Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhất nguyên đối diện Đa nguyên

Tôn Trọng Dân (VNTB) Tính đến thời điểm hiện nay, dù muốn hay không, “Dân chủ” và “Cộng sản” đã trở thành hai khái niệm trội bật trong ý thức chính trị của người dân Việt, bất chấp trong “Dân chủ” còn dung chứa nhiều khái niệm khác, đôi khi chúng không mang thuộc tính dân chủ. Ở phía bên kia, “Cộng sản” vẫn là một khái niệm không pha tạp, nhưng, về mặt lực lượng, trong đội ngũ cộng sản đã tồn tại hiện tượng phân hoá, vốn cũng đang xảy ra trong cái chỉ có thể gọi là trào lưu “dân chủ chống cộng” tại hải ngoại. Vòng ngoại vi của cả “Cộng sản” lẫn “Dân chủ” đều đang dịch chuyển từng ngày, dù, sự biến động chưa xuất hiện. Vòng ngoại vi này đang có xu hướng giao thoa hơn là giãn cách xa nhau ra.

Người ta có thể thấy gì ở một số điểm khác biệt cơ bản giữa “Dân chủ” và “Cộng sản”?

Về đặc trưng của Bản chất: Yếu điểm và cũng là ưu thế của Dân chủ là luôn tự hiệu chỉnh, soi xét lại, tự thay đổi để thích ứng với thực tiễn sinh động, tiến hoá. Mặt mạnh và cũng là điểm yếu của cộng sản là trung thành với mục tiêu lý tưởng, chống mọi quan điểm xét lại. Về thực chất, ở điểm này, học thuyết cộng sản đi ngược lại tư duy biện chứng về quy luật vận động phát triển của sự vật mà Marx đã tiếp thu từ Darwin một phần, đã phát hiện một phần và đã có công hệ thống hoá.

Về ảnh hưởng đối với xã hội: Bản chất của Dân chủ cổ vũ cho pháp quyền  áp dụng đối với toàn xã hội. Bản chất của Cộng sản cổ vũ cho chuyên chính giai cấp, đứng trên và chi phối pháp quyền đối với toàn xã hội.

Về Vai trò và Vị trí: Dân chủ là một xu thế trên con đường tiến hoá của văn minh nhân loại, trong khi Cộng sản là một trong những chủ nghĩa mà nhân loại phát hiện. Xu thế là phạm trù, bao hàm nhiều chủ nghĩa, nhiều phong trào, tất nhiên, Cộng sản là một “đại biểu” trong số đó. Đến lượt mình, khi thử ở vào vị trí xu thế, chủ nghĩa cộng sản đã không chấp nhận bất kỳ một chủ nghĩa nào, một chính kiến nào, một luồng tư tưởng nào đi khác hướng với xu thế mà họ làm chủ.

Chính ở điểm này, cộng sản đã tự phá huỷ vai trò tự mệnh: “sứ mệnh lịch sử” bằng cách tự làm cho mình dừng lại chỉ ở đẳng cấp của một phong trào. Một phong trào luôn có thời đoạn tồn tại, dù dài hay ngắn, trên lộ trình xu thế tiến hoá chung của loài người. Nó không thể, dù nỗ lực cách nào chăng nữa, để biến thành xu thế vì, như trên đã cho thấy: chính nó (chuyên chính giai cấp) không dung chứa bất kỳ một sự vật nào khác nó, ngoài nó.
Đã không thể tựtiến hoá tất phải tự thoáihoá. Đó là luật của Tự nhiên mà Darwin phát hiện và Marx thời ấy rất ngưỡng mộ [1]. Và đó cũng là điểm tử của chủ nghĩa cộng sản, do chính học thuyết cộng sản “niêm phong” – không ai khác.

Vòng “kim cô” diệu kỳ này cũng là tử huyệtcủa chủ nghĩa cộng sản mà Quý vị “chân tu” thành tín CS không bao giờ đủ nghị lực để trỗi dậy phá vỡ (xem lại phần 2. nhân danh Mặt trời). 2 tấm gương điển hình lớn, đã có: nếu chế độ tồn tại tiếp tục thì con người trên chóp cố phá vỡ nó sẽ bị huỷ diệt trước – một N.S.Khrutsov (1894 ̶ 1971) lặng lẽ qua đời trong vòng tay gia đình và sự ghẻ lạnh của các đồng chí cùng đảng. Người thứ Hai và cũng là người cuối cùng dám tự phá vỡ vòng “kim cô.tử huyệt” này, ngay tại thành trì lớn nhất, cũng đã tự huỷ sinh mệnh chính trị của mình ngay lập tức (may mà không mất mạng vì cuộc ‘đảo chánh’ cải lương ngày 19.8.1991) cùng với sự tan rã của hệ thống khép kín đó: M.S.Gorbatchov (sinh 1931).

Đặc trưng ‘tự huỷ’ này của chủ nghĩa cộng sản cũng là đặc trưng điển hình của hệ tư duy Nhất nguyên trong Kỷ nguyên Quyền lực xác lập bằng Bạo lực: bất kỳ một chiều hướng tư duy nào, hệ tư tưởng nào đi ngược lại với các giá trị và lợi ích của con người, phủ nhận quyền của con người (nhân quyền), đi ngược lại với xu thế tiến hoá từ mông muội tiến tới vùng sáng văn minh đều cũng sẽ, không trước thì sau, tự huỷ diệt, tự phân rã. Chính các yếu tố bên trong chúng sẽ làm công việc đó.

Lý do? – chính Bạo lực tôn vinh Quyền lực, thì cũng chính Bạo lực truất phế Quyền lực.
Tư duy Dân chủ (có định hướng) chống Cộng cũng đi theo trục đường này, và một lúc ‘thoả mãn’ 2 vấn đề: vừa tiêm độc tố kích giúp chế độ chuyên chế cộng sản sinh kháng thể tự vệ, vừa dùng Bạo lực (dù Bạo lực mềm hay Bạo lực cứng vẫn là Bạo lực) để mưu cầu Quyền lực. Hệ quả của công việc này: mở lại khả năng tái tạo vòng xoáy sinh tồn của Kỷ nguyên Quyền lực xác lập bằng Bạo lực.

Kỷ nguyên này về bản chất rõ ràng là kẻ thù của Kỷ nguyên Xã hội Công dân đa nguyên, vốn lấy pháp quyền làm nền tảng phát triển.

Do không còn tuân theo quy luật phi nhân “tiêu diệt/triệt hạ người đi trước, dù đó là người sinh ra chính mình”, trong Kỷ nguyên Xã hội Công dân đa nguyên, mọi mâu thuẫn được giải quyết thông qua nghị luận, hiến địnhvà chế tài.

Làm gì có Dân chủ thuần tuý, chẳng thuộc về ai? Đúng. Thể chế Dân chủ đa nguyên vẫn có thứ Chuyên chính của mình. Chuyên chính của Dân chủ đa nguyên là chuyên chính của Công dân được pháp quyền chế tài, không do “giai cấp”/”cộng đồng” nào chế ngự; được cụ thể hoá bằng Hiến pháp và các bộ luật chi tiết.

Đó là chuyện bình thường ở hầu hết các nước thực sự tôn trọng Con Người, chứ không phải ở các quốc gia mang bộ mặt người.

Khác biệt là ở điểm này, chứ không phải ở chỗ đấu tranh nhằm gạt phăng hết mọi thứ chuyên chính để hớn hở trong niềm hoan lạc vô chính phủ, hoặc, để bê lên một thứ chuyên chính khác do “mình” dấu ái, chiêm bái. Bạo lực được chế tài bằng các hệ thống Văn Bản Pháp Quy. Bằng cách này, loài người đã dần nhấc một chân ra khỏi vũng lầy nhầy máu của Kỷ nguyên Quyền lực xác lập bằng Bạo lực kéo dài từ thời nông nô đến tận ngày nay. ‘Quyền lực của Không Quyền lực’ (Power of Powerless [2]) chính là một nền tảng của xu thế tiếp nối trên con đường nhân loại tiến hoá: Kỷ nguyên Xã hội Công dân dân chủ đa nguyên.

Như mọi người có thể thấy, do luôn tự hiệu chỉnh, soi xét lại, tự thay đổi để thích ứng với thực tiễn sinh động, tiến hoá nên Dân chủ sẽ mãi chỉ dừng ở mức phong trào, không hoà vào được xu thế Dân chủ chung đang khởi đầu trên thế giới, nếu các “phong trào” này cứ mãi lật tới/soi lui, xoay sở, loay hoay không tìm ra đúng tư thế để vận động ổn định. Tập hợp, liên kết thành mặt trận chỉ là bước tiếp theo khi đã có những chính đảngtự thân sở hữu các cương lĩnh phù hợp với quyền lợi của nhân dân.

Thế nên, dù có nguyền rủa tàn tệ đảng cộng sản bao nhiêu chăng nữa, có bôi dơ hồ chí minh gấp tỷ tỷ lần hiện nay đi nữa, thì, vấn đề vẫn mãi là: vế thứ 2 của tiến trình vận động dân chủ vẫn chưa được chứng minh, còn bỏ ngỏ, người dân không thấy hay ho gì sau đỉnh dốc mà chỉ thấy cái hậu quả của hành vi “mở nắp hộp Pandora”, chỉ thấy cú bay vòng về vô hiệu của Boomerang, lại không thấy được niềm vui khi khối Rubikđược xếp.xoay khít khớp.

Chú thích

[1] xem Karl Marx, một nhà nhân văn lãng mạn của Terry Eagleton, Phạm Thị Hoài dịch 
[2] Power of Powerless là tác phẩm được Václav Havel (1936-2011, Tổng thống dân cử đầu tiên của Czechoslovakia từ 1989-1992) viết vào tháng Mười 1978. xem Quyền lực của Không Quyền lực do Khải Minh dịch và giới thiệu, Lâm Yến hiệu đính

* Bài “Nhất nguyên đối diện Đa nguyên” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo”
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bao giờ Việt Nam có luật về đảng chính trị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp

Phan Thanh Hung

VNTB – Thời trầm uất 2 màu đen.trắng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo