VNTB – Nhân sự cho công đoàn hiện tại?

VNTB – Nhân sự cho công đoàn hiện tại?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Công đoàn (CĐ) là tổ chức của người lao động (NLĐ), do NLĐ và vì NLĐ, vì vậy ban chấp hành CĐ và đặc biệt chủ tịch CĐ phải do NLĐ trực tiếp bầu ra.

Chỉ có như vậy mới làm tăng tính chính danh và tính trách nhiệm của thủ lĩnh CĐ – những người được bầu trong con mắt của đoàn viên và NLĐ – những người bầu ra mình.

Thế nhưng vấn đề đặt ra là nhân sự ở đâu khi mà Bộ Luật Lao động của Việt Nam đã chính thức chấp nhận quyền tự do CĐ của NLĐ?

Trước tiên với tổ chức CĐ hiện hữu, tức tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người ta vẫn chưa thấy có chuyện bầu trực tiếp chủ tịch CĐ cơ sở – yếu tố quan trọng và cần thiết vì tính dân chủ, công bằng, tạo sự minh. Thay vào đó vẫn là chuyện vị chủ tịch CĐ này được chỉ định từ CĐ cấp trên; hoặc có dáng dấp dân chủ hơn khi tiến hành bầu chủ tịch CĐ chỉ với một ứng viên cho chức vụ này.

Sự minh bạch, tin cậy cho hệ thống CĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi vậy nên chỉ dừng ở mức hình thức, và phần lớn chủ doanh nghiệp cho tới NLĐ đều phải chấp nhận như một loại thủ tục hành chính khi đầu tư làm ăn. Điều này cũng tương tự như yêu cầu phát triển Đảng trong các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu mai đây có những công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập, chắc hẳn phải là việc lá phiếu của NLĐ bầu trực tiếp khách quan, đảm bảo sự công bằng, tôn trọng NLĐ. Bầu trực tiếp ở đây chính là tạo điều kiện để NLĐ chủ động và bầu ra đúng chủ tịch CĐ cơ sở mà NLĐ mong muốn; và đoàn viên CĐ thực sự có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn chủ tịch CĐ cơ sở. Điều này được hiểu đơn giản là đoàn viên phải toàn quyền bầu ra thủ lĩnh của mình.

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo Đảng, bầu trực tiếp làm cho “dân chủ được phát huy rộng rãi; niềm tin của NLĐ đối với chủ tịch CĐ cơ sở nhiều hơn. Bầu trực tiếp để tìm ra được người thủ lĩnh CĐ dám đứng ra bảo vệ và đấu tranh cho lợi ích của công nhân”.

Một căn cứ pháp lý cho đòi hỏi ‘bầu trực tiếp’, Điều 2, Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thương lượng tập thể, có nội dung như sau:

“Các tổ chức của NLĐ và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia, hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình”.

Công ước 98 đòi hỏi tính độc lập hoàn toàn của tổ chức NLĐ với người sử dụng lao động để thúc đẩy thương lượng tập thể. Trong trường hợp tổ chức được tài trợ bởi người sử dụng lao động, hoặc bị chi phối/ điều  khiển/ thống lĩnh bởi người sử dụng lao động, hoặc có NLĐ là nhân viên cao cấp hoặc người có vị trí lãnh đạo hay có sự tin cậy của người sử dụng lao động tham gia thì không được coi là độc lập hoàn toàn, và như vậy có nghĩa là có vấn đề về áp dụng Điều 2 của Công ước 98 (Bộ Tổng tập, 2006, đoạn 876).

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 98 của ILO từ tháng  6/2019. Vì  vậy,  sự  độc lập của CĐ với người sử dụng lao động là mối quan tâm hàng đầu của hệ thống CĐ hiện tại, qua đó để thúc đẩy mô hình quan hệ lao động hiệu quả tại Việt Nam như ILO khuyến cáo.

Bởi vậy, trước khi bàn luận về công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập vẫn đang là chuyện ở thì tương lai, thì cần thiết đặt ra ngay từ bây giờ, hoặc muộn lắm là bắt đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam từ giữa năm 2021, về vấn đề hệ thống CĐ lâu nay của Việt Nam – đặc biệt là nhân sự CĐ, cần thay đổi phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Công ước số 98, cũng như vấn đề liên quan đến điều này tại những thỏa thuận thương mại FTA, đặc biệt là EVFTA vừa có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)