Hà Nguyên
(VNTB) – Ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã đi tù thì mất luôn cả quyền được dự lễ tang của phụ mẫu theo lễ tục.
Mặc dù về bản chất, hình phạt trong một số trường hợp vẫn mang tính trừng trị nhưng hiện nay, quan niệm về giáo dục, cải tạo người phạm tội vẫn là khuynh hướng chủ đạo của pháp luật hình sự các quốc gia nhằm đảm bảo những giá trị tốt nhất về quyền con người hiện nay.
“Luật Hình sự Việt Nam ra đời từ năm 1985, trải qua một số giai đoạn lịch sử lập pháp, các chế định trong luật hình sự đã có nhiều thay đổi về cả nội dung và kỹ thuật lập pháp, nhưng đều có điểm chung là luôn thể hiện sự nghiêm khắc đối với các hành vi gây thiệt hại cho xã hội cũng như chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Chính vì vậy, luật hình sự được xem là một công cụ để quốc tế nhìn nhận và đánh giá Việt Nam như một quốc gia thành viên có trách nhiệm, thực hiện tốt các cam kết trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà chúng ta đã ký kết và tham gia” – trích tài liệu huấn luyện về “Nhân quyền” của Ban Tổ chức Trung ương.
Tư cách cá nhân, người viết bài này cho rằng pháp luật hình sự cần tu chỉnh về chuyện người đang thi hành án có thời hạn được quyền về dự lễ tang của bậc phụ mẫu.
Một thắc mắc quen thuộc mà nhiều văn phòng luật sư thi thoảng vẫn nhận: Đang đi tù người nhà mất có được về chịu tang không? Có cách nào được phép tại ngoại để về chịu tang khi người thân mất không?
Luật thi hành án hình sự 2019 có quy định về việc thực hiện trích xuất phạm nhân Cụ thể tại khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định về việc đưa phạm nhân ra khỏi nơi quản lý như sau:
Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.
Theo đó, hiện nay pháp luật cho phép phạm nhân đang thi hành án phạt tù có thể khỏi cơ sở giam giữ khi thuộc những trường hợp sau: Để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; Để khám bệnh, chữa bệnh; Hoặc để quản lý giam giữ; Giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.
Như vậy, người thân mất không là một trong những lý do để được trích xuất phạm nhân. Do đó, khi đang đi tù, phạm nhân không thể về nhà khi người thân mất theo lệnh trích xuất được.
Vậy thì trường hợp bị tạm giam, tức người đó vẫn chưa bị buộc tội đầy đủ bằng bản án theo trình tự tố tụng, tức về nguyên tắc đang là công dân có đầy đủ quyền, liệu người ấy có đưa phép về để tang cho phụ mẫu?
Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 nêu việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp sau đây: Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định; Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, người bị tạm giam chỉ được phép ra khỏi cơ sở tạm giam khi thuộc một trong những trường hợp trên. Như vậy, người bị tạm giam cũng không thể về nhà chịu tang khi có người thân mất.