VNTB – Nhân quyền là gì mà cần phải quan tâm?

VNTB – Nhân quyền là gì mà cần phải quan tâm?

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Họ đòi quyền có cuộc sống đầy đủ phẩm giá trên chính quê hương mình.

 

Trên thực tế, hàng chục nhà hoạt động bị cầm tù trong những năm gần đây đòi hỏi những điều không khác gì những người cộng sản từng đòi hỏi và cũng từng bị thực dân Pháp cầm tù cả trăm năm về trước. Họ đòi quyền có cuộc sống đầy đủ phẩm giá trên chính quê hương mình.

(Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-co-nhieu-nguoi-viet-nam-quan-tam-den-nhan-quyen-khong/)

Nhân quyền đang bớt dần ‘nhạy cảm chính trị’?

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nhận xét về bản Hiến pháp 2013 là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quá trình soạn thảo Chương về Quyền con người và quyền công dân đã được tham khảo, đối chiếu một cách tương đối toàn diện với tiêu chuẩn của các quy định nhân quyền của các Công ước quốc tế, mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đi sâu hơn vào nội dung Chương II, có thể thấy Hiến pháp năm 2013 có một số thay đổi cụ thể như sau:

Một. Không còn đồng nhất “quyền con người” với “quyền công dân” như ở Điều 50 Hiến pháp năm 1992, mà sử dụng khá hợp lý hai thuật ngữ này cho từng lĩnh vực cụ thể khi Hiến pháp quy định các quyền/ tự do của cá nhân có quốc tịch Việt Nam – công dân và cá nhân không có quốc tịch Việt Nam – quyền con người.

Bên cạnh đó, trong Hiến pháp năm 2013, nhiều khi vẫn cần thiết quy định có sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công và ngược lại, nhiều khi lại không phân biệt giữa chúng.

Hai. Đã thay đổi, tuy chưa triệt để về cách thức hiến định về các quyền con người, từ công thức Nhà nước “quyết định”, “trao” quyền cho người dân sang công thức các quyền của con người là tự nhiên, vốn có, Nhà nước phải ghi nhận, phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện cho tất cả mọi người, mọi công dân, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính …

Ba. Ghi nhận cả ba nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

Bốn. Ghi nhận một số quyền mới bao gồm: quyền sống; các quyền về văn hóa; quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác.

Năm. Đã củng cố hầu hết các quyền hiện có, quy định rõ hơn hoặc tách thành điều riêng, bao gồm: Bình đẳng trước pháp luật; Cấm tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; Bảo vệ đời tư; Tiếp cận thông tin; Tham gia quản lý nhà nước và xã hội; Bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân; Xét xử công bằng; Tư hữu tài sản; An sinh xã hội; Nơi ở hợp pháp …

Sáu. Bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các cơ quan nhà nước tùy tiện giải thích và hạn chế các quyền hiến định, bởi nó nêu rõ những lý do có thể được sử dụng để hạn chế quyền, cùng với việc giới hạn chủ thể duy nhất là Quốc hội mới có thể quyết định việc này (bằng luật), chứ không phải bất cứ cơ quan nhà nước nào (bằng pháp luật).

“Những thay đổi trên khiến cho chế định này của Hiến pháp phù hợp hơn với nội dung của các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên, cũng như với chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp các nước dân chủ. Phần lớn những thay đổi trên nhằm khắc phục những hạn chế của Chương V Hiến pháp năm 1992, và các Hiến pháp trước đây đã khiến các quy định về quyền con người, quyền công dân trở thành hình thức.

Với cách tiếp cận này, các quy định về quyền con người và quyền công dân ở Chương 2 Hiến pháp năm 2013 hứa hẹn các quyền hiến định sẽ được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm đúng đắn, hiệu quả hơn trong thực tế. Quyền lực nhà nước có cơ sở hiến định cho việc hạn chế, để bảo vệ quyền con người của người dân” – Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, có nhận xét.

Nhân quyền và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước

Đảng cầm quyền kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc định ra chủ trương, đường lối và lãnh đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, đường lối đó.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”.

Tuy nhiên nếu nhìn vấn đề qua lăng kính nhân quyền như biện giải ở phần đầu bài viết này của giáo sư Nguyễn Đăng Dung, có thể thấy rằng mặc dù Hiến pháp quy định nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với bộ máy nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân, công dân. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để các cơ quan nhà nước tiếp thu, xử lý những kiến nghị về giám sát của nhân dân vẫn là hình thức, nếu như không muốn nói là ‘bất khả thi’.

Lý do dễ hiểu cho chuyện ‘bất khả thi’, đó là pháp luật hiện hành chưa quy định về các biện pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, đề nghị giám sát của nhân dân. Một số kiến nghị, phản ánh trong hoạt động giám sát của nhân dân gửi đến cơ quan nhà nước chưa kịp thời xử lý, hoặc chưa được giải quyết thấu đáo.

Sở dĩ có vướng mắc này vì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và chức năng quản lý nhà nước của Nhà nước chưa được phân định rõ.

Hệ thống chính trị cồng kềnh, có hiện tượng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan Đảng và Nhà nước. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Và quan trọng hơn là nếu ai đó cứ kiên trì ý kiến – phân tích – biện giải về những lúng túng trên của Đảng sẽ thường bị quy chụp là “diễn biến hòa bình”, là “tự chuyển hóa – tự diễn biến”, để rồi bị bắt bỏ tù với bản án an ninh chính trị quốc gia.

Nhân quyền chính trị, vì những lẽ như trên, đang là khoản trống đáng sợ mà vài chục năm trước đây cả triệu người biết rằng đòi cũng không được, nên đã đánh cược cả mạng sống của mình khi vượt biển tìm đến những xứ đã có sẵn sự tôn trọng phẩm giá chính trị của con người.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)