vậy. Vì nghị sĩ trong Thượng viện đại diện cho một vùng địa lý thay vì cho dân chúng, và có nhiệm kì đủ dài để ra các quyết định không bị lệ thuộc vào lá phiếu và dư luận, họ có thể đưa ra những ý kiến thảo luận có trí tuệ hơn, khách quan hơn, và ít tính đảng phái hơn. Ở Mỹ, chỉ Thượng viện mới có quyền bỏ phiếu tán thành các hiệp ước và bổ nhiệm các quan chức cao cấp.
Tuy nhiên, trong cùng hệ thống này, Hạ viện cũng có những quyền lực mà Thượng viện không được hưởng. Chẳng hạn như quyền bầu Tổng thống nếu kỳ bầu cử chính thức thất bại, quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập hoặc quyền truất phế các công chức. Qua những quyền này, có thể thấy Hạ viện là cơ quan tập hợp và truyền đạt những ý kiến của giới bình dân. Ở một số nước như Anh, nơi truyền thông đại chúng và những chính khách được lòng đám đông áp đảo về mặt chính trị, Hạ viện quyết định ai làm Thủ tướng, nên các quyết định của nội các sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ ý kiến của giới bình dân. Trong khi đó, ở Nhật, nơi xã hội bị chi phối bởi truyền thống quả đầu, Hạ viện không có giá trị lớn hơn một hòm thư kêu oan mà chính quyền mở ra cho dân khi nào họ thích.
Bản chất Quốc hội Việt Nam: rạp chiếu phim Dân Chủ?
Trong mô hình của Việt Nam hiện nay, có thể nói Quốc hội tương ứng với Hạ viện, còn Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản không hiểu sao lại giữ vai trò của Thượng viện. “Thượng viện” Việt Nam như vậy là cực độc, cực lạ, khắp năm châu bốn bể không đụng hàng với ai. Và không chỉ có thế, nó còn đang quan hệ với Hạ viện theo cách rất buồn cười. Chẳng hạn, không hiểu sao Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản vừa họp xong, người ta đã biết Chủ tịch Quốc hội mới sẽ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và đến hôm nay thì y như là đúng. Trên báo chí, bản chất bù nhìn của Hạ viện Việt Nam đang được tuyên bố một cách công khai minh bạch. Chẳng hạn, trong một bản tin trên VnExpress, tôi thấy có đoạn sau:
“…Nói về sự khác thường trong lần kiện toàn nhân sự cấp cao khi lãnh đạo đương nhiệm chưa hết nhiệm kỳ, đại biểu Dương Trung Quốc giải thích, thông thường các chức danh chủ chốt của quốc gia do đại biểu Quốc hội khoá mới bầu, để bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, kết quả Đại hội Đảng 12 vừa qua đã tạo ra tình huống lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất không tham gia Ban chấp hành trung ương và không tham gia Bộ Chính trị. 

Nếu kéo dài tình trạng những vị trí cao cấp không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị Việt Nam. Do đó, Quốc hội phải bầu mới một lúc ba vị trí quan trọng.

“Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi, để làm bộ máy sớm đi vào hoạt động có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.”

Chưa cần biết “thiết chế chính trị Việt Nam” mà ông Trung Quốc đề cập là cái gì, và nó đem lại hiệu quả trong việc “đối nội và đối ngoại” với những ai, nhìn vào cái quốc hội này, người dân Việt Nam không thể không đặt ra ba câu hỏi:

Thứ nhất, nếu đã biết bà Ngân là “người duy nhất trong danh sách kế nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng” để đem ra bỏ phiếu, thì còn bỏ phiếu để làm gì? Để đóng kịch à?

Thứ hai, nếu chưa bầu ra các đại biểu Quốc hội mới mà đã có tân đại biểu Quốc hội, thì phải chăng Quốc hội Việt Nam chỉ là bù nhìn của thế lực đứng sau bà Ngân? 

Thứ ba, nếu ngay cả “Viện Dân biểu”, cơ quan đại diện quan trọng nhất của dân ý mà còn bù nhìn như vậy, thì những thứ được mệnh danh là dân chủ ở Việt Nam có bản chất là gì?

Không biết cái gọi là “thiết chế chính trị Việt Nam” có gì ưu việt không, nhưng chắc chắn nó đang tạo ra giả dối. Chẳng hạn, đã biết cả ba ông giữ vị trí cao nhất nước sẽ phải ra đi do “thiết chế chính trị”, thì còn xua đám “đại biểu” giả vờ bấm nút miễn nhiệm làm gì?

Thiết chế tạo ra giả dối, thậm chí vận hành bằng giả dối thì không thể là thiết chế tốt. Không tốt thì nên sắp xếp thay đổi.

Nếu có những đại biểu độc lập trúng cử trong kì này hoặc kì tới, việc đầu tiên họ cần làm là đưa Quốc hội Việt Nam trở lại thành Viện Dân biểu, đại diện cho quyền lợi và ý kiến của các nhóm người dân. Chỉ như thế, Quốc hội Việt Nam mới xứng với cái tên của nó và với lý do khiến nó hình thành.

·       *  Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo