Ngọc Lan
(VNTB) – Bộ Y tế cam kết sẽ có 110 triệu liều vắc xin trong năm 2021, nhưng đến tháng 6, số đã nhận mới chỉ là 2,6 triệu và mới sử dụng 1/2 cho tiêm chủng
Mở cửa nhập vắc xin Covid-19: lăn tăn…
Ngày 2-6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vắc xin ở Việt Nam.
Về lý, các doanh nghiệp này được quyền nhập khẩu vắc xin. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tạo điều kiện khi các doanh nghiệp, hiệp hội tìm được nguồn vắc xin ngừa Covid-19, nếu vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn, việc xem xét hồ sơ chỉ kéo dài 5 ngày.
Đang có vô số thắc mắc xoay quanh chuyện rộng cửa ‘quota’/ hạn ngạch nhập vắc xin về chích ngừa Covid-19 cho người dân Việt Nam.
“Nếu mua được vắc xin thì bán cho ai, tiến độ tiêm chủng như thế nào, chúng tôi có quyền ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vắc xin hay không hay phải ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu?”.
“Vắc xin ngừa Covid-19 có hạn dùng chỉ 6 tháng, thời gian sản xuất, vận chuyển về đến Việt Nam có thể đã mất 1,5 tháng, khâu kiểm định, thủ tục cho vắc xin mất nửa tháng, nếu tiêm chủng chậm có thể dẫn đến hết hạn vắc xin, khoản chi phí này do ai chi trả?”.
“Doanh nghiệp có mấy chục ngàn lao động, và sẵn sàng chi trả chi phí hợp lý để tiêm chủng cho toàn bộ lao động, nhưng đăng ký với ai, chờ đến bao giờ thì được tiêm?”…
Có những đề xuất
“Thiết nghĩ nên phân công trong việc hỗ trợ nhập khẩu vắc xin: Một, doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân sẽ hỗ trợ tìm nguồn, đàm phán, tính toán chi phí. Riêng khâu vận tải, bảo quản, nếu các doanh nghiệp ở trong ngành logistics, kho bãi đông lạnh… có thể lập kế hoạch tham gia tùy thuộc vào năng lực của mình.
Hai, việc tiến hành tiêm chủng sẽ thống nhất do Bộ Y tế tổ chức lập kế họach, phân công cho các cơ sở có năng lực chuyên môn y tế tiến hành tiêm chủng. Ngoài ra, Bộ Y tế có thể tham gia vào vai trò cố vấn trong quá trình đàm phán, nhằm đảm bảo chất lượng, thời gian bảo quản, thời gian tiêm”.
“Vấn đề ở đây là việc tiêm chủng sẽ cần đến một đội ngũ y tế rất lớn, vì có sức ép về thời gian sử dụng của vắc xin, sau đó là phải đảm bảo tính an toàn trong tiêm ngừa. Vì vậy từ bây giờ nên chăng song song với việc nhập, phân phối cần đào tạo cấp bách lực lượng đảm trách việc tiêm chủng?”.
“Ngay từ bây giờ Bộ Y tế cần có ý chỉ đạo đến các trường từ bậc trung cấp y tế đến bậc đại học, hướng dẫn sinh viên các phương pháp từ khâu bảo quản đến cách tiêm vắc xin covid, khi cần lực lựơng này sẽ cùng tham gia. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực nhân sự y tế, tiêm chủng cho người dân”.
“Ở đây ta nên phân chia thành 2 giai đoạn: một là từ việc mua vận chuyển về và bảo quản do doanh nghiệp được Bộ Y tế phê chuẩn cấp phép – giai đoạn này là của doanh nghiệp dưới sự kiểm soát của Bộ Y tế.
Giai đoạn 2 là tổ chức tiêm. Sau khi nhập về doanh nghiệp nhập khẩu báo cáo với Bộ Y tế về đối tượng mua tiêm hoặc chính mình tiêm cho nhân viên mình – việc tổ chức tiêm hoàn toàn do Bộ Y tế quyết định, bệnh viện nào tiêm cho cơ quan xí nghiệp nào được nên chỉ định rõ ra, và giám đốc bệnh viện đó phải chịu trách nhiệm về chuyên môn trong việc tổ chức tiêm”.
Đời thật bất công, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra
Theo nhật báo Wall Street Journal (WSJ), các bệnh viện và trung tâm y tế ở Mỹ cũng đang chạy đua với thời gian để giải quyết hàng triệu liều vắc xin Johnson & Johnson’s (J&J) sắp hết hạn.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hơn 10 triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn trên khắp nước này. Đây thực sự là một bài toán đau đầu cho các nhà quản lý Mỹ vì không thể bắt dân trong nước đi tiêm, và cũng không thể chuyển ra nước ngoài kịp.
WSJ giải thích hàng triệu liều vắc xin J&J tồn kho là do có một khoảng thời gian ngắn loại vắc xin này bị dừng tiêm vì các lo ngại gây máu đông. Nhiều người đăng ký tiêm vắc xin J&J đã hủy lịch hẹn kể cả khi việc tiêm chủng được nối lại.
Vắc xin J&J từng được gọi là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” vì chỉ cần tiêm 1 liều thay vì 2 liều như các vắc xin đối thủ khác. Loại vắc xin này có thể bảo quản 3 tháng trong tủ lạnh thông thường. Nhu cầu với vắc xin J&J đã giảm dần đều trên khắp nước Mỹ do các lo ngại về rủi ro có thể có.