VNTB – Nhân quyền nhìn từ vắc-xin cho trẻ em

VNTB – Nhân quyền nhìn từ vắc-xin cho trẻ em

Thới Bình

 

(VNTB) – Chưa lạm bàn về chính trị, chỉ thuần theo cách hiểu về quyền dân sự, tính đến hiện tại việc chỉ trích nhân quyền đối với Việt Nam là không hề… ‘phản động’.

 

Đến nay đã qua hết tuần đầu tháng 11-2022, các loại vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn chưa có, và trẻ em nào muốn được chích ngừa thì phụ huynh buộc phải ra các cơ sở y tế tư nhân. Thế nhưng ngoại trừ những đô thị trung tâm có hệ thống tiêm chủng dịch vụ tư nhân khá tốt. Còn lại thì như vùng sâu, vùng xa thì coi như ‘phú hộ’ cũng chào thua, nói gì đến người lao động bình dân.

Nếu nhìn qua lăng kính chính trị thì dường như Thủ tướng Phạm Minh Chính đang muốn đẩy mọi chuyện theo hướng cùng cực để tiến tới ‘xóa bàn làm lại’. Bởi nếu không là như vậy thì cần giải thích ra sao khi hồi đầu tháng này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19, nếu để thiếu vắc-xin Covid-19 thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Thủ tướng đã không nói gì đến vắc-xin cho trẻ em đang thiếu kéo dài đến nửa năm qua cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trung tuần tháng 9-2022, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đưa ra giải thích sở dĩ một số địa phương đang thiếu một số loại vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và vắc-xin sởi là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói thêm là đã đốc thúc các đơn vị sản xuất vắc-xin khẩn trương xây dựng phương án giá vắc-xin năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định.

Chuyện đốc thúc này từ Bộ Y tế là khó hiểu, vì cả hai doanh nghiệp chịu trách nhiệm sản xuất và cung ứng vắc-xin DPT, và vắc-xin sởi đều trực thuộc Bộ Y tế, tức có nghĩa đây là doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, vắc-xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc-xin DPT của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

IVAC có trụ sở đặt tại số 9 Pasteur – Nha Trang. POLYVAC có đến hai cơ sở đều tại Hà Nội: 135 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, và số 418 Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Trong tài liệu khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef – United Nations International Children’s Emergency Fund), thì “vắc-xin giúp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi các bệnh truyền nhiễm cao có nguy cơ gây tử vong”.

Unicef đưa ra danh sách vắc-xin cần được chích ngừa cho trẻ em như sau: lao (BCG), viêm gan B, bại liệt, DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván), Hib (các bệnh phế cầu khuẩn), Virus Rota (virus Rota gây tiêu chảy nặng và nôn), vắc-xin sởi, quai bị và Rubella, HPV (ngừa ung thư tử cung).

Ở Việt Nam, theo lộ trình đưa 4 loại vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa vào chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030. Hiện chương trình đang xây dựng dự án triển khai vắc xin ngừa Rota virus dự kiến từ quý 4-2022, với sự hỗ trợ của Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI).

Trong năm 2022, dự kiến sẽ triển khai vắc=xin này ở 4 tỉnh (ưu tiên các tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn), đến 2023 sẽ mở rộng dần. Đến 2025, chương trình sẽ bổ sung vắc-xin ngừa phế cầu. 2028 – 2030 bổ sung vắc-xin cúm và vắc-xin ngừa HPV.

Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam có 11 loại vắc-xin, vắc-xin ngừa Rota virus là loại vắc-xin thứ 12.

Lý do Việt Nam chọn triển khai tiêm ngừa Rota trước thay vì chọn vắc-xin phế cầu trước như một số nước, là do Việt Nam sản xuất được vắc-xin này, đảm bảo nguồn vắc-xin sử dụng và do gánh nặng bệnh tiêu chảy do virus Rota ở Việt Nam.

Tuy nhiên như những gì đang diễn ra với vắc-xin sởi, vắc-xin DPT ở Việt Nam cho thấy giữa các con số hoạch định đầy tốt đẹp, nhưng cụ thể việc thực thi ra sao, có ổn định như cam kết…, thì chẳng ai dám tin; và điều đó cho thấy trước mắt quyền bình đẳng được chích ngừa của trẻ em Việt Nam, cũng đang là một dang dở của chính sách…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)